Thảm kịch tại Gaza
Vụ tấn công bất ngờ của Hamas nhằm vào các khu dân cư gần biên giới Israel đã thổi bùng cuộc xung đột khi Israel tiến hành chiến dịch trả đũa nhằm vào Dải Gaza, gây ra thảm kịch tồi tệ, với số thương vong lớn cho cả hai phía. Sau khi tình trạng chiến tranh được công bố, Israel đã huy động hơn 300.000 quân nhân dự bị, đồng thời chuẩn bị mọi nguồn lực để đưa vũ khí, khí tài tới biên giới.
Tình hình khu vực Trung Đông đặc biệt đáng lo ngại sau khi Israel mở các chiến dịch tiến công quy mô lớn cả trên biển, trên không và trên bộ ở Gaza, khiến hơn 18.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Phía Israel cũng có khoảng 1.200 người chết, nhiều người bị bắt làm con tin.
Cuộc xung đột đã gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng tại Gaza khi dải đất này bị phong tỏa và bạo lực cản trở các hoạt động cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Tình trạng thiếu nhiên liệu, nước sạch và vệ sinh xuống cấp, cùng với các cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhu cầu di cư hàng loạt tạo ra một thảm kịch tại đây.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 1,7 triệu người trong số 2,4 triệu dân ở Gaza phải sơ tán bên trong dải đất hẹp này. Gần 900.000 người phải ở trong những trại tị nạn đông đúc của Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Dưới nỗ lực ngoại giao con thoi của các nước trong khu vực và quốc tế, Israel và Hamas đã ngừng bắn để tạo hành lang an toàn cho hoạt động nhân đạo.
Tuy nhiên, giao tranh đã tiếp diễn sau khi thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên giữa Israel và Hamas, có hiệu lực từ ngày 24/11 và được gia hạn hai lần, hết hạn vào sáng 1/12. Trong thời gian ngừng bắn kéo dài bảy ngày, 110 con tin Israel đã được trả tự do để đổi lấy 240 tù nhân Palestine. Mặc dù hàng cứu trợ và nhiên liệu đã được đưa tới Gaza, song với số lượng hạn chế cũng như thảm cảnh của người Palestine ở dải đất này, hàng cứu trợ chỉ như “muối bỏ bể”.
Chiến dịch ném bom của Israel vào Gaza để đáp trả vụ tấn công của Hamas đã lôi kéo một số nhóm vũ trang trong khu vực vào vòng xoáy xung đột. Những lực lượng này thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng Israel và Mỹ.
Cuộc xung đột có nguy cơ lan rộng khi bạo lực gia tăng ở Liban, Syria, Iraq. Xung đột leo thang ở khu vực biên giới phía nam Liban, giáp với Israel, sau khi lực lượng Hezbollah nã rocket về phía Israel nhằm hỗ trợ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas tại Israel. Quân đội Israel đã đáp trả bằng những vụ pháo kích nhằm vào một số khu vực ở đông nam Liban. Theo giới phân tích, lo ngại nhất hiện nay vẫn là lực lượng Hezbollah ở Liban, khi các cuộc tấn công qua lại biên giới với quân đội Israel diễn ra thường xuyên.
Bên cạnh đó còn có các lực lượng Houthi ở Yemen và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Gaza và một số khu vực khác. Lực lượng Houthi đã chính thức lộ diện với các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa tầm xa nhằm vào thành phố Eilat ở cực nam của Israel. Mỹ đã phối hợp các đối tác ở Trung Đông để ngăn chặn xung đột ở Dải Gaza lan rộng. Tuy nhiên, chưa có một phương án chính trị khả thi nào nhằm chấm dứt giao tranh và tìm kiếm một giải pháp hòa bình toàn diện cho Trung Đông.
Nguy cơ các bên khác tham chiến buộc Mỹ phải tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Sau khi điều ba tàu sân bay tới khu vực, Mỹ tiếp tục đưa máy bay ném bom B-1 có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân tới Trung Đông, nhằm tạo ra sức răn đe lớn. Theo giới phân tích, việc Mỹ triển khai hai trong “bộ ba hạt nhân” chiến lược cho thấy động thái điều động quân sự chưa từng có của Washington tại Trung Đông.
Cần một giải pháp toàn diện
Cộng đồng quốc tế ráo riết kêu gọi chấm dứt xung đột và tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột dựa trên giải pháp hai nhà nước. Tương lai của Dải Gaza cũng là vấn đề cần được quan tâm hiện nay, nhất là sau tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Israel sẽ đảm trách “an ninh tổng thể” đối với Gaza trong một thời gian không xác định sau khi xung đột với Hamas kết thúc. Năm 2005, Israel đã rút khỏi Dải Gaza, vùng đất mà nước này chiếm được trong “cuộc chiến sáu ngày” vào năm 1967. Sau đó, Tel Aviv áp đặt lệnh phong tỏa khi lực lượng Hamas giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này.
Cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ ý định chiếm đóng lâu dài tại Gaza hoặc tạo những vùng an ninh bên trong dải đất này. Mỹ cho rằng Israel không thể chiếm đóng Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc; đồng thời cho rằng chính quyền tại Gaza phải được hợp nhất với khu Bờ Tây, nơi Chính quyền Palestine (PA) đang quản lý.
Quan điểm của Mỹ là không tái chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc, không phong tỏa hay bao vây Gaza, không thu hẹp vùng lãnh thổ này. Việc quản lý sau khủng hoảng cần có tiếng nói từ phía Palestine. Kế hoạch này phải bao gồm sự quản lý do người Palestine lãnh đạo và việc Gaza hợp nhất với Bờ Tây dưới sự quản lý của Chính quyền Palestine.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, kịch bản lý tưởng nhất là Chính quyền Palestine khôi phục một phần kiểm soát chính trị tại Gaza.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã đề xuất năm nguyên tắc cơ bản để định hướng tương lai của Dải Gaza. Các nguyên tắc, được gắn với triển vọng giải pháp hai nhà nước và bao gồm các yếu tố: Không có nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố; không có chính phủ do Hamas lãnh đạo; không có sự hiện diện an ninh lâu dài của Israel; không có sự cưỡng bức di dời đối với người Palestine; không có sự phong tỏa kéo dài.
Trong khi đó, Người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudeineh đã đưa ra tuyên bố bác bỏ nỗ lực của Israel nhằm “tách Gaza khỏi Bờ Tây”. Ông Abu Rudeineh nhấn mạnh, Gaza là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Palestine thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Chính quyền Palestine khẳng định an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới sẽ chỉ đạt được bằng cách chấm dứt ách chiếm đóng của Israel và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967. Chính quyền Palestine cho rằng, Gaza - nơi Hamas kiểm soát từ năm 2007, là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn về một đất nước Palestine tương lai. Tuy nhiên, giới chức Palestine nhấn mạnh, việc Chính quyền Palestine quay trở lại nắm quyền ở Dải Gaza phải đi kèm một giải pháp chính trị toàn diện cho xung đột Israel-Palestine.
Cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine kéo dài nhiều thập kỷ qua đã trở thành một trong những điểm nóng phức tạp nhất thế giới, đòi hỏi giải pháp chính trị toàn diện, trong đó quan trọng nhất là giải pháp hai nhà nước. Giải pháp hai nhà nước đã được quốc tế nỗ lực thúc đẩy bằng các hoạt động ngoại giao từ đầu những năm 1990, nhưng trải qua nhiều thập niên vẫn bế tắc. Sau khi xung đột Israel-Hamas bùng phát, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhưng chưa vạch lộ trình cụ thể để hồi sinh các cuộc đàm phán. Vòng đàm phán hòa bình gần nhất đã thất bại năm 2014. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ và các đối tác vẫn đang thảo luận về một cấu trúc quản lý Gaza trong tương lai.
Xung đột giữa Israel và Hamas mới đây đã thổi bùng ngọn lửa thù hận giữa Israel với Dải Gaza nói riêng, với người Palestine nói chung vốn âm ỉ nhiều thập kỷ qua. Hàng loạt các cuộc tuần hành diễn ra tại Anh, Pháp, Đức, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới kêu gọi ngừng bắn. Cộng đồng quốc tế yêu cầu các bên xung đột tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; đồng thời khẳng định, vấn đề Palestine phải được giải quyết bằng giải pháp hai nhà nước, trong đó một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền của người Arab sẽ cùng tồn tại và hướng đến hợp tác thịnh vượng bên cạnh Nhà nước Israel của người Do Thái.
Tuy nhiên, các giải pháp hòa bình được các cường quốc và nhiều nước trong khu vực đề xuất được cho là quá tham vọng khi xung đột vẫn đang diễn ra ác liệt. Cộng đồng quốc tế hối thúc tìm ra các giải pháp cấp bách đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại Gaza bằng cách ngừng bắn ngay lập tức và tăng cường viện trợ nhân đạo cho vùng lãnh thổ này trước khi quá muộn.