Nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn tại Dải Gaza

Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Ai Cập Abbas Kamel và các nhà đàm phán của lực lượng Hamas có cuộc gặp tại Doha (Qatar) nhằm nỗ lực phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ tấn công trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza. (Ảnh ANADOLU AGENCY)
Hiện trường vụ tấn công trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza. (Ảnh ANADOLU AGENCY)

Hamas sẵn sàng thực thi thỏa thuận

Trong cuộc gặp tại Doha, đoàn đàm phán Hamas khẳng định lại sẵn sàng thực thi thỏa thuận ngừng bắn theo ba giai đoạn dựa trên đề xuất của Mỹ, đồng thời bác bỏ mọi điều kiện mới do bất kỳ bên nào đưa ra.

Hamas cho rằng cần duy trì thái độ tích cực và linh hoạt để đạt được một thỏa thuận. Hamas cũng nhấn mạnh yêu cầu Israel rút quân toàn bộ khỏi Dải Gaza; khẳng định, việc quản lý Dải Gaza là công việc nội bộ của Palestine.

Trước đó, Hamas bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng, lực lượng này là rào cản chính đối với việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.

Hamas khẳng định, bình luận trước đó của Cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng phong trào này thay đổi một số điều kiện về lệnh ngừng bắn là không có căn cứ. Theo Hamas, phía Israel mới là bên đưa ra các yêu cầu mới.

Palestine có ghế tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

Trong một nghị quyết, Ðại hội đồng Liên hợp quốc cấp cho Palestine một số quyền mới dù chưa phải thành viên chính thức.

Theo đó, phái đoàn Palestine có một ghế tại Ðại hội đồng và có thể đệ trình các đề xuất, sửa đổi bắt đầu từ phiên họp lần thứ 79 của Ðại hội đồng. Tuy nhiên, Ðại hội đồng vẫn loại trừ khả năng phái đoàn Palestine được bỏ phiếu hoặc trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an.

Một số đại sứ và đại diện các nước Mỹ Latin và Caribe tại Ai Cập khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với quyền hợp pháp của Nhà nước Palestine được trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.

Ðại sứ các nước Mỹ Latin và Caribe cũng nhấn mạnh cam kết hỗ trợ người dân Palestine và trao cho họ quyền tự quyết theo các nghị quyết của Liên hợp quốc và các nghị quyết quốc tế khác.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, đây là cuộc không kích thứ năm vào cùng một ngôi trường ở trại tị nạn Nuseirat kể từ xung đột bùng phát.

Ông Dujarric lên án mọi cuộc không kích nhằm vào dân thường và các cơ sở của tổ chức này. Ông Dujarric nêu rõ, không một lực lượng nào được sử dụng cơ sở của Liên hợp quốc để tiến hành các hoạt động quân sự.