Nỗ lực tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

Từ một phụ nữ dân tộc Khmer nghèo, vất vả mưu sinh, nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, chị Trương Thị Bạch Thủy, sinh năm 1984, ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã góp nhiều công sức phát triển Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm phụ nữ nông thôn…
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Trương Thị Bạch Thủy (bên phải) giới thiệu với du khách tham quan tại phòng trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết.
Nghệ nhân Trương Thị Bạch Thủy (bên phải) giới thiệu với du khách tham quan tại phòng trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Khmer có nghề truyền thống đan đát ở ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long (Bạc Liêu), ngay từ nhỏ, Bạch Thủy đã biết đan đát khá giỏi. Hằng ngày, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Bạch Thủy cặm cụi tạo những sản phẩm từ mây tre để mang ra chợ bán.

Học xong phổ thông, Bạch Thủy xin gia đình đi học thêm nghề thủ công mỹ nghệ từ các nghệ nhân, rồi tham gia các lớp thiết kế, mỹ thuật do Hội Phụ nữ tổ chức. Với sự thông minh, cần cù, chịu khó, chị được nhiều người biết đến với nghề kinh doanh các sản phẩm tre, mây mỹ nghệ.

Lúc đó, các sản phẩm đan đát làng nghề thủ công ế ẩm, không trụ được với sự cạnh tranh khốc liệt bởi các mặt hàng gia dụng làm từ nhựa. Bạch Thủy cùng gia đình đã phải rời làng nghề và đến Sóc Trăng kinh doanh quán cơm. Cuộc sống ổn định hơn, nhưng lúc nào chị cũng đau đáu nhớ về nghề đan đát truyền thống của gia đình.

Khi phong trào khởi nghiệp được Hội Phụ nữ phát động và kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường ngày càng lan tỏa, người tiêu dùng quay lại với các vật dụng làm từ tre, mây, ngọn lửa nghề lại bùng cháy mãnh liệt trong Bạch Thủy. Chị quyết định trở về quê nội là làng đan đát xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng để khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa.

Được sự quan tâm của các cấp Hội Phụ nữ, sự vận động của chính quyền địa phương Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết được thành lập với 32 xã viên là các thợ đan đát của làng nghề Phú Tân. Bạch Thủy được chị em tín nhiệm bầu làm Giám đốc Hợp tác xã và được Hội Phụ nữ huyện Châu Thành tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn tài chính tín dụng, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin...; kết nối kinh doanh cùng các chị em phụ nữ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh giao lưu, giới thiệu sản phẩm mây tre.

Hiện nay, Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết có hơn 600 mặt hàng các loại, từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… Khi khách đặt hàng mẫu mới, Bạch Thủy nghiên cứu thật kỹ rồi tự tay làm ra sản phẩm mẫu, sau đó mang xuống các làng nghề hướng dẫn lại cho các chị em để cho ra sản phẩm ưng ý nhất. Mỗi làng nghề chị sẽ chọn đặt hàng các sản phẩm khác nhau để nâng cao tay nghề cho chị em.

Sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt, Hợp tác xã Thủy Tuyết đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, từ bà con trong làng nghề cho đến lao động tại cơ sở. Từ kinh nghiệm của bản thân và kiến thức mới cập nhật, Bạch Thủy tận tình hướng dẫn các xã viên cách đan những sản phẩm lưu niệm; những công trình trang trí đường phố hoặc homestay. Sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận không chỉ nhờ chất liệu thân thiện môi trường mà còn đạt tiêu chuẩn thẩm mỹ và độ bền cao.

Năm 2023, khi chị Trương Thị Bạch Thủy đoạt Giải nhất cuộc thi ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc và được công nhận là Nghệ nhân Quốc gia ngành nghề mây tre đan, Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết càng được nhiều người biết và có thêm nhiều đơn đặt hàng, qua đó góp phần tăng thêm thu nhập cho xã viên và chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Hiện, Hợp tác xã giải quyết việc làm ổn định cho xã viên và hàng trăm hội viên phụ nữ vùng lân cận; mỗi hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng từ nghề đan đát.

Bạch Thủy cho biết, làng nghề truyền thống hiện có 90% số thợ là người dân tộc Khmer có tay nghề lâu năm trong lĩnh vực đan đát thủ công mỹ nghệ từ mây, tre. Cùng với lợi thế có nhiều thợ giỏi trong làng nghề ở Sóc Trăng, Hợp tác xã còn phát triển và ứng dụng cây tre vào xây dựng các công trình kiến trúc nhằm phát huy giá trị và bản sắc văn hóa con người Việt Nam.

“Thời gian tới, với sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, địa phương, tôi sẽ nỗ lực duy trì điều hành hợp tác xã tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được để hợp tác xã ngày càng phát triển. Qua đó, giúp chị em hội viên phụ nữ, nhất là ở vùng nông thôn và phụ nữ dân tộc Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần nâng cao năng lực và quyền năng kinh tế của phụ nữ trong gia đình và xã hội”, Bạch Thủy khẳng định.