Nỗ lực tăng kim ngạch xuất khẩu

Ngay từ đầu năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, lấy lại thị trường xuất khẩu. Năm nay, thành phố Hà Nội nỗ lực vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 để đạt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 5% so với năm trước.

Sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse. (Ảnh Đăng Duy)
Sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse. (Ảnh Đăng Duy)

Những tháng đầu năm 2022, 70 container 20 feet gồm các mặt hàng như gạo, hàng thủ công mỹ nghệ… đã được Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) xuất khẩu khai xuân đến thị trường Mỹ, Trung Quốc... Xuất khẩu là hoạt động mũi nhọn của doanh nghiệp này, cho nên trong thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đơn vị vẫn chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới. Các nông sản nổi bật của Việt Nam như hạt điều, gạo, hạt tiêu, cà-phê, tinh bột sắn... đã được đơn vị quảng bá và cung ứng cho các bạn hàng tại gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Tổng công ty May 10, tập thể người lao động đang tăng ca cho kịp tiến độ các đơn hàng phải hoàn thành trong quý I/2022 và cả những đơn hàng đến hạn vào quý II/2022. Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, doanh nghiệp đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu tới giữa năm 2022 nên giờ rất yên tâm, ổn định sản xuất, phấn đấu sớm hoàn thành chỉ tiêu. Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho biết, năm 2022, đơn vị tập trung mạnh hơn vào thị trường xuất khẩu. Dự kiến, năm nay, doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm tới 25% và doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu chiếm 50% hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 1.563 triệu USD, tuy giảm 3,6% so với tháng trước (một phần là do thời gian nghỉ Tết) nhưng tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều mặt hàng chủ lực đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 21,6%; hàng dệt, may tăng 54,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 64,7%; hàng nông sản tăng 99,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn lại năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội vẫn đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP cho biết, dịch Covid-19 đã khiến nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, chuyến công tác gặp khó khăn. Do đó, doanh nghiệp nỗ lực tìm các giải pháp khác như tham dự chương trình kết nối giao thương trực tuyến để tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất, nhập khẩu; thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, các Tham tán thương mại để tìm hiểu nhu cầu và tiếp cận thị trường nước ngoài, giới thiệu, quảng bá sản phẩm xuất khẩu; tái cơ cấu và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu theo hướng tinh giản, an toàn, hiệu quả.

Theo Bộ Công thương, hoạt động xuất-nhập khẩu năm 2022 được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới gia tăng. Nhiều nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực với lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.

Nắm bắt cơ hội này, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 5% so với năm 2021. Thành phố sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, gồm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ, kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu…

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố sẽ nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực… Cụ thể từ nay đến cuối năm 2022, thành phố sẽ triển khai Kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)…