Nỗ lực phục vụ hành khách đi lại thuận tiện dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Tết Nguyên đán Quý Mão đến gần, ngành giao thông thành phố nỗ lực thực hiện công tác phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, qua đó bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên ga Sài Gòn bán vé tàu Tết Nguyên đán Quý Mão cho hành khách.
Nhân viên ga Sài Gòn bán vé tàu Tết Nguyên đán Quý Mão cho hành khách.

Thông tin mới nhất từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự báo lượng hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sẽ tăng đột biến, lên đến 130.000 người mỗi ngày, so với cùng kỳ năm 2019, lượng khách tăng khoảng 20%. Trong đó, giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán (từ ngày 6/1 đến 5/2/2023), lịch bay tăng cao, dự kiến trung bình khoảng 820 chuyến bay đi và đến mỗi ngày.

Trước nhu cầu đi lại tăng cao, lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, cao điểm Tết sẽ cho 44 lượt cất/hạ cánh mỗi giờ trong khung thời gian từ 9 giờ-14 giờ 55 phút và 18 giờ -21 giờ 55 phút, áp dụng từ 6/1 đến 5/2. Để chuẩn bị phục vụ hành khách đi lại dịp cao điểm Tết, sân bay phối hợp các hãng taxi để tăng số lượng xe cũng như các phương án điều phối nhằm giải tỏa khách.

Cụ thể, mỗi ngày cao điểm sẽ huy động từ 13.000 đến 14.000 lượt xe (so với hiện nay là khoảng 11.000 lượt xe). Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán năm 2023 sắp tới, cảng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh phương án khai thác, đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp để cải thiện tình hình, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết thêm, năm 2022, lượng hành khách qua cảng đạt 34 triệu người/năm, vượt công suất thiết kế 21%. Mặc dù tổng lượng khách qua sân bay trong năm nay chưa phục hồi như giai đoạn cao điểm trước dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường trong nước quá mạnh. Lượng khách dồn lên ga quốc nội gây quá tải trầm trọng.

Về công tác phục vụ khách đi lại dịp Tết Nguyên đán Quý Mão tại Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức), ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Ban Bến xe Miền Đông mới cho biết: Một số nhà xe thương hiệu, giá vé bình ổn khá hút khách các tuyến đi miền trung như nhà xe Phương Trang, Chín Nghĩa, Thành Bưởi… thông báo hết vé các ngày từ 24 đến 28 tháng Chạp Nhâm Dần. Tuy nhiên, bến xe vẫn còn nhiều vé đi các tuyến miền trung của các nhà xe khác, doanh nghiệp ủy thác cho bến bán vé bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách. Tuy nhiên nhiều hành khách không đến bến mua trực tiếp mà đặt vé qua website, facebook hoặc số điện thoại của hãng xe để tiết kiệm thời gian đi lại.

Theo đại diện bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), bến xe đã bắt đầu mở bán vé Tết Nguyên đán từ ngày 1/12. Dự báo, thời gian 10 ngày trước Tết từ 12 đến 21/1/2023 (tức từ 21 đến 30 tháng Chạp), trung bình khách qua bến xe Miền Đông cũ đạt hơn 8.700 người mỗi ngày, tăng 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại bến xe Miền Đông cũ chỉ còn phục vụ các tuyến đi Tây Nguyên và một số tuyến có hành trình đi qua quốc lộ 13, 14.

Bến xe Miền Tây vừa có kế hoạch phục vụ khách đi lại Tết Nguyên đán 2023 với dự báo sản lượng hành khách đi lại tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu từ ngày 27, 28 và 29 tháng Chạp. Trong đó, cao điểm ngày 28 tháng Chạp, lượng khách qua bến có thể đạt tới 41.000 khách/ngày. Để giải tỏa khách những ngày cao điểm, bến xe dự kiến điều động từ năm đến 10 xe buýt tăng cường. Về giá vé, đại diện bến xe này cho biết, giá vé phụ thu bù chiều xe chạy rỗng không quá 40% so với ngày thường, thời gian phụ thu trong sáu ngày gồm bốn ngày trước Tết và hai ngày sau Tết. Riêng các tuyến đường khu vực miền Đông phụ thu từ 20% đến 60% tùy tuyến và tùy thời điểm.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Quang Lâm nhấn mạnh: Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, vận tải hàng hóa trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2023, các đơn vị không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển. Khắc phục, hạn chế các hiện tượng như chèn ép giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định; đồng thời gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, Trung tâm Vận tải hành khách công cộng thành phố phải tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng để kết nối và hỗ trợ hành khách đi lại thuận tiện tại các đầu mối giao thông tập trung lượng hành khách lớn như: nhà ga đường sắt, cảng hàng không, bến xe, bến tàu.

Sở Giao thông vận tải đề nghị Công an Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng chốt trực điều tiết phân luồng giao thông tại các khu vực điểm nóng, các cửa ngõ thành phố, trong đó có các khu vực là điểm nóng giao thông như Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, vòng xoay Lăng Cha Cả, Trường Sơn - ga Quốc nội, Phạm Văn Đồng (đoạn từ đường Trường Sơn đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn); Khu vực bến xe Miền Tây: khu vực cổng ra vào bến xe Miền Tây trên đường Kinh Dương Vương, Vòng xoay An Lạc, quốc lộ 1, đường dẫn cao tốc Tân Tạo - Chợ Đệm, Bình Thuận - Chợ Đệm; Khu vực bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh): Ngã 5 Đài Liệt Sĩ, giao lộ Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh, cầu Bình Triệu.

Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, sau gần hai tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Quý Mão, hiện hệ thống còn khoảng 50.000 chỗ. Trong đó, giai đoạn trước Tết chiều từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội còn khoảng 11.000 chỗ; giai đoạn sau Tết chiều từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh còn khoảng hơn 39.000 chỗ. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ Tết, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy thêm 15 đoàn tàu từ Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Huế và ngược lại trong các ngày nghỉ Tết từ ngày 20/1 đến ngày 25/1/2023 (29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 4 tháng Giêng năm Quý Mão) đáp ứng thêm khoảng 7.500 chỗ.