Nỗ lực phát triển lĩnh vực logistics

Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực logistics. Với những lợi thế đặc thù về thương mại và vận tải quốc tế, thành phố đã và đang có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía nam và cả nước.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng ICD Phước Long (thành phố Thủ Đức).
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng ICD Phước Long (thành phố Thủ Đức).

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) công bố, Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh logistics, tiếp đến là Hải Phòng, Bình Dương; Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội đồng hạng tư.

Thuận lợi đan xen thách thức

Theo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics (chiếm 36,7% cả nước). Tuy vậy, trong đó chỉ có khoảng 2.700 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, chiếm tỷ trọng 54% số lượng doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp của Việt Nam.

Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực giao thông-vận tải, hậu cần…, giúp thành phố duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu về hoạt động logistics trong khu vực và cả nước. Có thể nói rằng, thành phố đã góp phần đáng kể nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực logistics toàn cầu.

Theo bảng xếp hạng Agility 2023, Việt Nam lọt nhóm 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, đứng thứ tư Đông Nam Á (sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan). Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023 cho thấy, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm năm nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, chiếm từ 40% đến 50%. Không những vậy, thành phố cũng chưa có trung tâm logistics quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại. Hiện, thành phố chỉ có một dự án trung tâm logistics tại Khu Công nghệ cao (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Western Pacific, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 848 tỷ đồng).

Theo khảo sát và thống kê của Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố chỉ có 1.500 kho hậu cần; nhưng trong đó lại chỉ có 30 kho lạnh đạt chuẩn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, vận tải đường bộ vẫn là phương thức hoạt động vận tải chính trong bối cảnh hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp và các phương thức vận tải khác chưa phát triển; khá nhiều tuyến đường bộ ở tình trạng kém chất lượng và không bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa… Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics tại thành phố còn chậm và chưa thực sự đồng đều.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành logistics, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ tư cả nước. Thế nhưng, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn mang tính rời rạc, khả năng chia sẻ dữ liệu lẫn nhau còn thấp, chưa có những công nghệ dành riêng cho logistics…

Đẩy mạnh công tác đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, để đón đầu các chuỗi cung ứng, thành phố cần tăng cường triển khai các dự án đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics. Theo đại diện Sở Công thương, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư vào sáu dự án xây dựng trung tâm logistics tại thành phố Thủ Đức (phường Long Bình, Linh Trung, Cát Lái-Phú Hữu), huyện Bình Chánh (xã Tân Kiên), huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ) và huyện Nhà Bè (xã Hiệp Phước).

Đối với sáu trung tâm logistics này, Sở Công thương đã thành lập tổ công tác thực hiện các thủ tục kêu gọi đầu tư các dự án thành lập trung tâm logistics trên địa bàn thành phố để chủ động; phối hợp các sở Giao thông vận tải, Quy hoạch-Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh rà soát vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, đất đai. Qua đó, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hướng xử lý, tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ triển khai.

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng: Logistics thành phố cần gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với hệ thống logistics trong vùng Đông Nam Bộ; trong đó, chú trọng kết nối thông suốt với các khu vực trọng điểm là tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Dũng, hoạt động logistics tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, doanh nghiệp logistics ngày càng phát triển và được thế giới biết đến nhiều hơn. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 dịch vụ logistics tăng trưởng khoảng 4% và khoảng 12% vào năm 2030.

Thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp logistics tiếp tục có những sáng kiến, giải pháp hiệu quả để ngày càng thích ứng, phát triển hơn nữa trong lĩnh vực này. Trách nhiệm của chính quyền thành phố là tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể, thành phố sẽ đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường thủy, hệ thống cảng, bảo đảm các tuyến đường vành đai của thành phố được đầu tư và kết nối đồng bộ, hiệu quả…

Còn theo các chuyên gia, thành phố cần tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực logistics như: Thiết lập bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức để phục vụ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải và đầu mối tập kết hàng hóa, áp dụng các công nghệ tiên tiến (tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật...) để phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; tối ưu hóa quá trình vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí và tăng cường hiệu suất cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đối với phương tiện vận tải hoạt động trong lĩnh vực logistics; nghiên cứu, thành lập trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics...