Nỗ lực nâng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số

Theo kết quả Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố về chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh tăng hai bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ ba toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân quận Tân Phú có thể tra cứu ngày hẹn đến làm căn cước công dân và tiến độ trả kết quả qua tài khoản Zalo của Công an quận.
Người dân quận Tân Phú có thể tra cứu ngày hẹn đến làm căn cước công dân và tiến độ trả kết quả qua tài khoản Zalo của Công an quận.

Kết quả đánh giá, xếp hạng DTI dựa trên chín chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm sáu chỉ số chính: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh (không tính điểm vào DTI cấp tỉnh); nhóm chỉ số về hoạt động gồm ba chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.

Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai chuyển đổi số, năm 2021, thành phố đã triển khai các nền tảng quan trọng, đó là, nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại thành phố và kết nối liên thông thành công với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, thực hiện liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin của các bộ, ngành.

Tiếp đó là nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung từ kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có tại các sở, ngành về kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Thành phố cũng đã triển khai Cổng dữ liệu giúp chia sẻ dữ liệu cho các sở, ban, ngành, quận, huyện khai thác và sử dụng, như: Thông tin doanh nghiệp; thông tin đăng ký quyền sử dụng nhà ở, đất ở; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục; dự án đầu tư; thông tin giá thị trường của một số mặt hàng thiết yếu...

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành vấn đề số hóa dữ liệu hộ tịch và đưa vào kho dữ liệu dùng chung của Bộ Tư pháp, thành phố cũng đã vận hành nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước. Hiện, Cổng thông tin 1022 tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng của thành phố.

Tháng 4/2022, thành phố đã công bố, đưa vào hoạt động Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022. Hệ thống giúp lãnh đạo thành phố, các đơn vị có thể tra cứu, giám sát từng kiến nghị; theo dõi chất lượng, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị, kịp thời ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài ra, thành phố đang tập trung phát triển nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức với mục tiêu phát huy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ người dân và cán bộ công chức. Cũng trong năm 2021, thành phố đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố, như: Hệ thống bản đồ điện tử phục vụ công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Ứng dụng Cổng thông tin Covid-19 thành phố tại địa chỉ http://Covid-19.hochiminhcity.gov.vn với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ về tình hình phòng, chống dịch của thành phố. Ứng dụng quản lý và hỗ trợ tìm giường Oxy “Oxy 247” nhằm hỗ trợ người dân, cơ quan y tế nhanh chóng tìm bệnh viện còn giường Oxy và máy thở để kịp thời liên hệ trong các tình huống khẩn cấp cần cấp cứu bệnh nhân…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết: Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cải thiện chỉ số DTI của thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông IT TODAY năm 2022 để tuyên truyền kết quả triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; đẩy mạnh chỉ đạo tuyên truyền trên các báo, đài về các kết quả, các dịch vụ tiện ích do quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số mang lại. Bên cạnh đó, vận hành Cổng thông tin chuyển đổi số của thành phố đặt tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn.

Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình chuyển đổi số; các hoạt động và kết quả chuyển đổi số của thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông cũng triển khai Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin Một cửa điện tử thành phố trở thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của thành phố, thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ và hệ thống xác thực, định danh của Bộ Công an; tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức (Cổng thông tin 1022).

Sở Thông tin và Truyền thông triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên tổ chức triển khai dữ liệu dùng chung khối đô thị (đất đai, xây dựng, giao thông, quy hoạch), an sinh, y tế và giáo dục để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố cũng sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm đi lại cho người dân; qua đó, sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số và mang lại tiện ích cho người dân thành phố; hoàn thiện Cổng thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.