Nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

NDO - Chiều 12/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, một số tổ chức quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này để tiếp tục cập nhật, đánh giá, thích ứng tình hình mới sau 1 tháng kể từ hội nghị lần trước; chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, không cầu toàn; nêu rõ, chủ đề của hội nghị này không mới nhưng luôn mang tính thời sự. Sự tham gia hội nghị này của các đại biểu quốc tế thể hiện sự quan tâm đặc biệt, tình cảm, trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới các đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng nêu rõ, trong hơn 1 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, ảnh hưởng lớn Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Những biến động đó là: cạnh tranh chiến lược diễn ra căng thẳng, gay gắt hơn; xung đột Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt; áp lực lạm phát tăng cao, chính sách chống Covid-19 của các nước; Mỹ dự kiến tăng lãi suất, làm suy giảm tăng trưởng, thị trường thu hẹp, ảnh hưởng xuất nhập khẩu; giá dầu thô, khí đốt biến động mạnh; giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu phức tạp, cực đoan.

Nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải đi tìm sự ổn định trong sự bất định; tìm sự chủ động trong thế bị động; tìm ổn định, nhất quán trong sự chuyển đổi và xáo trộn; phải thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái, khủng hoảng là một thuộc tính không thể thiếu trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập.

Quá trình này được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp, sự tham vấn của các chuyên gia, kinh tế vĩ mô. Nhờ đó tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định; kiểm soát được lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng; kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, nhờ đó thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế đều ở 3 khu vực; thực hiện tốt an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế vẫn rất khó khăn và chúng ta phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, từ đó luôn tìm ra, thiết lập công cụ quản lý rủi ro chống lại thuộc tính cơ bản của kinh tế thị trường là khủng hoảng và suy thoái. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình, những quan điểm, định hướng, mục tiêu; đề xuất kiến nghị các giải pháp cấp bách, lâu dài.

Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về các nguyên tắc điều hành, đó là giữ ổn định trong điều kiện bất định; giữ thế chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong sự chuyển đổi xáo trộn hiện nay; có công cụ kiểm soát rủi ro về khủng hoảng, suy thoái là thuộc tính của kinh tế thị trường; xây dựng phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế lành mạnh trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Điều hành có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ mục tiêu, giải pháp phù hợp, hài hoà, hợp lý giữa mục tiêu lợi ích trước mắt và lâu dài; tăng cường năng lực phân tích, dự báo; điều hành chủ động và linh hoạt giữa 2 chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa;

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn... là yêu cầu mang tính cấp bách, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt những tháng còn lại năm 2022 và cả năm 2023, những năm tiếp theo.

Kiên trì, kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tập trung phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo

Về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả; bảo đảm ổn định tỷ giá, ngoại hối, tăng trưởng tín dụng hợp lý. Thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, mở rộng, hiệu quả; giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương về chi tiêu ngân sách; quản lý nợ công; kiểm soát thị trường chứng khoán, trái phiếu; tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả thị trường, nhất là xăng dầu; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đa dạng hoá thị trường quốc tế; nâng cao sức tiêu thụ của người dân; đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược; rà soát, gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; phát triển du lịch, dịch vụ, nghiên cứu mở rộng chính sách visa phù hợp điều kiện hiện nay.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…; tăng cường cường thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực cho phát triển, nhất là hợp tác công tư.