Nỗ lực giảm tỷ lệ lao động đi làm việc bỏ trốn tại Hàn Quốc

NDO -

NDĐT - 58 quận, huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố trên cả nước bị cấm không được tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2017. Tuy nhiên, việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng với ngành ngư nghiệp trong năm 2017 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016. Đây là động thái quyết liệt của Việt Nam khi phía Hàn Quốc cảnh báo mức độ bỏ trốn của lao động Việt Nam.

Nỗ lực giảm tỷ lệ lao động đi làm việc bỏ trốn tại Hàn Quốc

Đó là thông tin của Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài Đặng Sỹ Dũng cho biết tại buổi họp báo thông tin về tình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (chương trình EPS) do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức sáng 3-4, tại Hà Nội.

Theo Phó Cục trưởng Đặng Sỹ Dũng, công văn về việc ngừng tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đã được gửi tới các UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng với ngành ngư nghiệp trong năm 2017 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016. Trong đó, có tỉnh Hà Tĩnh, gồm: huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và Kỳ Anh; tỉnh Quảng Bình, gồm: huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới.

Trung tâm lao động ngoài nước là đơn vị duy nhất (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ở Việt Nam được giao nhiệm vụ đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (từ năm 2005). Theo thống kê, số lao động EPS hiện ở Hàn Quốc là 41.000 lao động tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp… Yêu cầu về trình độ tay nghề của lao động đi theo chương trình này không cao, phù hợp với đại bộ phận lao động Việt Nam, kể cả lao động ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng bỏ trốn tại Hàn Quốc không về nước cao (như năm 2012 lên tới 55%). Cho nên từ tháng 8-2012, Hàn Quốc tạm dừng ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về Chương trình EPS. Hai bên chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn một năm lần lượt vào ngày 31-12-2013 và ngày 10-4-2015 dành cho những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn và những lao động thuộc diện tái nhập cảnh.

Trước tình hình này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều giải pháp để giảm số lượng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Sau những nỗ lực của hai nước, ngày 17-5-2016, hai bên đã ký lại MOU bình thường. Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước đã phối hợp với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc triển khai các hoạt động để tổ chức hai kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn lần thứ 11 vào tháng 10 và tháng 11-2016. Tuy nhiên đến thời điểm này tỷ lệ bỏ trốn lại tiếp tục tăng lên. Tính đến quý IV-2016 cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 16.100 lao động, chiếm tỷ lệ 39%.

Theo ông Đặng Sỹ Dũng, đây là vấn đề làm đau đầu cơ quan chức năng. Nhằm giảm thiểu lao động cư trú bất hợp pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định tạm dừng 58 quận, huyện không tuyển lao động, trong khi năm 2016 là 44 quận, huyện.

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, căn cứ thông báo của phía Hàn Quốc về số lượng và tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2017, sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018 tại các địa phương không giảm được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp, đồng thời dỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Thông tin về chỉ tiêu năm 2017, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước Hà Xuân Tùng cho biết, 3.600 lao động sẽ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc với bốn ngành được tuyển chọn. Trong đó, chỉ tiêu ngành sản xuất chế tạo 1.500 người, ngành xây dựng là 500 người, ngành ngư nghiệp 800 người và ngành nông nghiệp có chỉ tiêu 800 người.

Theo đó, các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và ngư nghiệp sẽ thi theo hình thức thi trên giấy, kỳ thi diễn ra trong hai ngày 17 và 18-6-2017. Riêng đối với lao động dự tuyển ngành ngư nghiệp sẽ phải qua vòng kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực đối với số ứng viên đạt từ 60 điểm trở lên theo thang điểm tối đa là 200 điểm, thời gian tổ chức đánh giá tay nghề dự kiến là từ 20 đến 26-9-2017. Đối với lao động đăng ký dự thi ngành nông nghiệp sẽ thi tiếng Hàn trên máy tính, thời gian thi từ ngày 7-8 đến 6-9-2017. Số điểm để xét tuyển cho ba ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và nông nghiệp sẽ là 80 điểm theo thang điểm tối đa là 200 điểm.

Đối tượng dự thi lần này là những lao động chưa từng đi làm việc tại Hàn Quốc, cư trú dài hạn tại các địa phương không bị tạm dừng tuyển chọn năm 2017. Đối với những lao động chuyển hộ khẩu từ các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động năm 2017 đến các huyện không tạm dừng tuyển chọn phải có thời gian cư trú tối thiểu tại địa phương chuyển đến là một năm tính đến ngày 10-4-2017. Ngoài ra, người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và ở lại cư trú bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1-4 đến 31-12-2016 cũng được đăng ký tham gia dự tuyển đợt này…