Nỗ lực giải quyết nạn bạo lực súng đạn

Chỉ trong vòng ba ngày, ít nhất hai vụ xả súng xảy ra ở nước Mỹ. Là một trong những vấn đề nghiêm trọng và khó giải quyết nhất của xứ cờ hoa, nạn bạo lực súng đạn như một “đại dịch”, gieo rắc nỗi đau thương và ám ảnh chưa có hồi kết cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một người biểu tình cầm biểu ngữ khi tham gia cuộc biểu tình toàn quốc chống lại bạo lực súng đạn tại Washington, D.C., Hoa Kỳ, ngày 11/6/2022. Ảnh: REUTERS
Một người biểu tình cầm biểu ngữ khi tham gia cuộc biểu tình toàn quốc chống lại bạo lực súng đạn tại Washington, D.C., Hoa Kỳ, ngày 11/6/2022. Ảnh: REUTERS

Hai vụ xả súng xảy ra trong những ngày đầu tháng 8/2022 ở Mỹ đã gây thương vong cho người dân vô tội. Một vụ xảy ra gần Đồi Capitol ở đông bắc Washington, làm ít nhất một người thiệt mạng và năm người bị thương. Vụ xả súng khác xảy ra trong đêm ở trung tâm thành phố Orlando thuộc bang Florida khiến bảy người bị thương.

Bạo lực súng đạn là “căn bệnh trầm kha” gây nhức nhối của nước Mỹ trong nhiều năm nay, nhưng đáng chú ý là số lượng vụ xả súng đang gia tăng ở mức báo động. Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), năm 2021, số vụ xả súng ở nước này cao hơn 52% so với năm 2020 và cao gấp đôi so với ba năm trước đó.

Nhiều nỗ lực đã được giới chức Mỹ thúc đẩy nhằm giải quyết nạn bạo lực súng đạn. Cách đây hơn một tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật lưỡng đảng “Vì cộng đồng an toàn hơn” về kiểm soát súng đạn, đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm giải quyết vấn đề gây nhức nhối này kể từ khi lệnh cấm vũ khí tấn công có hiệu lực trong 10 năm hết hạn vào năm 1994.

Với độ dài 80 trang, văn bản luật nhắc đến nội dung về sức khỏe tâm thần, an toàn trường học, các chương trình can thiệp khủng hoảng và khuyến khích các bang đưa hồ sơ vị thành niên vào Hệ thống kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia. Mặc dù những nội dung trong luật không bao gồm một số đề xuất cải cách sâu rộng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra, như cấm hoàn toàn việc sử dụng súng trường tấn công, song đây vẫn được xem là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh của các nhà lập pháp lưỡng đảng.

Tuy nhiên, sau khi nước Mỹ đạt được bước tiến có ý nghĩa nêu trên, hàng loạt vụ xả súng vẫn tiếp diễn, đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan chức năng. Theo tổ chức phi chính phủ Gun Violence Archive, chỉ riêng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 1 đến 4/7 vừa qua, ở hầu khắp các bang trên toàn nước Mỹ đã xảy ra hơn 500 vụ xả súng, trong đó có ít nhất 11 vụ xả súng hàng loạt. Các vụ xả súng cướp đi sinh mạng của ít nhất 220 người và khiến 570 người bị thương.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mỹ cho biết, hơn một tỷ USD là số tiền nước Mỹ phải trả mỗi năm cho chi phí y tế liên quan tới các vụ bạo lực súng đạn. Đây chính là hồi chuông thúc giục giới chức Mỹ phải tiếp tục hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa nhằm giải quyết triệt để nạn bạo lực súng đạn, vốn đã “ăn sâu bám rễ” và tác động tiêu cực tới đời sống xã hội của quốc gia này.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, bất ổn xã hội, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành, khiến hàng triệu người Mỹ lần đầu đã mua súng. Theo chuyên gia nghiên cứu về bạo lực gia đình Jacquelyn Campbell, sự gia tăng đáng báo động về số lượng súng được bán ra trong vài năm qua một phần do vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch, nhưng một phần do các nhà sản xuất súng thiếu nhận thức về sự an toàn của cộng đồng. Hiện giới lập pháp Mỹ đang gia tăng sức ép lên các nhà sản xuất súng.

Theo điều tra của Ủy ban cải cách và giám sát Hạ viện Mỹ, các công ty sản xuất súng ở Mỹ đã “bỏ túi” hơn một tỷ USD trong vòng 10 năm qua nhờ bán các loại súng trường tấn công kiểu quân đội. Chủ tịch Ủy ban cải cách và giám sát Hạ viện Mỹ Carolyn Maloney nhấn mạnh, ngành sản xuất súng đạn đang làm ảnh hưởng đến các khu dân cư, trường học, thậm chí các nhà thờ và giáo đường.

Nghị sĩ này cũng cho rằng, các nhà sản xuất súng đạn đã không có trách nhiệm khi kinh doanh dựa trên tính mạng của người dân, nhất là bán súng cho người trẻ và phớt lờ những vụ bạo lực liên quan súng đạn. Hiện các nghị sĩ đảng Dân chủ đang kêu gọi bãi bỏ quyền miễn trừ bị kiện đối với các nhà sản xuất súng để họ phải chịu trách nhiệm về những vụ xả súng đẫm máu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết tiếp tục đấu tranh để chấm dứt “đại dịch” bạo lực súng đạn và thừa nhận rằng, vẫn còn rất nhiều việc mà giới chức Mỹ phải làm. Với tần suất các vụ xả súng tăng cao, người dân Mỹ phải sống chung với nỗi lo lắng thường trực về mối nguy hiểm rình rập quanh mình. Bởi vậy, đặt an toàn của người dân lên trên hết để nỗ lực giải quyết nạn bạo lực súng đạn là trách nhiệm chung của giới chức xứ cờ hoa.