Nỗ lực đưa những quyết sách lớn từ nghị trường vào thực tiễn (Tiếp theo) (★)

Việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình ở mức cao nhất, đáp ứng nguyện vọng, mong đợi của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham quan nhà cổ của dân tộc Sán Chỉ ở Khu du lịch cộng đồng xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh QUANG THỌ)
Khách du lịch tham quan nhà cổ của dân tộc Sán Chỉ ở Khu du lịch cộng đồng xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh QUANG THỌ)

Bài 2: Lan tỏa “điểm sáng” văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung quan trọng thuộc chương trình này, các địa phương sớm rà soát, lựa chọn ưu tiên đầu tư cho các di tích nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Dạy chữ, giữ gìn bản sắc văn hóa

Dịp hè về nắng tràn đầy trên các con đường liên ấp rợp bóng cây vùng đồng bào Khmer. Để góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, 134/143 chùa Khmer ở tỉnh Trà Vinh đang nô nức tổ chức dạy tiếng Khmer cho các tăng sinh, học sinh.

Từ năm 2022 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo phối hợp Ðài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh sản xuất chương trình dạy học, bổ trợ kiến thức học sinh phát sóng trên kênh 2 phát sóng hơn 2 nghìn tiết dạy tiếng Khmer tiểu học, bổ trợ kiến thức cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, góp phần nâng cao trình độ dân trí dân tộc thiểu số.

Hằng năm, chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang đều có mở các lớp dạy chữ Khmer hè cho khoảng 200 tăng sinh, học sinh theo học. Nhà chùa chuẩn bị tập sách cho học sinh, kinh phí hỗ trợ cho giáo viên dạy tiếng Pali Khmer. Đối với các lớp tin học cơ bản miễn phí dành cho học sinh trung học cơ sở, kinh phí đầu tư trang bị máy tính, chi trả cho giáo viên đều bằng nguồn xã hội hóa. Đại đức Thạch Đa Ra, Sư cả trụ trì chùa Thlốt cho biết, nhiều năm qua tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức học chữ Khmer, hiện nay nhu cầu không nhiều cho nên ưu tiên hỗ trợ cho học sinh, tăng sinh học chữ Khmer hè tại các chùa.

Trường Ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường đại học Trà Vinh cũng chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer cho cả nước và quốc tế, có nhiều chính sách ưu đãi về học phí, ký túc xá dành cho sinh viên, lưu học sinh nước bạn Campuchia.

Năm 2023, trường phối hợp Ban Tổ chức Trung ương mở khóa bồi dưỡng tiếng Khmer dành cho cán bộ đang công tác tại các cơ quan thuộc các bộ: Công an, Kế hoạch và Ðầu tư, Quốc phòng, thành phố Cần Thơ và hai tỉnh Ðồng Tháp, Tây Ninh.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn tỉnh hiện không còn xã, ấp đặc biệt khó khăn, 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh triển khai các dự án 7, 8, 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các dự án 7, 8, 10 được triển khai, giúp chăm sóc tốt hơn nữa sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp giúp đồng bào Khmer nâng cao đời sống. Bao đời nay, đồng bào Khmer Trà Vinh có kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, với hệ thống ngôn ngữ, chữ viết và các di sản nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc.

Tuy vậy, Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tỉnh được bố trí nguồn lực đầu tư cả giai đoạn 2021-2025 ở mức 86 tỷ đồng, rất thấp so với nhu cầu.

Thực tế phong trào văn hóa, văn nghệ Khmer ở cơ sở phát triển rất mạnh mẽ. Trong khi tổng kinh phí trung bình mỗi năm chưa quá 20 tỷ đồng với các hoạt động hỗ trợ nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận, là khá eo hẹp. Chưa kể, việc tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số… đều cần được quan tâm hơn nữa.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, theo báo cáo của Chính phủ, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn dự kiến lựa chọn 72 di tích có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số thuộc diện đầu tư của Chương trình được phân bổ vốn.

Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, lựa chọn danh mục di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu nhất của các dân tộc thiểu số để ưu tiên đề xuất đưa vào diện đầu tư của Chương trình, bảo đảm đúng mục tiêu, nguyên tắc theo chủ trương đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đánh giá tác động tích cực, việc điều chỉnh địa bàn thực hiện của Chương trình có tác động trực tiếp đến các đối tượng thuộc Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7 sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và bảo đảm sự thống nhất giữa chủ trương đầu tư với nội dung đầu tư Chương trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện, đưa chính sách vào cuộc sống. Như vậy, người đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, con em đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Chương trình (mặt khác, sẽ giải quyết các nút thắt về giao, phân bổ và thanh toán, quyết toán vốn...).

Khi ngân sách nhà nước là “vốn mồi”

Quảng Ninh là một trong những điểm sáng triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

Trong 3 năm qua, tỉnh huy động hơn 82.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng và các nguồn huy động khác để thực hiện 3 chương trình giai đoạn 2021-2025.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết quan điểm ngân sách nhà nước là “vốn mồi” có ý nghĩa quan trọng, tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn vốn ngân sách để đầu tư làm đường, trường, trạm với cơ cấu nguồn vốn chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Từ sự đầu tư của Nhà nước đã khơi sức mạnh trong nhân dân, tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Người dân đã chủ động vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế, đóng góp tiền của, sức lực để xây dựng các công trình công cộng, để làm đường, từ đó làm thay đổi cuộc sống nhân dân. Bộ mặt nông thôn của Quảng Ninh ngày càng thay đổi rõ nét. Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng miền đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đến nay, 100% số xã miền núi Quảng Ninh có đường ô-tô đến tận thôn, bản; 100% các xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh. Tỉnh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh không còn hộ nghèo.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Nghị quyết 06 của tỉnh là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, nhưng quan trọng nhất là các quyết sách cùng nhiều chủ trương về cơ chế, chính sách đã được cụ thể hóa phù hợp điều kiện thực tế tại tỉnh và quy định của Trung ương.

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiên trì nỗ lực, quyết tâm, củng cố thành quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đi sâu triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững gắn với đô thị hóa, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt hơn 100 triệu đồng/người/năm và đến hết 2025, không còn hộ cận nghèo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ của chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm tiến độ đề ra; việc sử dụng nguồn vốn của chương trình có thực sự cần điều chỉnh phù hợp theo nghị quyết của Quốc hội quy định vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, cần có quy định để tháo gỡ cho đơn vị sự nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ và nghiên cứu mở rộng đối tượng cần trợ giúp ở thôn, xã đặc biệt khó khăn để chính sách thực sự bao trùm, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

(Còn nữa)

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14/6/2024.