(Tiếp theo và hết) (*)

Nỗ lực đưa những quyết sách lớn từ nghị trường vào thực tiễn

Bài 3: Thực hiện trọng tâm, trọng điểm, lấy hiệu quả làm thước đo
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học của học sinh Khmer tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. (Ảnh TRẦN DŨNG)
Lớp học của học sinh Khmer tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. (Ảnh TRẦN DŨNG)

Cử tri và nhân dân cả nước luôn theo dõi sát các nội dung quan trọng “quốc kế, dân sinh” được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được điều chỉnh, phê duyệt và tổ chức thực hiện kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua báo cáo của Chính phủ và nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, với sự nỗ lực, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, thực hiện Chương trình theo hướng bảo đảm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đúng địa bàn, đối tượng, đúng quy định của pháp luật, thời gian tới sẽ tạo sự đồng thuận và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức xã hội về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Điều này giúp góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tạo điều kiện giải ngân hiệu quả nguồn vốn của các dự án, tiểu dự án với tổng kinh phí dự kiến khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Bài học lớn từ thực tiễn

Tại An Giang, đồng bào dân tộc Khmer sống nhiều nhất ở vùng Bảy Núi gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Ngày trước, là vùng rừng núi đi lại khó khăn nhưng sau này được đầu tư, nâng cấp từ tỉnh lộ đến các hương lộ nên những con đường đi qua các phum sóc có đồng bào dân tộc có hệ thống hạ tầng đầu tư hoàn chỉnh.

Điểm ấn tượng nữa là hệ thống giao thông phát triển đã tạo thông thương kết nối vùng đồng bào dân tộc nói riêng và Bảy Núi nói chung với các khu trung tâm lớn từ thành phố Cần Thơ-Long Xuyên-Châu Đốc-An Giang đến thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) và kết nối Vương quốc Campuchia.

Dân số thị xã Tịnh Biên có 108.806 người trong đó có 28.973 người dân tộc thiểu số (gồm dân tộc Khmer, Hoa và dân tộc khác). Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự nỗ lực của từng người dân cho nên đời sống vật chất tinh thần của bà con đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương đã khởi sắc.

Chúng tôi về xã An Cư, thị xã Tịnh Biên là vùng đất một thời là “tiểu sa mạc” của Bảy Núi, đường vào vùng nông thôn hai bên đồng lúa rập rờn. Nông dân Chau Chắt cho biết, đây là vùng đất cát nên trước đó vào mùa mưa mới trồng lúa, rau màu được, còn mùa khô trồng cây gì cũng không có nước tưới. Thế rồi, khi trạm bơm T3 vận hành, đưa nước về đã thay đổi hoàn toàn vùng đất khô cằn, nông dân yên tâm trồng trọt quanh năm.

Thị xã Tịnh Biên đã đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao tạo điều kiện thuận lợi phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến tạo nhiều sản phẩm nông sản sạch an toàn theo xu thế của thị trường như gạo Nàng Nhen thơm, dưa trong nhà lưới, các loại rau ăn lá... thu hút năm doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Chau Anne chia sẻ, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua có một số khó khăn nhất định: Địa bàn triển khai Chương trình rất hạn chế chủ yếu triển khai trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền phê duyệt; một số địa bàn không còn đối tượng triển khai nội dung của Chương trình; một số nội dung có đối tượng triển khai nhưng không thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số chưa được thụ hưởng chính sách…

Câu chuyện ở Tịnh Biên và ý kiến của đồng chí Chau Anne mang tính đại diện khá phổ biến với rất nhiều địa phương khác trong cả nước. Mặc dù nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và sự quan tâm của Quốc hội, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vừa qua phát sinh một số khó khăn ảnh hưởng tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Nhiều đại biểu Quốc hội và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành thống nhất nhìn nhận: Đây là một chương trình mục tiêu quốc gia mới nên chưa có sự kế thừa kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện.

Công tác chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình có sự tham gia của nhiều bộ, cơ quan trung ương, với rất nhiều các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Các nội dung điều chỉnh theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, không làm phát sinh đối tượng thụ hưởng chính sách và địa bàn đầu tư.

Việc phê duyệt và đầu tư các dự án thuộc các nội dung điều chỉnh phải phù hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và định hướng phát triển ngành, lĩnh vực đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) lưu ý, do thời gian còn lại của giai đoạn 1 không nhiều, đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể, ban hành kế hoạch triển khai và quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện. Trong quá trình xác định danh mục các đối tượng cần lưu ý tránh trùng lắp, nhất là đối với các đối tượng đã được đầu tư theo các chương trình khác...

Trong nội dung thẩm tra báo cáo trước Quốc hội mới đây, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm: một số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết, bảo đảm tính rõ ràng, đầy đủ về nguồn vốn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tiễn.

Những nội dung lớn tại kỳ họp thứ 7 được cử tri là cán bộ, người dân các địa phương quan tâm theo dõi. Thí dụ tại huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) được xem là vùng trọng điểm sản xuất, chăn nuôi. Vậy nhưng triển khai thực tế các chương trình, dự án bị vướng mắc rất nhiều, toàn bộ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất được phân bổ cho năm 2021, 2022 đều không thể thực hiện phải chuyển nguồn sang năm 2023.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên, cho biết: Dù huyện sát sao chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể 19 đơn vị (gồm 18 xã và trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện) thực hiện đúng các quy định triển khai hỗ trợ con giống (bò giống) theo quy mô Tổ cộng đồng với tổng số 86 dự án, “nhưng vừa làm đã vướng”.

Ông Ngô Xuân Chinh dẫn chứng: Theo quy định con giống vật nuôi phải bảo đảm các quy định của Luật Chăn nuôi trong khi địa bàn tỉnh và các tỉnh khu vực miền bắc không có cơ sở sản xuất con giống bảo đảm quy định. Chính quy định này đã làm “bó tay” các địa phương không dám và không thể thực hiện các mô hình hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn sự nghiệp...

Tiếng nói cử tri ở Bù Đốp

Bình Phước thuộc khu vực Đông Nam Bộ là một trung tâm kinh tế trọng điểm của phía nam, với thế mạnh là cây công nghiệp như điều, cao su, hồ tiêu…

Cách trung tâm tỉnh chừng tiếng rưỡi ô-tô và khoảng 1.600 km từ Thủ đô Hà Nội, Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 17%, ngoài dân tộc đồng bào bản địa S’tiêng, Khmer thì còn nhiều dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền bắc vào làm ăn sinh sống như: đồng bào Tày, Nùng… Văn hóa truyền thống của Bù Đốp là tổng hợp văn hóa của các cộng đồng cư dân cũ và mới.

Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp nằm trên địa bàn thị trấn Thanh Bình nhưng chủ yếu khám và chữa bệnh cho nhân dân sáu xã có đường biên giới nước bạn Campuchia. Hằng năm lượng bệnh nhân đến thăm khám là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% đến 40%, chủ yếu diện nghèo.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện cho biết: Chỉ có khu cấp cứu được đầu tư mới, còn lại toàn bộ cơ sở hạ tầng được xây dựng cách nay khoảng 15 năm, đã xuống cấp cần được sửa chữa với số tiền ước tính hơn 10 tỷ đồng. Mặt khác, toàn bộ thiết bị khám, chữa bệnh, máy tính phục vụ công việc hành chính đầu tư cách nay hơn 10 năm đã hết khấu hao; không đáp ứng được công việc.

“Tỉnh đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế nhưng đến nay chúng tôi chưa thu hút được bác sĩ nào về công tác. Do đó, Trung tâm thiếu khoảng 20 bác sĩ, để duy trì hoạt động, Trung tâm phải tự loay hoay đào tạo tại chỗ…” - ông Đặng Đức Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm bộc bạch.

Ông Toàn nói, với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ khám và chữa bệnh cho người dân như hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp không thể thực hiện được quá trình “chuyển đổi số”, xây dựng bệnh viện thông minh trong ngành y hiện nay.

Ông cũng bày tỏ, để đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trước mắt mong muốn các cấp gỡ vướng các nguồn vốn, nhất là vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để thu hút và đào tạo nguồn nhân lực cho Trung tâm.

Có câu chuyện tại ấp 5 - ấp đặc biệt khó khăn, thuộc xã Thanh Hòa ngay trung tâm huyện vẫn còn nhiều tuyến đường nội bộ chưa được đầu tư.

Qua tìm hiểu, hiện nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của xã năm 2023 là 300 triệu đồng không thể giải ngân được. Xã Thanh Hòa đang làm thủ tục để trả lại, trong lúc nhiều công trình, hạng mục ở ấp đặc biệt khó khăn cần được đầu tư.

Từ thực tế trên, gửi gắm kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo xã Thanh Hòa mong muốn Trung ương phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư tại các ấp, xã, huyện thuộc diện được hưởng Chương trình. Có như vậy, nguồn vốn mới được giải ngân nhanh, hiệu quả, nhân dân sớm được hưởng lợi.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14/6/2024.

Dù dự án có phức tạp đến đâu mà có được cơ chế đặc thù, được phép bỏ qua những quy định không cần thiết, được làm theo phương thức phù hợp thực tế thì dù khó mấy cũng thực hiện được.

Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG

Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội

Về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thật sự đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đáp ứng tính khẩn trương, cấp bách vì hoàn cảnh, các chính sách rất cần có trọng tâm, trọng điểm.

Chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thật sự cần gì và doanh nghiệp thật sự muốn gì…

Đại biểu VŨ THỊ LƯU MAI

(Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội)