Khó khăn đặc thù vùng sông nước
Từ bến Năm Căn, chiếc xuồng máy rẽ sóng trên hệ thống kênh rạch chằng chịt lao nhanh về xã Ðất Mũi của huyện Ngọc Hiển. Trên hành trình dài hơn 50 km chỉ có sông nước mênh mông và rừng đước bạt ngàn, chốc chốc chúng tôi lại thấy những chiếc xuồng máy đuôi tôm nhỏ xíu chạy ngang, dọc chở học sinh đến trường. Ở nơi cực nam của Tổ quốc, thầy giáo Nguyễn Ngọc Tới, Hiệu trưởng Trường THCS Ðất Mũi không khỏi băn khoăn vì hằng năm vẫn có tới hơn 5% học sinh của trường bỏ học. Ngay trước khai giảng năm học mới 2013-2014, trường phải cử giáo viên và phối hợp với trưởng các xóm, ấp vận động 21 học sinh trong độ tuổi đi học lớp một. "Chỉ tính riêng việc đi lại, có em phải dậy từ bốn, năm giờ sáng, vượt hơn 20 cây số đường sông nước để đến trường là lực cản trong hành trình đến với con chữ của các em. Ðó là chưa kể đời sống kinh tế nơi đây khó khăn khiến học sinh lớp 8, lớp 9 đã phải đi biển, làm vuông tôm hoặc đi rừng mưu sinh rồi" - Thầy Tới tâm sự. Nỗi băn khoăn của thầy Tới cũng dễ hiểu, bởi đi đò như là chuyện thường ngày trong sinh hoạt và đi lại của người dân cũng như học sinh nơi đây. Mỗi khi tan trường, nhiều học sinh của Trường THCS Ðất Mũi lại vội vàng xuống bến, kịp chuyến đò muộn về nhà. Kể về hành trình đến trường, em Nguyễn Trí Phúc ở ấp Cái Xép, học lớp 6A2 trường THCS Ðất Mũi cho biết: "Mỗi ngày em đến lớp hết mười nghìn đồng tiền đò, tính ra mỗi tháng hết khoảng 200 nghìn đồng. Cũng có hôm đi học về, vào thời điểm thủy triều lên, nước sông mênh mông, gặp cơn giông, đò chao đảo, mưa ướt hết cả quần áo. Dù biết bơi nhưng bọn con vẫn thấy sợ".
Cũng vì muôn vàn những khó khăn mà câu chuyện giáo dục sông nước luôn để lại những dấu ấn khó phai với các thầy giáo, cô giáo vùng đất mũi. Gần một đời công tác, gắn bó với giáo dục, thầy giáo Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Cà Mau không thể quên thời điểm cách đây ít năm, được cử về làm Chủ tịch Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Khi hội đồng coi thi môn thứ tư đang làm nhiệm vụ thì trời nổi cơn dông, mưa tầm tã. Chợt có ba học sinh đang làm bài xin phép ra ngoài, nhưng theo quy chế thì không được. Khi được hỏi, các em lo lắng cho biết: Trời mưa, nếu không tát nước ra, xuồng ngập, bị chìm, máy hỏng không về được nhà sẽ bị ba má la mắng. Thấy vậy, Hội đồng thi phải động viên các em tiếp tục làm bài thi và cử bảo vệ ra tát nước, mang động cơ xuồng cất giữ, bảo đảm an toàn phương tiện giúp các em yên tâm làm bài. Nói như vậy để thấy được những khó khăn trên hành trình đến với những ngôi trường nằm giữa rừng tràm, rừng đước vùng sông nước của học sinh nơi đây.
Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Cà Mau Lê Thanh Liêm: Việc nâng cao chất lượng giáo dục gặp khó khăn một phần vì cơ sở vật chất trường, lớp học còn hạn chế cho nên khó tổ chức việc học bán trú cho học sinh. Phần lớn các trường không có bếp ăn, chung quanh trường không có căng-tin cho nên khi học sinh học hai buổi/ngày thì phụ huynh phải chuẩn bị đồ ăn từ sáng sớm để các em mang theo. Tại Trường tiểu học Thới Bình C (huyện Thới Bình), Hiệu trưởng Châu Văn Tính cho biết: Cả trường có khoảng hơn 100 học sinh phải đi học bằng đò. Trong khi học sinh học hai buổi nhưng nhà trường không tổ chức bán trú được cho nên nhiều phụ huynh đưa đón con đi học phải ở lại đợi con học xong mới đón về. "Mặc dù trường đã thu hẹp tối đa các phòng làm việc những vẫn không đủ điều kiện để tổ chức nấu ăn bán trú được.
Nỗ lực đưa trẻ đến trường
Tuy gặp nhiều khó khăn đặc thù vùng sông nước nhưng không vì thế mà giáo dục vùng cực nam Tổ quốc không có bước chuyển mình vươn lên. Trong đó, điều đáng mừng là người dân Cà Mau ngày càng chú trọng, chăm lo hơn tới chuyện học tập của con em mình. Tâm sự với chúng tôi, chị Trương Ngọc Bích (ở xóm Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết: Vợ chồng chị có một cháu đang học lớp 8 ở Trường THCS Ðất Mũi cách nhà gần mười cây số. Chỉ hơn một năm học nữa thì cháu vào học THPT. Cả huyện Ngọc Hiển có hai trường THPT, trường gần cũng cách Ðất Mũi hơn 30 cây số, trường xa cách hơn 50 cây số đường sông. Chị Bích chia sẻ: "Dù thế nào vẫn phải lo cho cháu theo học, kể cả học THPT ở TP Cà Mau, cách nhà 120 km nhưng các cháu được đi học thì còn gì bằng". Cùng chung nỗi niềm, bác Lê Út ở ấp 5, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Thới Bình C cho biết: Ngày nào bác cũng đưa cháu nội đi học, qua đò, rồi đợi đến khi cháu học xong thì đón về. Ngồi đợi cả buổi thấy ngày dài đằng đẵng nhưng "vì cái chữ cho con cháu mình thì chờ đợi cũng có sao đâu". Không chỉ có các bậc phụ huynh, ở mỗi trường cũng nỗ lực tìm giải pháp để trẻ đến trường chuyên cần. Chia sẻ kinh nghiệm, thầy Châu Văn Tính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thới Bình C cho biết: Nhà trường thường xuyên tổ chức phong trào nuôi heo đất ở tất cả các lớp học, mỗi năm hai lần đập heo lấy tiền hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh khó khăn trong lớp. Ngoài ra, để vận động học sinh đến trường khi kết thúc năm học, trường phân công cả giáo viên lẫn học sinh, nhất là những học sinh học tập giỏi, chuyên cần, làm công tác đội báo cáo hằng tháng, hằng năm có bao nhiêu học sinh trong độ tuổi đến lớp ở chung quanh ấp để cùng vận động các em đến trường.
Theo Nhà giáo Nhân dân Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD và ÐT Cà Mau, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, hằng năm, các trường đều căn cứ vào số liệu phổ cập trên địa bàn, đối chiếu xem còn em nào chưa đến trường trong độ tuổi rồi phân công thầy giáo, cô giáo liên hệ với phụ huynh tìm nguyên nhân để có hình thức động viên các em đến lớp. Trong quá trình giảng dạy, ngành giáo dục luôn phát động các thầy giáo, cô giáo tích cực đổi mới phương pháp tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực học sinh dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng; học sinh thực hành vận dụng kiến thức tự học, có sự hướng dẫn của giáo viên... tạo nên sự hứng thú khi đến trường. Ðáng chú ý, để khắc phục đặc thù sông nước, tỉnh Cà Mau đã phát động chương trình "Nhịp cầu mơ ước". Tỉnh đã vận động các nhà tài trợ, tổ chức xã hội, đóng góp của nhân dân và nguồn kinh phí của địa phương xây dựng được 1.588 cây cầu nối xã liền xã, ấp liền ấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, giảm số học sinh đi học bằng đò, chuyển sang đi bộ, xe đạp đến trường. Ngoài ra, công tác xã hội hóa cũng được chú trọng. Cũng theo Giám đốc Sở Thái Văn Long, qua các cuộc vận động ở từng địa phương, xã, huyện, phong trào nhân dân hiến đất xây dựng trường học được thực hiện trên diện rộng với hàng triệu m2 đất cho việc xây dựng trường lớp. Cùng với đó là việc huy động các nguồn lực xã hội đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất như phòng học, sân chơi của học sinh và các công trình phúc lợi công cộng khác. Nhiều cơ quan, đơn vị cá nhân đã tài trợ xây dựng trường năm học 2012-2013 khoảng hơn 63 tỷ đồng... Tất cả đã góp phần quan trọng từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng sông nước Cà Mau...
- Toàn tỉnh có 211.726 học sinh ở 546 trường học
- Triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới ở 100% số trường
- 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ một
- Năm học 2013-2014, toàn tỉnh còn 868 học sinh bỏ học sau hè, trong đó tiểu học là 338, THCS là 166 và THPT là 364 học sinh.
(Nguồn: Sở GD và ÐT Cà Mau)