Bảo vệ người lao động
Trước thực trạng nêu trên, tháng 8/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập hai đoàn khảo sát nhu cầu hỗ trợ tín dụng của công nhân lao động, lấy ý kiến cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, cơ sở, doanh nghiệp và người lao động tại 10 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố. Trưởng ban Quan hệ lao động-Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trưởng đoàn khảo sát Trần Thị Thanh Hà cho biết: Qua khảo sát cho thấy, tại các địa phương có nhiều người lao động đang vay tín dụng bằng nhiều hình thức và từ nhiều nguồn khác nhau, như: vay mượn giữa người lao động với nhau; vay của các tổ chức, cá nhân chuyên cho vay nặng lãi hay còn gọi là “tín dụng đen”. Lãi suất qua kênh này cao gấp nhiều lần so với ngân hàng.
Phương thức vay chủ yếu thông qua vay trực tiếp hoặc qua ứng dụng điện thoại hiện rất phổ biến. Dù biết vay tiền qua kênh này sẽ phải chịu mức lãi suất cao, tuy nhiên do cần tiền quá nên nhiều người vẫn phải chấp nhận. Bên cạnh đó, công nhân, lao động khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi, cộng với thủ tục rườm rà. Chính vì vậy, không ít người lao động dù biết việc tiếp cận “tín dụng đen” có nhiều hệ lụy nhưng vẫn phải vay, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Đã có nhiều đối tượng “tín dụng đen” dùng mọi hình thức ép người lao động trả nợ như nhắn tin, gọi điện, gửi hình ảnh, thông tin cá nhân của người lao động đến cán bộ công đoàn cơ sở, người thân của người đi vay, chủ doanh nghiệp với tần suất rất lớn, trung bình 4-5 cuộc điện thoại/tuần. Tại tỉnh Long An, Nghệ An, các đối tượng “tín dụng đen” còn đe dọa, gây ảnh hưởng nhiều đến gia đình cán bộ công đoàn.
Kết quả khảo sát cho thấy, 100% ý kiến cán bộ công đoàn, người lao động kiến nghị và mong muốn mức lãi suất thấp, thủ tục cho vay càng đơn giản càng tốt. Một số thủ tục không nên thực hiện như không xin xác nhận của chủ doanh nghiệp về bảng lương, hợp đồng cho vay hoặc các thủ tục liên quan. Thông tin xác nhận về người lao động của cán bộ công đoàn chỉ là cung cấp thông tin mang tính tham khảo cho các công ty tài chính, cán bộ công đoàn không chịu trách nhiệm về việc vay mượn của công nhân lao động. Qua các cuộc làm việc, cán bộ công đoàn, đại diện doanh nghiệp cho biết, việc cho vay thông qua ứng dụng điện thoại sẽ gây khó khăn cho công đoàn cơ sở, doanh nghiệp trong việc nắm, thống kê được số lượng người lao động tại doanh nghiệp vay.
Theo đó, triển khai Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phi chính phủ, đến nay đã có 12/13 quỹ trợ vốn của tổ chức công đoàn đã thực hiện việc đăng ký, chuyển đổi thành chương trình dự án tài chính vi mô, gồm các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Thọ, Lâm Đồng.
Quỹ trợ vốn của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi thành Tổ chức tài chính vi mô (CEP). Quỹ của Liên đoàn Lao động tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để được cấp đăng ký hoạt động theo chương trình, dự án tài chính vi mô. Sau khi đăng ký hoạt động theo chương trình dự án tài chính vi mô, các quỹ trợ vốn của tổ chức công đoàn tiếp tục duy trì mục tiêu hoạt động “không vì mục tiêu lợi nhuận”; cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành hoạt động quỹ cơ bản được củng cố, kiện toàn, các quy định nội bộ được rà soát, hoàn thiện theo quy định pháp luật, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của đoàn viên, người lao động.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, khi nạn “tín dụng đen" đang đe dọa cả công nhân lao động và cán bộ công đoàn thì việc đẩy mạnh vai trò của các chương trình, tổ chức tài chính vi mô của tổ chức công đoàn là rất cần thiết.
Khi nạn “tín dụng đen" đang đe dọa cả công nhân lao động và cán bộ công đoàn thì việc đẩy mạnh vai trò của các chương trình, tổ chức tài chính vi mô của tổ chức công đoàn là rất cần thiết.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại của loại hình tín dụng này để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác. Với những công đoàn cơ sở có đông công nhân, công đoàn phối hợp chuyên môn tổ chức các buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp công nhân lao động hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa.
Các doanh nghiệp cần chỉ đạo các cấp công đoàn sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, chủ động hỗ trợ, giúp đỡ công nhân đang khó khăn về tài chính. Trường hợp có công nhân lao động gặp khó khăn đột xuất, công đoàn cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho công nhân lao động vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp. Ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động, Công đoàn cơ sở cần phối hợp với chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân lao động và báo cáo lên Công đoàn cấp trên để được hỗ trợ.
Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có tổng vốn 67 tỷ đồng. Riêng sáu tháng đầu năm 2022 dư nợ cho vay đạt gần 63 tỷ đồng. Các hoạt động của quỹ đáp ứng được nhu cầu của đoàn viên, người lao động nghèo vì họ không có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vay của ngân hàng nhưng được quỹ cho vay với hình thức tín chấp thông qua công đoàn. Từ hiệu quả thực tế, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Nguyễn Phi Thường khẳng định vai trò và hiệu quả tổ chức tài chính vi mô của tổ chức Công đoàn đối với việc chống nạn “tín dụng đen” trong công nhân, lao động là rất thiết thực, cần phát huy.
Thêm nỗ lực, bớt rủi ro
Trung tuần tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động cả nước tại tỉnh Bắc Giang. Một trong 10 nội dung quan trọng tại buổi gặp gỡ là giải đáp kiến nghị của người lao động về việc làm sao hạn chế được nạn “tín dụng đen”. Sau buổi gặp gỡ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được giới thiệu hai công ty tài chính là Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON). Hai công ty này cũng là thành viên trong các đợt khảo sát 10 tỉnh, thành phố do Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức. Các bên đã chủ động, nhanh chóng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để ký Thỏa thuận hợp tác.
Ngày 7/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Công ty Tài chính TNHH HD SAISON và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC, triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc. Theo Thỏa thuận, FE CREDIT sẽ triển khai gói vay tiêu dùng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho công nhân lao động với mức lãi suất giảm đến 50% so với lãi suất hiện hành.
Ngày 7/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Công ty Tài chính TNHH HD SAISON và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC, triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc.
Chương trình này không chỉ giải quyết nhu cầu vay vốn cấp thiết của công nhân lao động, mà còn hướng tới việc từng bước xây dựng thói quen vay tiêu dùng văn minh và quản lý tài chính lành mạnh, từ đó góp phần xóa bỏ tình trạng “tín dụng đen” đang diễn ra phức tạp tại các khu công nghiệp hiện nay. Dựa trên nhu cầu của đoàn viên công đoàn và người lao động, các gói vay ưu đãi có hạn mức từ 10-70 triệu đồng với kỳ hạn linh hoạt từ 6-24 tháng.
Người lao động muốn tiếp cận gói vay ưu đãi này là đoàn viên công đoàn, người lao động có tên trong danh sách thông tin cấp tín dụng, được cung cấp bởi các công đoàn cơ sở. Ngoài ra, người lao động cần có hồ sơ tín dụng tốt, lịch sử tín dụng rõ ràng, có hợp đồng lao động và thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp.
Tại buổi ký thỏa thuận hợp tác, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh khẳng định: Đây là gói tín dụng lớn nhất mà tổ chức Công đoàn Việt Nam hợp tác từ trước đến nay, với lãi suất ưu đãi dành cho công nhân. Với mong muốn gói tín dụng sớm đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị hai công ty tài chính nghiêm túc thực hiện các nội dung đã ký kết, nhất là điều kiện cho vay, hạn mức, lãi suất, hạn chế thấp nhất các rủi ro. Hai công ty cần chủ động các giải pháp tiếp cận với công đoàn cơ sở, người lao động, tạo sự đồng thuận giữa các bên, không để xảy ra việc giả danh, lợi dụng hai đơn vị để làm ảnh hưởng đến uy tín của chương trình. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cam kết sẽ thực hiện nghiêm các nội dung đã ký.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định: Thỏa thuận tạo tiền đề cho các hoạt động về sau với hướng tích cực hơn, có nhiều cải tiến hơn. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình tài chính vi mô, để có cơ chế tín dụng tích cực, tạo điều kiện cho các công ty tăng cường mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng.