Nỗ lực đáp ứng nhu cầu than trong nước

Với vai trò là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước về năng lượng, kế thừa và phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, ngành than đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu than trong nước; đồng thời bảo đảm vai trò cung ứng năng lượng cho các ngành sản xuất trọng điểm, phát triển bền vững, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam kiểm tra mặt bằng sản xuất của Công ty cổ phần than Cao Sơn.
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam kiểm tra mặt bằng sản xuất của Công ty cổ phần than Cao Sơn.

Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từ đầu năm đến nay, các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đây là tiền đề quan trọng để ngành than tiếp tục bứt phá, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh của năm 2023.

Tích cực thi đua sản xuất

Đầu tháng 8 vừa qua, Dự án cải tạo mở rộng nâng công suất mỏ than Cao Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, công suất khai thác 4,5 triệu tấn than nguyên khai/năm bằng phương pháp khai thác lộ thiên đã chính thức được khởi công trong niềm vui mừng của những người thợ mỏ Cao Sơn. Đây là dự án có tính nối tiếp của dự án cải tạo mở rộng mỏ than Cao Sơn đã được triển khai từ năm 2008, giúp mỏ kéo dài “tuổi thọ” thêm 22 năm, công suất khai thác 65,7 triệu tấn than nguyên khai; đồng thời là công trình ý nghĩa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963- 30/10/2023).

Trong chín tháng qua, Công ty cổ phần than Cao Sơn đã khai thác hơn 2,5 triệu tấn than nguyên khai, dự kiến cả năm sẽ đạt hơn 3,1 triệu tấn; than tiêu thụ hơn 3,6 triệu tấn, dự kiến cả năm hơn 4,4 triệu tấn; đất bóc hơn 28,9 triệu m3; doanh thu hơn 5.900 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty cổ phần than Cao Sơn Phạm Quốc Việt chia sẻ: Từ nay đến hết năm, công ty sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất, có các giải pháp để tăng sản lượng; đồng thời, tăng cường nâng cao năng lực bốc xúc, vận tải. Là đơn vị có sản lượng than hằng năm lớn nhất của tập đoàn, công ty đang quyết tâm phấn đấu sản xuất hơn 4,5 triệu tấn than trong năm 2023, đóng góp hơn 10% sản lượng chung toàn tập đoàn và lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Theo kế hoạch năm 2023, Công ty than Thống Nhất được giao sản xuất than nguyên khai 2 triệu tấn, đào lò 9.485m, than tiêu thụ 1,995 triệu tấn. Trong chín tháng năm 2023, công ty đã sản xuất hơn 1,53 triệu tấn than nguyên khai, đào 6.783m lò, tiêu thụ hơn 1,5 triệu tấn than. Từ nay đến hết năm, công ty sẽ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch được giao.

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Công ty than Thống Nhất Nguyễn Mạnh Toán cho biết: Công ty luôn chú trọng thực hiện nghiêm quy trình công nghệ, biện pháp an toàn trong sản xuất, nâng cao sản lượng than khai thác, không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng; đồng thời, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, kiểm soát khí mỏ, than ủ nhiệt, phòng ngừa bục nước, an toàn điện, tời trục, tăng cường công tác kiểm tra để hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố.

Công ty luôn chú trọng thực hiện nghiêm quy trình công nghệ, biện pháp an toàn trong sản xuất, nâng cao sản lượng than khai thác, không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng; đồng thời, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, kiểm soát khí mỏ, than ủ nhiệt, phòng ngừa bục nước, an toàn điện, tời trục, tăng cường công tác kiểm tra để hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố.

Giám đốc Công ty than Thống Nhất Nguyễn Mạnh Toán

Đến nay, các đơn vị khối sàng tuyển, tiêu thụ của Vinacomin như: Công ty Tuyển than Hòn Gai, Công ty Kho vận Đá Bạc, Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả, Công ty Tuyển than Cửa Ông cũng đang tăng cường năng lực, vận hành hết công suất hệ thống sàng tuyển, chế biến tối đa các chủng loại than, kịp thời tiếp nhận nguồn than nhập khẩu để pha trộn, bảo đảm cung cấp đủ than cho các hộ sản xuất điện, đạm, phân bón theo hợp đồng đã ký.

Theo Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả, kế hoạch tiêu thụ than của tập đoàn trong năm 2023 dự kiến tăng 4,65 triệu tấn so với năm 2022, trong đó than cho sản xuất điện dự kiến tăng 3,55 triệu tấn. Để bảo đảm nguồn than tiêu thụ cho nhu cầu của khách hàng, một mặt công ty huy động tối đa nguồn than của các đơn vị sản xuất và đơn vị sàng tuyển, chế biến pha trộn; mặt khác tiếp nhận than nhập khẩu và chủ động triển khai nhiều phương án pha trộn bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nhiều chi phí trong công tác pha trộn.

Tổng Giám đốc Vinacomin Đặng Thanh Hải cho biết: Các đơn vị trong tập đoàn đã tích cực hưởng ứng, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong sản xuất, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành than với tỉnh và đất nước. Hàng trăm công trình thi đua, trong đó nhiều công trình có quy mô lớn, tiêu biểu được hoàn thành góp phần quan trọng để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, đáp ứng cho sản xuất và nhu cầu than cho nền kinh tế.

Nỗ lực đáp ứng nhu cầu than trong nước ảnh 1

Xuất than đi thị trường nội địa cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện tại cảng Cửa Ông, Cẩm Phả.

Bảo đảm nhu cầu năng lượng

Đứng trước nhu cầu tiêu thụ than trong nước tiếp tục tăng cao, ngành than đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy cao nhịp độ sản xuất, tập trung khai thác than tối đa. Đến nay, hầu hết các mỏ hầm lò và lộ thiên đã sản xuất tăng thêm khoảng 500.000 tấn than/tháng so với kế hoạch đề ra. Nhờ đó, sản lượng than cấp cho các hộ sản xuất điện đang được bảo đảm và vượt so với kế hoạch.

Trung bình mỗi ngày ngành than cung cấp khoảng 140.000 tấn than cho các nhà máy nhiệt điện, vượt 25.000 tấn so với kế hoạch. Ngoài sản lượng than nguyên khai sản xuất được, ngành than cũng chủ động nguồn than nhập khẩu để pha trộn, cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Trong những tháng cao điểm về sản xuất, trung bình mỗi tháng tập đoàn nhập khẩu thêm khoảng 400.000 đến 500.000 tấn than so với kế hoạch.

Theo Bộ Công thương, năm 2023 dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn. Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cung cấp cho các hộ sản xuất điện khoảng 46,16 triệu tấn, hộ sản xuất phân bón-hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ sản xuất xi-măng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn. Đến nay, Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc đã sớm hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với các nhà máy điện, đạm. Theo đó, tập đoàn đã ký hợp đồng mua bán than với 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 38,52 triệu tấn, hai nhà máy đạm với tổng khối lượng khoảng 1,59 triệu tấn.

Kết thúc chín tháng năm 2023, tập đoàn đã sản xuất hơn 28 triệu tấn than nguyên khai, than tiêu thụ đạt hơn 36 triệu tấn, trong đó than tiêu thụ cho các hộ điện đạt hơn 30 triệu tấn, tăng 3,6 triệu tấn so với cùng kỳ. Các lĩnh vực sản xuất điện, khoáng sản đều hoàn thành kế hoạch. Nhờ những kết quả đó, doanh thu toàn tập đoàn trong chín tháng qua ước đạt 127,02 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 23 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ; lợi nhuận dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt gần 16 triệu đồng/người/tháng.

Để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, trong những tháng cuối năm, các đơn vị trong toàn tập đoàn cần tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, quyết liệt chấn chỉnh, xử lý vi phạm để hạn chế các vụ tai nạn lao động và sự cố những tháng cuối năm; đồng thời, tập trung cho sản xuất, nhập khẩu, chế biến, tiêu thụ, đẩy mạnh sản xuất than nguyên khai, than sạch đáp ứng nhu cầu than tăng cao. Bên cạnh đó, các đơn vị cần rà soát thực hiện tốt chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là bóc xúc đất đá, hệ số bóc; mét lò đào; chất lượng than nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn tới, ngành than vẫn tiếp tục giữ vị trí là một trong ba trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thăm dò trữ lượng than từ đó xây dựng quy hoạch khai thác trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh và đất nước. Cùng với đó, ngành than sẽ sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến ngành than theo ba quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8 và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm nguồn than phục vụ phát triển kinh tế của đất nước những năm tiếp theo.