Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban mặt trận các tỉnh, thành phố, trong bộn bề khó khăn nhưng tại nhiều nơi, nhất là những địa phương khó khăn, nhà dành cho người nghèo đang tiếp tục được xây dựng và bàn giao. Cùng với giúp người nghèo có nhà ở, các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận nhiều địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động khác nhau để chung tay, chung sức, đồng hành với người dân nghèo, địa phương nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Hương Liên là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa của huyện Hương Khê, đời sống nhân dân còn rất khó khăn; thu nhập bình quân ở mức thấp so với mặt bằng chung toàn huyện. Hiện xã còn 12/20 tiêu chí chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh nỗ lực rất lớn của nhân dân xã Hương Liên, tỉnh Hà Tĩnh đã giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo đỡ đầu, tài trợ các thôn và xã Hương Liên (huyện Hương Khê) xây dựng nông thôn mới. Ngay sau khi được giao đỡ đầu xây dựng nông thôn mới xã Hương Liên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị đỡ đầu đi kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình kết quả, tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các thôn của xã Hương Liên.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, cùng với các đơn vị được giao đỡ đầu tổ chức ký kết công tác phối hợp đỡ đầu, tài trợ các thôn, xã Hương Liên xây dựng nông thôn mới. Trong đó trọng tâm tập trung các nội dung: Vận động các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ các nguồn lực giúp các thôn, xã Hương Liên hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; khâu nối, phối hợp các cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện giúp các thôn, xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phối hợp các sở, ngành phụ trách tiêu chí hướng dẫn xã, thôn tổ chức thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn; điều động lực lượng hỗ trợ ngày công tham gia cùng thôn, xã trong thực hiện các công trình, phần việc cụ thể…
Mục tiêu đặt ra là cuối năm 2022 xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi phát động tháng cao điểm, toàn xã đã huy động lực lượng, vận động nhân dân triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như làm mới và chỉnh trang hệ thống giao thông, cải tạo vườn tạp, di dời chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ làm các công trình vệ sinh…
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên vừa phối hợp các cơ quan liên quan và đại diện Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, cấp ủy, chính quyền xã Sá Tổng, Ban Giám hiệu Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 xã Sá Tổng tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà ở bán trú cho các em học sinh trường. Đây là công trình được dựng xây nhờ sự kết nối của những tấm lòng nhân ái, chia sẻ yêu thương với những địa phương miền núi còn rất nhiều khó khăn. Tại lễ khởi công, đại diện Quỹ thiện nguyện Bình Nguyên, đơn vị tài trợ công trình đã bày tỏ niềm vui được đồng hành với nhà trường xây dựng nhà ở bán trú để các em học sinh có thêm nơi ở mới khang trang, sạch đẹp hơn, góp phần giảm bớt những khó khăn và tạo động lực cho thầy, cô giáo, các em học sinh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhà trường đã đề ra. Quỹ thiện nguyện đã trao số tiền 410 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở bán trú cho Ban Giám hiệu trường.
Tại tỉnh Phú Yên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết, hoạt động hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ các nguồn vận động của Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố được triển khai có hiệu quả, góp phần hỗ trợ các hộ nghèo vượt qua khó khăn. Nổi bật là Mặt trận Tổ quốc huyện Tây Hòa hỗ trợ xây dựng 11 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa một nhà với số tiền 460 triệu đồng; Mặt trận Tổ quốc huyện Sông Hinh vận động xây hai nhà Đại đoàn kết, mỗi nhà 40-50 triệu đồng; Mặt trận Tổ quốc huyện Sơn Hòa vận động xóa hai nhà tạm cho hộ nghèo với số tiền 45 triệu đồng...
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Để có nguồn quỹ hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa phong trào xây dựng nhà Đại đoàn kết bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Để các đối tượng được hưởng sự giúp đỡ một cách chính xác, Ủy ban Mặt trận các cấp phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng, phân loại đối tượng, xác định nhiệm vụ, mức hỗ trợ cụ thể.
Không chỉ có cấp tỉnh, Mặt trận cấp huyện, cấp xã cũng tích cực, chủ động vào cuộc để có thêm các ngôi nhà dành tặng người nghèo. Tại tỉnh Hà Giang, Ban Chỉ đạo xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở huyện Vị Xuyên vừa tổ chức Lễ trao tặng nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện Vị Xuyên và Chi nhánh Viettel Hà Giang đã trao kinh phí hỗ trợ xây dựng 20 ngôi nhà cho hộ nghèo gồm 3 hộ xã biên giới và 17 hộ xã nội địa với tổng trị giá 1,2 tỷ đồng do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ. Các ngôi nhà được xây dựng bảo đảm 3 cứng (cứng nền, cứng tường, cứng mái) và phù hợp văn hóa truyền thống các dân tộc. Các địa phương huy động hơn 1 nghìn ngày công hỗ trợ các hộ xây dựng nhà ở.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết, trong năm 2021, Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã hỗ trợ cho các huyện, thị xã của tỉnh xây dựng 634 căn nhà Đại đoàn kết tặng người nghèo, trị giá 49,87 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số 307 căn, trị giá 24,56 tỷ đồng; hỗ trợ Chương trình giảm nghèo bền vững của các huyện, thị xã 327 căn, trị giá 24,87 tỷ đồng.
Ngoài ra, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh còn hỗ trợ sửa chữa 11 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, trị giá 440 triệu đồng… Năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng 857 căn nhà cho người nghèo (80 triệu đồng/căn), trị giá 68,56 tỷ đồng.
Chung tay với người nghèo giờ đây không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhiều hoạt động thường xuyên, cụ thể của các địa phương, đơn vị, cá nhân trong cả nước. Nhờ vậy, người nghèo đã và đang có thêm những điều kiện để tiếp tục vượt khó, vươn lên.