320 y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nỗ lực cứu chữa bệnh nhân nặng
Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức được thiết lập thần tốc tại Bệnh viện Dã chiến 13 (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) và đã đi vào hoạt động vài ngày qua.
GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngay khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện cùng đơn vị thi công đã làm việc xuyên ngày đêm với khát vọng nhanh chóng cứu chữa bệnh nhân kịp thời.
"Việc thành lập trung tâm này rất “thần tốc”. Đến hôm nay, bệnh viện đã tiếp nhận và đưa vào cấp cứu 98 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân cần chuyển tuyến tới đây rất lớn, hàng nghìn cuộc gọi đến Trung tâm chúng tôi trong những ngày qua", GS Giang cho biết.
Với phương châm “tiếp nhận khẩn trương, điều trị tận tụy”, ngay cuối ngày 15/8, sau khi nhận bàn giao thêm một tòa nhà, bệnh viện sẽ nhanh chóng thiết lập máy móc trong đêm để ngày hôm nay (16/8) có thể tiếp nhận bệnh nhân.
Bệnh viện Việt Đức đã sẵn sàng 320 y bác sĩ, cán bộ có chuyên môn vững vàng túc trực tại đây để chăm sóc tận tình, điều trị tích cực nhất cho bệnh nhân.
Đánh giá về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19, GS, TS Trần Bình Giang chia sẻ, diễn biến bệnh Covid-19 rất nhanh nên các y, bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu người. Đặc biệt, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 đặt ngay trong khuôn viên với Bệnh viện Dã chiến 13 nên khi bệnh nhân nặng từ bệnh viện dã chiến chuyển sang rất tiện lợi.
"Trong số 500 giường tại trung tâm, có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập, 200 giường cho bệnh nhân thở ô-xy và 100 giường dành để theo dõi bệnh nhân khi đã chuyển nhẹ. Với trang thiết bị và chuyên gia giàu kinh nghiệm, chúng tôi hy vọng Trung tâm Hồi sức cấp cứu này sẽ cứu được nhiều bệnh nhân nặng", GS Giang nói.
Một trong những vấn đề cấp bách cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 đó là ô-xy và thuốc tăng cường sức khỏe, kháng virus. Mặc dù Trung tâm Hồi sức Cấp cứu Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức đã thiết lập bồn ô-xy lỏng với dung tích lớn để kịp thời đưa vào cấp cứu người bệnh, nhưng Trung tâm đang nỗ lực tăng thêm ô-xy, bởi số lượng bệnh nhân được chuyển đến ngày càng nhiều.
Trung tâm Hồi sức tích cực tại Tiền Giang đang giành giật sự sống cho 90 bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch
Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang do các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô chi viện. Đoàn công tác gồm 9 người trong đó có 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng phối hợp với các nhân viên y tế tại Trung tâm hồi sức của tỉnh tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, thăm khám và làm thủ thuật ở tầng cao nhất trong mô hình tháp điều trị.
Trung tâm Hồi sức tích cực đầu tiên của Tiền Giang thuộc tầng thứ 3 của tháp điều trị hiện đang thu dung 90 bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch, trong đó hơn 20 bệnh nhân đang thở máy dòng cao HFNC. Đến nay đã có 5 bệnh nhân hồi phục và được “hạ tầng” thành công, chuyển xuống các bệnh viện dã chiến.
Nhận được sự chi viện kịp thời của Bệnh viện Hữu nghị, BSCKII Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang đồng thời cũng là Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực xúc động: “Bệnh viện chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với Trung ương trên tinh thần hết lòng cứu chữa cho người bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đã hướng dẫn các nhân viên y tế, bác sĩ ở đây cách chăm sóc, điều trị bằng máy thở, nhờ thế mà nhiều bệnh nhân đã có tiến triển tốt. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người bệnh được chuyển tuyến, hạ tầng điều trị thành công".
Trung tâm hồi sức kỹ thuật cao lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng đi vào hoạt động
Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đang được hoàn thiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và dự kiến đi vào hoạt động vào ngày hôm nay (16/8). Trung tâm sẽ tiếp nhận điều trị những ca nhiễm Covid-19 nguy kịch ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong 12 ICU quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước.
Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai ICU các trường hợp Covid-19 nặng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long song song với nhiệm vụ bảo đảm điều trị cấp cứu các bệnh lý khác, kể cả các trường hợp cấp cứu kỹ thuật cao từ các tuyến chuyển về.
Hiện tại, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng cần phải can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu. Đến nay, các bác sĩ đã thực hiện thành công 2 ca can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) cho sản phụ trẻ mang thai nhiễm Covid-19 nặng.
Theo BSCKII Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, ICU có quy mô 200 giường bệnh được trang bị hệ thống ô-xy nén 20 tấn, được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại như máy thở, monitor theo dõi cùng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chuyên sâu về hồi sức tích cực sẽ góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp Covid-19 tiên lượng nặng.
Việc đặt Trung tâm hồi sức kỹ thuật cao của vùng tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ sẽ thuận lợi trong công tác phối hợp chuyển tuyến các bệnh nhân Covid-19 nặng.