Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh miền núi biên giới, có vị trí đắc địa nằm trong tuyến hành lang kinh tế xuyên Á, giáp với Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã và đang "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Các phương tiện cơ giới của Công ty cổ phần Tràng An Lạng Sơn thi công công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B, kết nối Lạng Sơn với Quảng Ninh.
Các phương tiện cơ giới của Công ty cổ phần Tràng An Lạng Sơn thi công công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B, kết nối Lạng Sơn với Quảng Ninh.

Để thúc đẩy cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, những năm qua, Lạng Sơn đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung thực hiện tốt việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và minh bạch. Trước hết là việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy vai trò người đứng đầu; tăng cường thanh tra công vụ, đi đôi với kiên quyết xử lý các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp...

Kết quả đạt được trong năm 2022 theo chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) do VCCI công bố, Lạng Sơn xếp hạng thứ 15/63 tỉnh, thành phố (tăng 21 bậc so với năm 2021) và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Năm 2022, lần đầu tiên VCCI đưa vào giới thiệu và đánh giá liên quan đến chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), tỉnh Lạng Sơn đứng thứ 2 trong số 63 tỉnh, thành phố.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Vũ Hoàng Quý cho biết: Để đạt kết quả nêu trên, thời gian qua, tỉnh xây dựng nhiều cơ chế chính sách, nổi bật là Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Sau hơn 5 năm thực hiện đến nay, tỉnh đã có 94 dự án được phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 22.108 tỷ đồng.

Nhờ những chính sách đột phá này mà hàng loạt doanh nghiệp đã lựa chọn Lạng Sơn để đầu tư kinh doanh, trong đó có một số dự án với nguồn vốn lớn, hứa hẹn đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (Lạng Sơn), do Công ty cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là nhà đầu tư dự án ở huyện Hữu Lũng, với quy mô gần 600 ha; tổng vốn đầu tư hơn 6.360 tỷ đồng...

Một số dự án đã và đang được các nhà đầu tư triển khai như: Khu đô thị thương mại, căn hộ và shophouse Diamond Park, (tổng vốn đầu tư hơn 1.582 tỷ đồng); đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ huyện Lộc Bình (tổng vốn đầu tư 421 tỷ đồng)...

Trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng định hướng thu hút đầu tư phát triển xanh, bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho biết: Từ năm 2020 đến nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, khảo sát và đề xuất đầu tư các dự án phát triển điện gió, điện sinh khối. Qua đó, Lạng Sơn đã cho phép 18 nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với 35 dự án, trong đó, có 32 dự án điện gió, hai dự án điện sinh khối và một dự án điện rác...

Điển hình như Công ty BayWar.e. Wind Projects (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam, sau hơn hai năm thực hiện khảo sát thực tế, Công ty chính thức mong muốn đầu tư ba nhà máy điện gió tại các huyện: Văn Quan, Cao Lộc và Lộc Bình. Tổng công suất ba dự án là 240 MW, dự kiến 48 trụ tua-bin, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.

Hiện doanh nghiệp này đang thực hiện các bước cần thiết để chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng ba dự án điện gió này… Ba dự án này có tổng sản lượng điện sản xuất hằng năm đủ cung cấp cho khoảng 230 nghìn hộ dân..., sẽ đưa vào vận hành năm 2025.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn Hồ Phi Dũng chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư; đồng thời tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua đối thoại trực tiếp hằng tháng giữa doanh nghiệp với các sở, ngành chức năng...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Để tiếp tục duy trì trong tốp tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI và PGI, bên cạnh duy trì đà cải cách, có chiến lược dài hạn, cụ thể từng mục tiêu và chương trình hành động, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xây dựng, củng cố niềm tin giữa chính quyền với doanh nghiệp và xem đây là yếu tố then chốt.

Trong thời gian tới, tỉnh cung cấp thông tin kịp thời, hoạch định chính sách, thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện môi trường; định hướng nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn tại Lạng Sơn.