Ninh Thuận thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Với mục tiêu đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn vốn, thiết bị, vật tư nông nghiệp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khơi dậy ý tưởng sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Mô hình trồng nho theo quy trình VietGAP cho thu nhập cao tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Ảnh: NGUYỄN TRUNG
Mô hình trồng nho theo quy trình VietGAP cho thu nhập cao tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Tỉnh đẩy mạnh vận động, hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác các nhóm hộ để sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thị trường. Hội Nông dân tỉnh chú trọng bồi dưỡng những hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi, có uy tín làm nòng cốt trong xây dựng các mô hình sản xuất, trở thành tổ trưởng tổ hợp tác và giám đốc HTX để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Tỉnh tiếp tục lồng ghép các chương trình đầu tư, hỗ trợ vốn gắn với dạy nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân để phát huy hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn vay, gắn với xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác xã và phát triển cơ sở hội vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2020, tất cả cơ sở hội nông dân có từ một đến ba mô hình sản xuất bền vững.

5 năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tỉnh Ninh Thuận giải ngân hơn 38,7 tỷ đồng, thực hiện 172 dự án, cho 1.755 lượt hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Hiện có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi bò vỗ béo ở phường Ðạo Long (TP Phan Rang - Tháp Chàm); sản xuất muối, nuôi cá trê thương phẩm, cá bóp ở xã Thanh Hải; trồng và chăm sóc vườn nho theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải); trồng bắp lai ở xã Phước Bình (huyện Bác Ái)… Năm 2017, tỉnh có hơn 23.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

* Tỉnh Bình Phước vừa quyết định hỗ trợ sáu tháng lương, chi trả hưởng một lần cho mỗi cán bộ, viên chức nghỉ việc sau khi tinh giản biên chế. Theo đó, cán bộ công chức, viên chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự được cấp có thẩm quyền bố trí công tác khác nhưng không muốn tiếp tục công tác và có đơn tự nguyện xin nghỉ việc theo nguyện vọng, được cấp có thẩm quyền giải quyết, thì ngoài việc được hưởng các chế độ tinh giản biên chế, thôi việc theo quy định hiện hành của pháp luật, còn được hỗ trợ một lần bằng sáu tháng tiền lương hiện hưởng (gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, cộng với các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu nếu có).

Tỉnh đề ra mục tiêu mỗi năm tinh giản 2,5% biên chế hành chính, giảm 35% số hợp đồng; đến năm 2020 giảm hết số biên chế dôi dư và hợp đồng; giảm ngay 50% bộ phận người lao động làm công tác hành chính, phục vụ ở các trường trong ngành giáo dục; khuyến khích một người làm được nhiều việc.