Năm học 2024-2025, Ninh Thuận có 150.889 học sinh/4.749 lớp, thuộc 297 cơ sở giáo dục (tăng 3.917 học sinh so với năm học 2023-2024). Toàn ngành Giáo dục Ninh Thuận có 10.474 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Qua rà soát định mức theo các thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ninh Thuận còn thiếu 445 giáo viên và 485 nhân viên các cấp học.
Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho trường học
Sáng 4/9, chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Đài Sơn, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Cô giáo Lâm Thị Phú, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trước đó, ngày 30/8, hơn 970 học sinh cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã tổ chức buổi tập sắp xếp đội hình, đội ngũ, các nghi thức chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Hôm nay, nhà trường tổng duyệt lại một lần nữa, để bảo đảm chương trình lễ khai giảng năm học mới diễn ra thành công tốt đẹp.
Tổng duyệt nghi thức tiếp nhận các em học sinh lớp 1 bước vào học năm học mới tại Trường Tiểu học Đài Sơn, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh; NGUYỄN TRUNG) |
Còn cô giáo Vũ Thị Ý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Hải 1, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, phấn khởi nói: “Năm học này, được đầu tư hơn 22 tỷ đồng xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp đạt chuẩn mức độ 2. Nhà trường cũng được trang bị 18 máy vi tính cho phòng tin học. Hiện, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tập thể nhà trường quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học”.
Tại Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Đặng Chí Thanh, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, không khí chuẩn bị ngày khai trường khá sôi động. Thầy giáo Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học mới, toàn trường có 1.317 học sinh, biên chế thành 31 lớp. Nay, các hoạt động chuẩn bị cờ, hoa, văn nghệ chào mừng, tập duyệt đội hình, đội ngũ, bố trí chỗ ngồi cho các lớp, hướng dẫn học sinh khối đầu cấp đi vào lễ đài,… đã hoàn tất, rất háo hức đợi thời khắc để hòa chung niềm vui ngày hội khai giảng năm học mới trên cả nước.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhiều trường học tại tỉnh Ninh Thuận được đầu tư máy vi tính, đáp ứng nhu nhu cầu dạy và học trong năm học mới. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Năm học 2024-2025, huyện Ninh Phước có 50 trường học với tổng số 25.116 học sinh/736 lớp các cấp học. Để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, huyện Ninh Phước đã huy động nguồn lực xây dựng 71 phòng học và 27 phòng bộ môn tại các trường với tổng kinh phí hơn 84,3 tỷ đồng, đồng thời sửa chữa 30 phòng học, nhà vệ sinh, tường rào cho các trường: Mẫu giáo An Hải, Tiểu học Phước Khánh, Tiểu học La Chữ, Tiểu học Phú Quý 1 và Trường THCS Nguyễn Tất Thành với tổng kinh phí 4,3 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước Ngô Khánh, cho biết: Với quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học, huyện đã quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các cấp theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đã huy động nhiều nguồn lực tài trợ, tặng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập cho hầu hết các trường học trên địa bàn huyện. Toàn huyện, có 1.517 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, cơ bản đáp ứng được việc tổ chức dạy học. Tuy nhiên, còn thiếu 45 cán bộ quản lý, 50 giáo viên và 142 nhân viên so với định mức ở các cấp bậc học.
Giáo viên Trường tiểu học Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh trước ngày khai giảng năm học mới. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Năm học 2024-2025, huyện Bác Ái có 29 trường học với 7.135 học sinh/308 lớp. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, có 27/29 đơn vị trường học được đầu tư xây dựng và sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, nhà vệ sinh, công trình nước sạch... đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024-2025, nâng tổng số phòng học phục vụ cho năm học 2024-2025 lên 398 phòng, cơ bản bảo đảm thực hiện giảng dạy 2 buổi/ngày và đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (1 lớp/phòng).
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã nâng biên chế lên 680 cán bộ, giáo viên (100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp, tăng cao so với mặt bằng chung của tỉnh), đáp ứng tốt việc giảng dạy tại các trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận hướng dẫn học sinh lớp 1 tập viết. |
Phấn khởi bước vào năm học mới
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Anh Linh cho biết thêm, tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12, đơn vị đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12 cho cán bộ, giáo viên các trường.
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Ninh Thuận, các đại lý, cửa hàng văn phòng phẩm chủ động nhập về 1,1 triệu cuốn sách giáo khoa các cấp học và một số lượng lớn sách vở, đồ dùng, thiết bị dạy, học. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Ninh Thuận, cho biết: Hiện, lượng sách giáo khoa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Năm nay, giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giảm từ 15-20%, cho nên công ty đã có khuyến cáo cũng như tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh nên mua sách giáo khoa tại những điểm bán uy tín để lựa chọn đúng bộ sách học sinh sẽ học, tránh trường hợp mua phải sách giả, kém chất lượng.
Nhiều tổ chức, cá nhân tặng đồ dùng học tập cho các em học sinh nghèo xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận trước thềm năm học mới (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Trước thềm năm học mới, phong trào tiếp sức đến trường tại Ninh Thuận hoạt động rất sôi nổi, hàng trăm tổ chức, cá nhân trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Trao học bổng, tặng sổ tiết kiệm, thẻ y tế, quần, áo, vở viết… trị giá hàng tỷ đồng cho hàng trăm lượt sinh viên, học sinh nghèo, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm san sẻ khó khăn với học sinh nghèo, góp phần tích cực trong chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục của dân tộc.