Tận dụng lợi thế này, tỉnh đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp đặc thù. Thời gian qua, số lượng hộ gia đình, doanh nghiệp tỉnh tham gia xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp phát triển khá nhanh, với nhiều sản phẩm có sức hút. Có thể kể tới các tua tham quan, trải nghiệm tại trang trại táo, nho (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái (huyện Ninh Sơn); cánh đồng cừu An Hòa (huyện Ninh Hải), Phước Trung (huyện Bác Ái); tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm (huyện Ninh Phước)... Du lịch nông nghiệp đã có những tác động tích cực tới kinh tế địa phương, như làm tăng thêm giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy du lịch nông nghiệp bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gắn du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương hỗ trợ, tạo sự liên kết vùng giữa các công ty du lịch và nhà vườn; khuyến khích các mô hình khởi nghiệp về du lịch nông nghiệp. Trong tỉnh đã có các điểm giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp đặc thù. 12 loại nông sản được áp dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong 10 tháng năm 2020, lượng khách du lịch đến Ninh Thuận đạt hơn một triệu lượt; thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 775 tỷ đồng. Tỉnh đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư phát triển các dự án du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
★ Đồng Tháp tăng chất lượng giáo dục
Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Ðồng Tháp có bước đột phá và đạt được nhiều kết quả tốt, nổi bật là từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh có chuyển biến rõ nét. Cơ sở vật chất của các ngành học, cấp học được quan tâm đầu tư, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tính đến cuối tháng 7-2020, toàn tỉnh có 17,78% trường mầm non, 3,86% số trường tiểu học, 47,83% số trường THCS và 62,79% số trường THPT đạt chuẩn mức độ 2. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh toàn tỉnh đạt 99,7%, xếp thứ 5 trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Ðồng Tháp chỉ đạo ngành giáo dục phát triển theo hướng toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo và thực hành; đẩy mạnh mô hình giáo dục chất lượng cao, thực hiện một số mô hình, chương trình giáo dục tiên tiến, hợp tác quốc tế ở các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, từng bước đổi mới chương trình giáo dục, tạo điều kiện tiệm cận chuẩn đầu ra của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Riêng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðể đạt được mục tiêu này, tỉnh đưa ra nhiều chỉ tiêu cụ thể và yêu cầu ngành giáo dục bảo đảm việc huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường theo đúng chỉ tiêu; chú trọng phát triển giáo dục sức khỏe, thể chất cho học sinh; bảo đảm giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 1%.