Ninh Thuận định hướng xuất khẩu tổ yến

Hơn chục năm trở lại đây, nuôi chim yến phát triển nhiều tại Ninh Thuận, ước tính có hơn 620.000 con. Để phát triển nghề nuôi bền vững, tỉnh Ninh Thuận đã quy hoạch vùng nuôi và đẩy mạnh công tác ngăn chặn nạn săn bắt chim yến.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch tổ yến.
Thu hoạch tổ yến.

Với giá trị kinh tế đem lại, Ninh Thuận đang hướng đến xuất khẩu tổ yến sang thị trường ngoài nước.

Tổ yến đem lại giá trị kinh tế cao

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi thăm hai vùng nuôi chim yến được coi là lớn nhất tỉnh Ninh Thuận tại huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (có khoảng 460 nhà nuôi).

Hầu hết các nhà nuôi chim yến được đầu tư xây dựng bài bản, chuyên biệt (cao từ 1-6 tầng), có gắn dàn âm thanh phát ra tần sóng thích hợp với loài yến, nên các nhà nuôi thu hút đàn chim yến tựu về rất đông từ chiều đến gần 19 giờ mỗi ngày.

Tại những khu vực ngoại ô thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, nhiều hộ dân kết hợp xây nhà từ 2-3 tầng rồi sử dụng tầng trệt để ở, còn các tầng trên thì lắp đặt thiết bị âm thanh dẫn dụ để nuôi chim yến; lắp camera để theo dõi đàn chim...

Chúng tôi thăm nhà nuôi chim yến của hộ anh Nguyễn Thanh Hải ở xã An Hải, huyện Ninh Phước được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, xây dựng đầu năm 2020 nằm gần bờ sông Dinh. Nhà yến có lắp đặt bài bản hệ thống ván ốp trần cho yến làm tổ, thiết bị âm thanh dẫn dụ yến, cân bằng độ ẩm, nhiệt độ... nên chim yến tựu về làm tổ nhiều.

Anh Hải chia sẻ: Năm 2021, anh thu hút được hơn 1.000 cặp yến tựu về và làm hơn 750 tổ. Cứ 4 - 5 tháng gia đình anh thu hoạch tổ một lần. Đến nay, thu hút khoảng 3.000 cặp yến về lưu trú và làm hơn 1.000 tổ, thu hoạch từ 20-30 kg tổ/năm, thu nhập 400-500 triệu đồng/năm.

Tùy vào điều kiện thời tiết và địa hình mà chất lượng tổ yến mỗi địa phương khác nhau. Ninh Thuận có yếu tố địa hình ven biển, thời tiết nắng, gió khắc nghiệt, ít mưa, nên chất lượng tổ yến rất cao, được người tiêu dùng đánh giá cao hơn tổ yến sào ở các địa phương khác.

Thường thì từ khi xây nhà dẫn dụ chim yến cho đến khi thu hoạch tổ yến lần đầu tiên là 2 năm; mức đầu tư hàng tỷ đồng, tuy nhiên người nuôi chỉ đầu tư một lần; trong quá trình chim yến lưu trú, sinh con và làm tổ, người nuôi không tốn chi phí tiền thức ăn (vì loài yến tự kiếm ăn bên ngoài, thức ăn chủ yếu là côn trùng trong tự nhiên).

Mỗi ngày chim yến bay đi kiếm ăn cách nơi lưu trú hàng trăm ki-lô-mét, nên các vùng thuận lợi để nuôi yến là nơi có nguồn thức ăn tự nhiên, xa khu công nghiệp... tránh ảnh hưởng khói bụi, tiếng ồn; nếu may mắn nhà nào thu hút số lượng chim yến tựu về lưu trú, làm tổ nhiều thì nhanh thu hồi vốn và có lãi cao, còn nhà không có chim yến vào thì coi như mất trắng.

Nhà nuôi yến tăng nhanh

Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận Phan Đình Thịnh cho biết, toàn tỉnh đã có gần 600 nhà nuôi yến, trong đó, có 472 nhà nuôi yến chuyên biệt và 122 nhà nuôi yến kết hợp với nhà ở.

Tính từ năm 2020 đến nay, Ninh Thuận tăng 42 nhà yến. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay có 8 nhà nuôi chim yến xây mới.

Qua khảo sát cho thấy, mỗi năm các nhà nuôi cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn tổ yến. Những nhà yến được xây dựng từ năm 2019 trở về trước cho sản lượng nhiều (thu hoạch tổ yến tăng theo thời gian, có những nhà nuôi hơn chục năm thu hoạch khoảng 50 kg/năm).

Ông Phan Đình Thịnh cho biết thêm: Đơn vị thường xuyên phối hợp với các địa phương để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển chim yến; đồng thời tuyên truyền về các quy định quản lý hoạt động nuôi chim yến, nhất là hành vi không săn bắt, không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến và nghiên cứu khoa học.

Ông Phạm Thái Long - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp LONGA chuyên kinh doanh yến sào Ninh Thuận chia sẻ: “Hiện sản phẩm yến sào xứ Phan của hợp tác xã có mặt trên khắp cả nước. Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết với một số hộ dân, doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc...”.

Ninh Thuận đã hình thành 35 cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh tổ yến (trong đó có 15 công ty và 20 hộ kinh doanh); đã thành lập Hiệp hội Yến sào, nhằm đưa ngành yến phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND về Quy hoạch lại vùng nuôi chim yến, hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành yến sào của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát lại số nhà nuôi yến toàn tỉnh để đẩy nhanh việc hướng dẫn cấp mã số nhà yến, nhằm hướng đến phục vụ truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu yến sào sang thị trường ngoài nước.