Năm 2019, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp 56 hạng mục công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nước sinh hoạt nông thôn tại vùng đồng bào Chăm; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 813 hộ nghèo vay vốn sản xuất, kết hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động người Chăm... Cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, giúp đồng bào Chăm nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.
Năm 2020, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc Chăm. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển hệ thống thủy lợi ở các vùng khô hạn để phục vụ tưới tiêu, chăn nuôi, đầu tư hệ thống giao thông, chợ, hạ tầng làng nghề truyền thống. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, từ đó làm thay đổi tập quán canh tác của đồng bào theo hướng hiện đại để tăng giá trị sản phẩm.
* Năm 2019, tỉnh An Giang triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho 31.405 lao động, đạt 105% so với kế hoạch, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Năm 2020, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Trong đó, tập trung giải quyết việc làm thông qua các chương trình, dự án đối với hộ nghèo, cận nghèo; dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững…
Ðể triển khai hiệu quả, An Giang thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng ưu tiên như hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất, người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, lao động khó khăn về kinh tế...
Tỉnh tích cực dự báo nhu cầu thị trường lao động, tăng dần quy mô các chương trình đào tạo chất lượng cao, chuyên ngành khoa học liên quan đến công nghệ, kỹ thuật và những ngành thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Ðồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.