Ninh Thuận chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Ninh Thuận vốn là tỉnh khó khăn, nhưng với những cách làm mới, đặc biệt là tăng cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đã tạo nên những kết quả tích cực. Nhiều tiềm năng, thế mạnh khác biệt được khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và vị thế của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng chăm sóc vườn nho Sauvignon, giống nho chuyên dùng để sản xuất rượu vang trắng tại Ninh Thuận. (Ảnh CÔNG ĐẠT)
Công nhân Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng chăm sóc vườn nho Sauvignon, giống nho chuyên dùng để sản xuất rượu vang trắng tại Ninh Thuận. (Ảnh CÔNG ĐẠT)

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cả hai hình thức: Trực tiếp triển khai nghiêm túc, sâu rộng quy chế dân chủ ở cơ sở và gián tiếp thông qua đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Mở rộng thực hành dân chủ

Nghiêm túc, bài bản, sáng tạo là tác phong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tại Ninh Thuận. Tất cả các quy định, hướng dẫn của Trung ương về thực hành dân chủ như: Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập… đều được các cấp ủy quán triệt triển khai sâu rộng đến từng người dân. Qua đó, đã huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân vào công tác củng cố hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn cũng như đóng góp trí tuệ, sức lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Đặc biệt khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời, các cấp ủy, chính quyền có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai, thực hiện. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành luật; trong đó giao cho các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chuyên sâu các nội dung của luật và các Nghị định hướng dẫn; bố trí kinh phí hằng năm để các cơ quan, đơn vị thực hiện. Ngày 10/4/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội thi Dân vận chính quyền năm 2023 gắn với tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sở Tư pháp tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục luật lồng ghép trong các hoạt động trợ giúp pháp lý; qua các cuộc họp, các buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật tại cơ quan.

MTTQ tỉnh tổ chức tuyên truyền luật thông qua các lớp tập huấn cho gần 660 cán bộ mặt trận các cấp. Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tổ chức hội nghị quán triệt luật trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Các phường, xã của thành phố tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân bằng nhiều hình thức như qua sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, sinh hoạt cơ quan, đơn vị, địa phương; sinh hoạt các hội, đoàn thể; gửi tài liệu qua nhóm Zalo, kết hợp tự nghiên cứu...

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Luật Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về thực hiện quyền làm chủ, thể hiện ở việc người dân tham gia góp ý ngày càng nhiều vào các công việc tại khu dân cư. Không chỉ phản ánh những vướng mắc phát sinh trong một số lĩnh vực người dân quan tâm như: Cải cách hành chính, vệ sinh môi trường… mà còn hiến kế cho chính quyền cơ sở kịp thời đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người dân.

Cùng với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Tỉnh ủy Ninh Thuận chú trọng lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở. MTTQ các cấp tăng cường tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc đối thoại giữa người dân và cấp ủy, chính quyền, góp phần giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân. Năm 2023, MTTQ tỉnh tổ chức Diễn đàn “Lắng nghe ý kiến nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi” tại hai huyện Ninh Sơn và Ninh Phước.

Tham dự các diễn đàn có hơn 200 đại biểu đại diện cho các hộ trực tiếp thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Có 24 ý kiến, kiến nghị của đại biểu tập trung vào các vấn đề: Đất ở, nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; các trường cao đẳng, đại học có mức thu học phí cao; tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm còn nhiều; quan tâm nghệ nhân làng nghề và hỗ trợ các làng nghề tiêu thụ sản phẩm… Những ý kiến, kiến nghị của đại biểu đã được lãnh đạo huyện, tỉnh trao đổi, giải đáp tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân.

Việc đổi mới hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội đã kịp thời phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của người dân, từ đó giúp các cấp ủy, chính quyền điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, góp phần đưa nhanh các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Nhiều dấu ấn tích cực

Trước đây, huyện Ninh Phước giao thông đi lại khó khăn là một trong những rào cản khiến việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa không thực thi được. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đã phát huy được sức mạnh của nhân dân phá bỏ rào cản này. Những năm qua, phong trào hiến đất làm đường giao thông, thủy lợi… được bà con đồng thuận cao.

Hàng trăm cây số đường giao thông lầy lội vào mùa mưa tại các vùng nông thôn và đường đi đến nơi sản xuất được bê-tông hóa, tạo thuận lợi cho bà con chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Đến nay, huyện đã khai thác được thế mạnh chuyên biệt là nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Các cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, nho, táo ngày càng phát triển... đem lại thu nhập cao cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đã giảm, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Ninh Thuận chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân ảnh 1

Từ những góp ý trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh phát huy hiệu quả, điển hình trong khai thác thế mạnh du lịch. Từ điểm trắng về du lịch, đến nay du lịch của Ninh Thuận đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vườn quốc gia Núi Chúa được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Khu vực biển Ninh Chữ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hòa cho biết, toàn tỉnh có 212 cơ sở lưu trú với hơn 4.680 phòng; trong đó có hơn 50% số phòng đạt chất lượng tương đương 3 sao trở lên. Trong gần 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh thu hút gần hai triệu lượt du khách (tăng 15,2% so với cùng kỳ, đạt 61,6% so với kế hoạch). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 51.000 lượt khách (tăng 155% so với cùng kỳ, đạt 51% so với kế hoạch). Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 2.242 tỷ đồng.

Ninh Thuận đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không, nhiều tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh duyên hải miền trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để xây dựng chương trình, tour, tuyến du lịch hấp dẫn. Bên cạnh duy trì và phát triển thị trường khách truyền thống tại khu vực Đông Nam Á, Nga, Trung Quốc, Australia, Đông Âu, Tây Âu, ngành du lịch đẩy mạnh phát triển các thị trường Đông Bắc Á, hướng đến mở rộng thị trường khách các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Mỹ, nhằm thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Cùng với du lịch, sự đồng lòng, đồng thuận của nhân dân cũng giúp địa phương khai thác tốt những thế mạnh riêng có như: Nông nghiệp chất lượng cao, kinh tế biển, công nghiệp năng lượng tái tạo. Toàn tỉnh có hơn 834 tàu khai thác vùng “biển xa”, sản lượng hằng năm đạt hơn 120 nghìn tấn, luôn vượt mục tiêu đề ra. Ninh Thuận đang trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao, mỗi năm, sản xuất tôm giống đạt 40 tỷ con, cung ứng khoảng 30% nhu cầu giống cho nuôi tôm thương phẩm của cả nước.

Ðến cuối năm 2023, địa phương có 58 dự án năng lượng được đưa vào vận hành, sản lượng điện ước đạt hơn 7,6 tỷ kWh, chiếm hơn 16,5% tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo cả nước. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Thuận, trong 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,28%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Ðặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 tăng 9,40%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; GRDP bình quân đầu người đạt 87,7 triệu đồng.

Tỉnh Ninh thuận vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững, với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía nam của tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành khu kinh tế ven biển.

Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới, cần có những giải pháp mới mang tính đột phá. Để thực hiện, Tỉnh ủy Ninh Thuận xác định tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xem đây là nền tảng, động lực tạo bứt phá phát triển.