Ninh Bình chuyển đổi số hiệu quả

Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là giải pháp đột phá để tỉnh Ninh Bình thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền trên toàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tân Thành (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) thanh toán lệ phí qua ứng dụng thanh toán điện tử trên điện thoại di động.
Người dân xã Tân Thành (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) thanh toán lệ phí qua ứng dụng thanh toán điện tử trên điện thoại di động.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực, tạo được sự đồng thuận, tham gia của các tầng lớp nhân dân, chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp về chuyển đổi số và đang thu được những kết quả hết sức ấn tượng.

Nghị quyết “dẫn đường”

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 90% số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Trong đó, tất cả dịch vụ công đáp ứng yêu cầu được cung cấp trực tuyến mức độ 4, được thực hiện truy cập trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 50%. Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%; Ninh Bình nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình Đoàn Thanh Hải cho biết, thuận lợi trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thời gian qua của tỉnh chính là việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã sớm ban hành Nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu hết sức rõ ràng.

Do vậy, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phù hợp về chuyển đổi số luôn được các cấp, các ngành của tỉnh nêu cao tinh thần và xác định mục tiêu rất cụ thể. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp; đưa việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số vào công tác toàn khóa, từng năm, từng quý để triển khai thực hiện. Ưu tiên bố trí ít nhất 1% tổng chi cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm có tính đột phá.

Phát huy thế mạnh tổ công nghệ số cộng đồng

Ông Vũ Thế Minh, trú tại phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: “Lợi ích mà chuyển đổi số đem lại cho người dân rất thiết thực. Đơn cử như hiện nay tôi đã không phải đến trụ sở của Điện lực thành phố Ninh Bình để thanh toán tiền điện hằng tháng, mà thanh toán không dùng tiền mặt thông qua cài đặt ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại thông minh”. Nhiều người dân Ninh Bình cho biết hiện nay, khi đi khám bệnh, họ chỉ cần mang thẻ căn cước công dân là có thể thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh; đi chợ, siêu thị thì thanh toán không dùng tiền mặt; khi cần có thể tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công ngay tại nhà...

Có được kết quả đó là do tỉnh Ninh Bình đã phát huy tốt thế mạnh “gần dân, sát dân, nhiệt tình, trách nhiệm” của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.675 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố, đạt 100%, với hơn 8.400 thành viên. Lực lượng chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, hội viên các tổ chức chính trị, xã hội và cán bộ thôn, xã; được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng số, bảo đảm là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến người dân.

Thực tế hoạt động cho thấy Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy tốt vai trò trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở và tạo ra các công dân số.

Chị Nguyễn Thị Huê, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Phú Sơn, xã Khánh Phú (huyện Yên Khánh) cho biết: Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn Phú Sơn gồm sáu thành viên. Với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, các thành viên trong Tổ đã tích cực đến các gia đình để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số.

Đến nay, Tổ công nghệ số cộng đồng cơ bản đạt mục tiêu đặt ra, đó là mỗi một gia đình có ít nhất một người biết sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ trên thiết bị điện thoại thông minh, từ đó họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để hướng dẫn các thành viên khác trong gia đình thực hiện. Bí thư Đảng ủy phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) Nguyễn Nam Giang khẳng định: Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng thật sự là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cơ sở, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà các địa phương đã và đang triển khai.

Cùng với việc quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, tỉnh Ninh Bình lồng ghép giữa xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; lựa chọn những ngành, lĩnh vực ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển, tránh dàn trải, hiệu quả thấp.

Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả. Kết quả các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đều thuộc tốp cao của cả nước: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.