Niềm vui đầu năm của những người thầy thuốc

Bằng nỗ lực và quyết tâm không bỏ cuộc, những người thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã mang lại niềm vui lớn cho những gia đình nhỏ vào dịp đầu Xuân mới. Thành công này tiếp tục khẳng định trình độ của nền y học Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Bùi Ngọc Dung cùng chồng vui mừng đón con từ các thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Chị Bùi Ngọc Dung cùng chồng vui mừng đón con từ các thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Chị Bùi Ngọc Dung, 34 tuổi sinh sống tại quê chồng ở Canada. Do có tiền sử một lần sảy thai, ba lần thai lưu, cho nên lần mang thai này, chị Dung quyết định về Việt Nam khi bé được 12 tuần.

Trước khi tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị đã điều trị tại một số bệnh viện liên quan đến bệnh lý tăng huyết áp. Khi thai được 24 tuần, chị Dung vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương điều trị và được tiên lượng khó cứu sống trẻ. Các bác sĩ nhận định, đây là trường hợp khó, mẹ bị tiền sản giật xuất hiện khi có thai, trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng suy thai mạn tính. Đáng chú ý, tiền sản giật là một trong năm tai biến của sản khoa.

Các bác sĩ đã động viên chị Dung, cố theo dõi, nếu để được đến 28 đến 29 tuần thai thì tốt vì khả năng sống của trẻ tăng lên 3%/ngày nếu nằm trong bụng mẹ. Các bác sĩ đã theo dõi thai nhi hết sức chặt chẽ, đến khi trẻ được gần 26 tuần thì không thể cố được, nên mổ bắt thai.

Sau khi trẻ ra đời chỉ nặng 500 gram. Cháu bé được chuyển sang Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh để chăm sóc đặc biệt.

TS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: Trẻ chào đời nặng 500 gram được xác định nguy cơ cao viêm ruột hoại tử, khó khăn nuôi dưỡng, dễ mắc nhiễm trùng. Cho nên, các bác sĩ đã áp dụng chiến lược nuôi các bé sơ sinh cực kỳ nhẹ cân như đặt nội khí quản ngay từ đầu, massage sớm, cho ăn sớm… Trẻ được ăn sữa mẹ ngay từ đầu và ăn hoàn toàn đường tiêu hóa vào ngày thứ 12... Ban đầu các nhân viên y tế cho trẻ ăn từng giọt sữa một, mỗi lần ăn 10 giọt, ngày đầu tiên trẻ ăn 16 bữa. Cứ thế tỷ lệ sữa được điều chỉnh dần mỗi ngày.

Hôm Bệnh viện Phụ sản Trung ương công bố nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh nhẹ cân thì bé đã được 97 ngày tuổi (gần 40 tuần thai) và nặng 2.000 gram, có phản xạ bú tốt, siêu âm tim, siêu âm qua thóp chưa phát hiện bất thường; trẻ đã biết tự cười, massage thể hiện sự dễ chịu. PGS, TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết đây là trường hợp đặc biệt, ca bệnh rất phức tạp và khó của cả mẹ và bé.

Người mẹ không sống ở Việt Nam, nhưng quay lại Việt Nam và có duyên sinh con ra tại quê nhà. Việc nuôi dưỡng thành công cháu bé là kết quả của việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh hết sức ngặt nghèo, chặt chẽ của bác sĩ sản khoa, nhi khoa. Những nỗ lực của người thầy thuốc đã mang lại niềm vui cho gia đình cũng như y học nói chung và ngành sản khoa nói riêng.

Đón con từ tay PGS, TS Trần Danh Cường, chị Dung và chồng không giấu nổi xúc động. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, hai vợ chồng chị được làm cha, làm mẹ, được ôm ấp niềm hạnh phúc bé nhỏ. Tết này gia đình nhỏ chị Dung ở lại Việt Nam vừa đón chào năm mới, vừa để sức khỏe của cậu con trai thêm ổn định.

Sau hai tuần được điều trị tích cực, với sự quyết tâm của các y sĩ, bác sĩ, cháu bé P.T.M., 12 tuổi ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) được cứu sống một cách ngoạn mục và trở về vòng tay yêu thương của gia đình. Thành công của ca bệnh là sự phối hợp cấp cứu chuẩn tại cộng đồng, tuyến cơ sở và tuyến trung ương. Đó cũng là “món quà sự sống” cho gia đình em khi Tết đến, Xuân về.

Như nhiều buổi chiều khác, hôm đó em chơi đá bóng với các bạn cùng trường học với vai trò là thủ môn. Nhưng sau cú sút rất mạnh của đội bạn, quả bóng đã đập vào giữa ngực, ngay lập tức M. ngã gục xuống đất. Các bạn và cô giáo đưa em vào phòng bảo vệ sơ cứu. Thật may mắn, vào thời điểm đó anh C. (bố của M.) là lái xe vận chuyển cấp cứu đang trên đường về nhà nên chỉ mất 3 phút đã có mặt tại nơi con gặp nạn.

Vì nhiều lần trực tiếp chứng kiến các bác sĩ cấp cứu người bệnh, ngay lập tức anh đã tiến hành ép tim cho M. theo mỗi chu kỳ 15 lần ép tim và thổi ngạt hai lần. Các thao tác này tiếp tục được thực hiện trên xe cấp cứu chuyển con tới bệnh viện huyện. Khi vào tới phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương cháu vẫn trong tình trạng vô mạch trên điện tim, đồng tử giãn, nhưng ê-kip cấp cứu vẫn đặt nội khí quản và tiếp tục ép tim, bóp bóng, sử dụng adrenalin theo đúng phác đồ.

Sau gần một giờ đồng hồ cấp cứu liên tục, mạch rõ hơn; các bác sĩ duy trì thuốc trợ tim, hỗ trợ hô hấp và chuyển cháu M. lên tuyến tỉnh. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, sau khi ổn định được các dấu hiệu sinh tồn cũng như bàn bạc với gia đình M. tiếp tục được chuyển lên tuyến trên để tiếp cận với kỹ thuật cao sau cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương), M. được chẩn đoán suy đa tạng sau ngừng tuần hoàn kéo dài, trẻ được hỗ trợ tích cực chức năng các cơ quan bằng thở máy, sử dụng các thuốc trợ tim mạch, lọc máu liên tục, áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động, giữ thân nhiệt trong trạng thái 34oC trong vòng 48 giờ để bảo vệ não, kiểm soát chặt chẽ áp lực nội sọ… phòng tránh các biến chứng thứ phát.

Các bác sĩ, chuyên khoa tim mạch, thần kinh đã cùng hội chẩn và tiến hành các thăm dò chuyên sâu để tìm các căn nguyên khác gây ngừng tim, tuy nhiên chưa phát hiện được các bệnh lý thực thể.

Sau một tuần điều trị tích cực, em M. đã tỉnh lại và không có các dấu hiệu di chứng nào về tinh thần vận động. Tất cả mọi nhân viên y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương cùng gia đình vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến em M. khỏe mạnh hoàn toàn. Vì hơn ai hết, những người đã trực tiếp cấp cứu và điều trị cho M. đều hiểu rằng một giờ đồng hồ là quá dài trong cấp cứu ngừng tuần hoàn và khó có thể có sự sống trọn vẹn. Nhưng tất cả đã gạt bỏ suy nghĩ đó, giữ vững niềm tin và tiếp tục công việc để đưa bé trở lại nguyên vẹn với cuộc sống.

Qua trường hợp bé trai P.T.M. cho thấy việc cấp cứu ngừng tim đúng và kịp thời tại hiện trường và tại các tuyến y tế cơ sở góp phần không nhỏ trong việc điều trị thành công cho người bệnh ngừng tuần hoàn ngoại viện. Kỹ thuật này không khó thực hiện tại cộng đồng nhưng nhiều người dân còn chưa biết đến và bỏ qua thời gian vàng để mang sự sống trở lại cho bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người dân nên trang bị kiến thức, kỹ năng cấp cứu ngừng tim để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp các tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.