Niên vụ 2024 này, diện tích canh tác lúa-tôm ở Cà Mau hơn 37.100 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Thới Bình, với gần 19.000 ha. Ở ruộng lúa vào mùa nước ngọt này, nông dân phần đông nuôi xen canh tôm càng xanh theo hình thức tự nhiên, không sử dụng kháng sinh, hóa chất, thời gian thả nuôi đến thu hoạch khoảng 5 tháng.
Nông dân huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng xanh. |
Khi lúa bắt đầu chín và mặt nước chân ruộng rút dần cũng là lúc nhà nông thu hoạch tôm càng, thương lái vào tận nơi thu mua với giá từ 100.000-130.000 đồng/kg tôm sống, tùy kích cỡ.
Trong ruộng lúa hơn 1,5 ha, ông Nguyễn Minh Hiếu (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) hồ hởi cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch được hơn 500 kg tôm càng xanh, bán được hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 55 triệu đồng. Sau tôm là tới vụ thu hoạch lúa, ông không lo thiếu tiền ăn Tết.
Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình) thu hoạch tôm càng xanh bằng cách thức thủ công. |
Nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa ở Cà Mau còn gọi là mô hình “con tôm ôm cây lúa”, được đánh giá hiệu quả, phù hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trung bình, mỗi héc-ta sản xuất lúa-tôm, nông dân thu được lợi nhuận khoảng từ 80-100 triệu đồng/năm.
Thương lái vào tận nơi thu mua tôm càng xanh với giá từ 100.000-130.000đồng/kg, nông dân thu lời khoảng 40 triệu đồng/ha. |
Năng suất tôm càng xanh năm nay đạt từ 300-500kg/ha mặt nước, trừ chi phí nông dân thu lời bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha. Sau vụ tôm càng và trồng lúa, nông dân còn có thu nhập từ vụ nuôi tôm sú kết hợp với nuôi cua, tổng thu nhập ước đạt từ bằng đến hơn vụ lúa-tôm càng xanh. Nhờ canh tác hiệu quả, đời sống người dân vùng tôm-lúa của địa phương không ngừng phát triển theo chiều hướng tích cực.
Tôm càng xanh sau khi thu hoạch ở ruộng lúa được chuyển vào sân nhà rửa sạch trước khi bán cho thương lái. |