Đây là "đích” mới mà ngành BHXH phải tiếp tục “chinh phục”, sau khi hoàn tất mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 19/2014/NQ-CP là phấn đấu đến hết năm 2015 giảm số giờ giao dịch nộp BHXH, BHYT xuống chỉ còn 49,5 giờ/năm, tương đương với mức trung bình của các nước ASEAN 6.
Việc thực hiện các mục tiêu nêu trên là nhiệm vụ khá nặng nề đối với ngành BHXH, nhất là trong bối cảnh hệ thống chính sách pháp luật về BHXH liên tục có những điều chỉnh. Trong khi, số người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT không ngừng tăng cao, nhưng số cán bộ BHXH không tăng tương ứng và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngành vẫn còn nhiều hạn chế… Chính vì vậy, vấn đề cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) không chỉ được xem là nhiệm vụ, mà đã và đang trở thành nhu cầu tự thân, là một trong những giải pháp quan trọng để ngành BHXH vượt qua những khó khăn đang đặt ra.
Có thể thấy, BHXH Việt Nam hiện đang là cơ quan có trách nhiệm đảm đương khối lượng công việc rất lớn, từ thu, chi, đến giải quyết chế độ, quản lý Quỹ BHXH, BHYT; đầu tư Quỹ BHXH; đến công tác giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế. Theo tính toán, hiện nay, mỗi cán bộ ngành BHXH phải thực hiện quản lý, giải quyết chế độ cho 3.700 đối tượng từ khi sinh ra đến lúc qua đời. Năm 2015, bình quân một cán bộ thu phải quản lý 17.976 đối tượng tham gia (tăng hơn 2.829 đối tượng so với năm 2011 và cao hơn mức 10.000 đối tượng/ cán bộ thu theo định mức vị trí việc làm mà Bộ Nội vụ đã xây dựng); một cán bộ chính sách BHXH quản lý và giải quyết 4.150 hồ sơ (định mức xây dựng là 2.400 hồ sơ/người/năm); một cán bộ giám định BHYT phải quản lý, giám định khoảng 60.622 hồ sơ (định mức xây dựng là 40.000 hồ sơ/người/năm)… Nếu không có sự nỗ lực tự cải cách, ngành BHXH khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Xác định rõ điều đó, cho nên những năm qua, BHXH Việt Nam thường xuyên quan tâm tới công tác rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền ban hành theo hướng tạo thuận lợi cao nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT; triển khai mô hình “Một cửa”, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO trong toàn hệ thống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đã triển khai giao dịch điện tử đối với hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT thông qua Cổng giao dịch điện tử luôn bảo đảm thông suốt 24/24 giờ, kể cả vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết…
Có thể thấy, những phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp, người dân trong thời gian qua đã chứng minh cho những nỗ lực của ngành BHXH đang tạo nên những chuyển biến hết sức tích cực. Người dân có quyền tin vào những cải cách của ngành BHXH trong việc nỗ lực đạt những mục tiêu mới để chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.