Từ nhiều năm nay, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ được nhiều người biết đến với món cà dầm tương truyền thống. Đáng chú ý, từ khi cà dầm tương Tam Hiệp được đầu tư phát triển và công nhận nhãn hiệu tập thể thì sản phẩm xuất hiện ngày càng nhiều trong các siêu thị lớn, được nhiều khách hàng lựa chọn. Thu nhập của một số hộ dân, nhất là ở làng Hòa Thôn, cũng khấm khá hơn. Không chỉ có đặc sản tương cà, nghề may mặc ở xã Tam Hiệp thời gian gần đây đã góp phần “làm thay da đổi thịt” vùng quê vốn thuần nông. Xã Tam Hiệp trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm may mặc, đô thị phát triển, đời sống người dân nâng cao.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân xã Tam Hiệp, nghề may đã hình thành khoảng 40 năm trước, khi người dân nhận hàng về gia công thuê cho các cơ sở may mặc áo rét xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân chủ động đầu tư máy móc hiện đại, sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm, từ bình dân đến cao cấp, theo nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất may mặc, hàng trăm xe ô-tô phục vụ vận chuyển hàng hóa... Nhiều tỷ phú trẻ xuất hiện. Ước tính doanh thu từ nghề may mặc đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Tam Hiệp là xã duy nhất của huyện Phúc Thọ có tỷ trọng sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm hơn 95% trong cơ cấu phát triển kinh tế; tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chưa đến 5%.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ cho biết, xuất phát điểm của huyện khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới thấp so với các huyện khác của thành phố, nguồn lực đầu tư rất hạn chế. Vì thế, huyện Phúc Thọ lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các tiêu chí theo hướng bền vững, nhất là phát triển hạ tầng giao thông để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.
Đến nay, các sản phẩm tương cà Tam Hiệp, chuối Vân Nam, bưởi Vân Hà, thịt lợn sinh học Thọ Lộc, rau an toàn Xuân Phú, hành Võng Xuyên, trứng Phụng Thượng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Huyện Phúc Thọ có 67 sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP, giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ngày càng thuận lợi hơn. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 70 triệu đồng/năm. Từ nay đến cuối năm 2024, huyện Phúc Thọ phấn đấu có thêm ba xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, một xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến giữa năm 2025, toàn bộ người dân các xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ các nhà máy sản xuất.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong chín tháng qua, thành phố đã huy động hơn 26.640 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã trình hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Thanh Oai đã hoàn thiện hồ sơ và trình Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố; các huyện Thường Tín, Đan Phượng đang hoàn thiện báo cáo thẩm tra theo quy định.
Đối với cấp xã, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 49,2% tổng số xã toàn thành phố, vượt mục tiêu Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội đề ra đến năm 2025 có ít nhất 40% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, đến nay diện mạo nông thôn mới Hà Nội ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, thành phố luôn xác định, xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc, trong đó mục tiêu cuối cùng là nâng cao cuộc sống vật chất, tinh thần người dân.
Mới đây, tại hội nghị giao ban quý III năm 2024 của Ban chỉ đạo Chương trình số 04-Ctr/TU, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các huyện tập trung hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tập trung phát triển làng nghề, phát triển sản phẩm OCOP… Các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp cần khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp phát triển mạng lưới nước sạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm cung cấp nước sạch phục vụ người dân khu vực nông thôn.