Tuy nhiên, gần đây việc hàng nước ngoài tràn ngập thị trường trong nước đã trở thành điều đáng lo ngại, nếu không sớm giải quyết thì có thể dẫn đến hậu quả xấu bóp chết sản xuất nội địa, lãng phí ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến việc giải quyết công ăn việc làm và cải thiện đời sống nhân dân.
Vì thế, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách bảo vệ hàng nội địa và giải quyết các mặt bất hợp lý đang làm cho sản xuất nội địa gặp nhiều khó khăn.
Chúng ta không đóng cửa, bài ngoại, nhưng những mặt hàng nào trong nước sản xuất có thể đáp ứng đủ nhu cầu và các mặt hàng xa xỉ thì không nên nhập khẩu, phải có chính sách thuế đúng đắn để hạn chế và điều tiết.
Ngoại tệ nên ưu tiên dùng nhập nguyên liệu cho công nghiệp và nông nghiệp để phục vụ việc phát triển ba chương trình kinh tế. Đồng thời, cần có biện pháp tích cực, hữu hiệu chống việc buôn lậu hàng hóa qua biên giới đang gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, đặc biệt là nạn “chảy máu vàng”.
Chúng ta phải xây dựng ý thức bảo vệ hàng nội địa, xây dựng thói quen tiêu dùng hàng nội địa, phê phán tâm lý sùng bái hàng nước ngoài.
Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền giới thiệu những mặt hàng trong nước sản xuất được, đi đôi với việc không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng hàng hóa từ phía nhà sản xuất.
Tôi kêu gọi cán bộ, đảng viên và đồng bào nên ủng hộ và dùng hàng nội địa; dù chất lượng, hình thức có thua kém chút ít so với hàng nước ngoài, nhưng dùng hàng nội địa là ủng hộ sản xuất trong nước phát triển.
Sản xuất trong nước có phát triển thì chúng ta mới sớm khắc phục khó khăn kinh tế, sớm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Tiêu dùng hàng nội địa hiện nay là thể hiện cụ thể lòng yêu nước và tinh thần tự trọng của mỗi người Việt Nam chân chính.
N.V.L.
---------------
Báo Nhân Dân, số 12661, ngày 21/3/1989.