Cầu thủ Nguyễn Quang Hải xếp thứ hai trong mười VÐV tiêu biểu, đồng thời là cầu thủ được bầu chọn đoạt danh hiệu Quả bóng vàng năm 2018 của bóng đá nước nhà.
Thành tích nổi bật nhất của Bùi Thị Thu Thảo trong năm 2018 là giành Huy chương vàng (HCV) lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở nội dung nhảy xa tại Ðại hội thể thao châu Á - ASIAD 2018 với khoảng cách 6,55 m, tấm HCV đầu tiên của điền kinh nước ta tại đấu trường châu lục. Kết quả này có được từ một quá trình nỗ lực vượt khó và nghị lực phi thường của nữ VÐV mới 27 tuổi.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông dưới chân núi Ba Vì, Hà Nội, Bùi Thị Thu Thảo đã sớm bộc lộ năng khiếu thể thao. Thảo từng giành giải nhất ba môn: đá cầu, điền kinh, bơi lội của huyện và cũng vì vậy, gia đình đã quyết định cho Thảo đi thi thể thao cấp tỉnh của tỉnh Hà Tây (cũ). Tuy nhiên, lận đận mãi ở các nội dung chạy của điền kinh mà không có được thành tích cao hơn, tưởng chừng sự nghiệp thể thao chỉ đến thế, nhưng HLV Nguyễn Trọng Hổ đã nhìn thấy những tố chất của một tài năng và đưa Thảo sang tập luyện nhảy xa. Ðó chính là bước ngoặt quan trọng, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ và thăng hoa về thành tích của Bùi Thị Thu Thảo.
Mặc dù chỉ có chiều cao khiêm tốn 1,65 m so với các VÐV nhảy xa, nhưng bù lại, Thu Thảo lại được giới chuyên môn đánh giá có sức bật lớn cùng quyết tâm và tinh thần thi đấu tuyệt vời. Cách đây bốn năm, tại ASIAD 2014 ở In-chơn, Hàn Quốc, Thu Thảo đã bỏ lỡ ngôi vô địch khi chỉ về thứ nhì, đoạt Huy chương bạc (HCB) với thành tích 6,44 m. Thành tích nhảy xa nhất của “cô gái vàng” điền kinh Việt Nam là mức 6,68 m tại Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á - SEA Games 2017, giúp Thu Thảo đoạt HCV, đồng thời cũng lập kỷ lục quốc gia mới.
Cùng với HCV Ðại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016, HCV Giải vô địch điền kinh châu Á 2017 và HCV Giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á 2018, đã chuẩn bị cho sự đăng quang của một “Nữ hoàng nhảy xa” mới tại Á vận hội 2018 ở In-đô-nê-xi-a. Trong tám năm qua, Bùi Thị Thu Thảo còn giành được nhiều HCB, HCÐ tại các kỳ giải điền kinh, đại hội thể thao của châu lục và khu vực.
Tiền vệ mới 21 tuổi, cao 1,68 m của đội tuyển Việt Nam Nguyễn Quang Hải quê ở Ðông Anh, Hà Nội, do CLB bóng đá Hà Nội (trước đây là CLB Hà Nội T&T) đào tạo và đang thi đấu cho CLB này. Năm 2018, với những đóng góp xuất sắc, góp phần đưa đội tuyển U23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân U23 châu Á, cùng đội tuyển Ô-lim-pích Việt Nam vào bán kết ASIAD 2018 và là thành viên đội tuyển Việt Nam đoạt Cúp AFF Suzuki Cup 2018, đoạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải đấu, đoạt danh hiệu Quả bóng vàng 2018 và xếp thứ hai trong 10 VÐV tiêu biểu nhất toàn quốc. Anh cũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng ba do có thành tích đặc biệt xuất sắc cho các đội tuyển.
Nhìn lại một năm vừa qua, có thể thấy nỗ lực lao động của tiền vệ trẻ Quang Hải, anh thi đấu 60 trận, trung bình 1,66 trận/tuần, ghi được 20 bàn thắng ở cấp CLB và đội tuyển, là hiệu suất ghi bàn khá cao, khoảng ba trận lại có bàn thắng cùng rất nhiều tình huống kiến tạo thành bàn thắng cho đồng đội. Hình ảnh đẹp nhất, đồng thời cũng thể hiện khả năng kỹ thuật điêu luyện của Quang Hải là cú sút phạt trực tiếp với quỹ đạo hiểm hóc vào góc cao khung thành đội U-dơ-bê-ki-xtan trong trận chung kết U23 châu Á dưới trời mưa tuyết dày đặc của Thường Châu (Trung Quốc), được bầu chọn là bàn thắng đẹp nhất giải.
Tại các giải đấu châu lục và khu vực trong năm, Quang Hải luôn được đá đủ trận và trở thành một trong những trụ cột tạo nên lối chơi phòng ngự phản công cực kỳ hiệu quả của đội tuyển Việt Nam. Riêng tại Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2018, tiền vệ trẻ này thi đấu 24/26 trận đấu, ghi được chín bàn thắng, góp công lớn đưa đội Hà Nội FC đăng quang vô địch mùa giải vừa qua.
Trong lĩnh vực thể thao người khuyết tật, dẫn đầu danh sách VÐV xuất sắc nhất năm 2018 không thể ai khác là “kình ngư” 33 tuổi Võ Thanh Tùng, quê ở tỉnh An Giang. Sau những thành tích vang dội ở các kỳ đại hội khu vực và thế giới, Thanh Tùng vẫn xứng danh “kình ngư vàng” trên đường đua xanh của thể thao người khuyết tật Việt Nam khi giành ba HCV, lập kỷ lục châu Á và kỷ lục đại hội ASIAN Para Games 2018 tại In-đô-nê-xi-a ở các nội dung bơi 100 m tự do nam, 50 m bơi ngửa nam và 200 m tự do nam.
Ðây chỉ là một trong những kỳ tích nối tiếp mà VÐV Võ Thanh Tùng đã lập được trên các đấu trường châu lục và thế giới. Tại ASIAN Para Games 2014 ở Hàn Quốc, chính “kình ngư” này đã xuất sắc đoạt năm trong tổng số chín HCV của Ðoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam và gần đây nhất, tại Pa-ra-lim-pích Ri-ô 2016, anh cũng mang về một tấm HCB danh giá cho làng bơi nước nhà. Sau 10 năm theo đuổi sự nghiệp thể thao, Võ Thanh Tùng đã có một bộ 200 huy chương từ các giải đấu trong nước, khu vực, châu lục và thế giới.