Những vấn đề nóng của EU

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị bước vào Hội nghị cấp cao EU trong hai ngày 30-31/5, trong bối cảnh các thành viên trong “đại gia đình châu Âu” đang đối mặt hàng loạt vấn đề nóng và cả khối chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề quan hệ EU-Nga.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Cuộc chiến Nga-Ukraine đang đặt EU trước một loạt thách thức lớn như thiếu nguồn cung năng lượng, lạm phát tăng, bất đồng về quan điểm đối ngoại giữa các thành viên EU… Trước thềm cuộc họp cấp cao, hai thành viên EU gồm Italia và Hungary đề xuất EU công khai kêu gọi ngừng bắn tại Ukraine và tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. 

Tại một hội nghị các đại sứ EU vừa qua, Đại sứ của Italia đã đề nghị thay đổi nội dung dự thảo tuyên bố chung sau Hội nghị cấp cao, trong đó đề nghị nhắc đến hòa đàm và coi “ngừng bắn là một trong những mục tiêu hàng đầu của EU”. Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU và nhiều thành viên khác của khối này hiện vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Moskva. Trong một phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Nga và không đề cập gì đến hòa đàm. Trong khi đó, các nước Baltic và Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ quan điểm cứng rắn với Nga, Latvia thậm chí còn kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Các nước EU vẫn bất đồng về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cho đến nay, các cuộc thảo luận vẫn chưa đạt được đột phá do sự phản đối của Hungary. Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị cấp cao lần này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck nhận định rằng EU vẫn có thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga trong những ngày tới, hoặc tìm kiếm các công cụ khác. 

Bộ trưởng Habeck cho rằng, tất cả các nước thành viên EU phải giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, bao gồm cả Hungary. Nếu coi đây là cơ sở cho các cuộc thảo luận thì việc đạt được thỏa thuận tại Hội nghị cấp cao EU hoàn toàn khả thi. Để giải “bài toán năng lượng”, vừa qua EU đã phối hợp với Mỹ thuyết phục các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt tăng sản lượng, làm hạ nhiệt thị trường dầu khí thế giới.

Một vấn đề hóc búa khác mà các nhà lãnh đạo EU có thể phải thảo luận tại hội nghị lần này là việc kết nạp Ukraine vào khối. Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Clement Beaune khi phát biểu trên kênh phát thanh Radio J đã bày tỏ quan ngại rằng: “Chúng ta phải thành thật với nhau. Nếu nói rằng Ukraine sẽ gia nhập EU trong sáu tháng, hoặc 1 đến 2 năm tới, đó là nói dối. Quá trình này mất nhiều thời gian, có thể kéo dài 15 đến 20 năm”. 

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất về Cộng đồng chính trị châu Âu có liên kết lỏng lẻo hơn nhằm giúp đẩy nhanh việc kết nạp thành viên EU. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra không hào hứng với kế hoạch này, thay vào đó nhấn mạnh rằng cần “ngay lập tức bắt đầu các thủ tục để Ukraine gia nhập EU”.

Ngoài những vấn đề nan giải nêu trên, các nhà lãnh đạo EU còn cần tìm tiếng nói chung cho các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống quan trọng của châu Âu trong bối cảnh cuộc tiến công của Nga nhằm vào Ukraine đang gây quan ngại an ninh cho nhiều thành viên của EU, nhất là các nước Bắc Âu. Mặt khác, đại dịch Covid-19 vừa lắng xuống thì bệnh đậu mùa khỉ lại xuất hiện và “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế khu vực. Để tăng cường năng lực quốc phòng, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua chương trình làm việc thường niên thứ hai của Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) với nguồn kinh phí là 924 triệu euro. 

Theo đó, EC giải ngân nguồn vốn mới để đầu tư và nâng cao năng lực phòng thủ chiến lược. Để đối phó với nguy cơ dịch bệnh, ngay trước thềm hội nghị cấp cao lần này, các thành viên EU đã quyết định mua chung vaccine và thuốc kháng vi-rút chống bệnh đậu mùa khỉ vốn đang lây lan tại “lục địa già”. Theo đó, 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí rằng Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) sẽ thay mặt các nước này để sớm mua vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Các quy trình cụ thể sẽ được xác định với các quốc gia thành viên trong những ngày tới.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, “đại gia đình EU” đã liên tiếp hứng chịu và vượt qua các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như khủng hoảng nợ, khủng hoảng di cư, đại dịch Covid-19… Những thách thức về an ninh năng lượng, an ninh truyền thống và phi truyền thống nêu trên một lần nữa đang đòi hỏi EU đoàn kết để tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề khu vực và đưa EU vượt bão thành công.