Những trường đào tạo chương trình tiên tiến

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tuyển một lớp Tài chính để đào tạo theo chương trình tiên tiến. Năm 2006, trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tuyển 450 chỉ tiêu cho các ngành về Ngân hàng - Tài chính, gồm sáu chuyên ngành, trong đó có ngành Tài chính.

Mức điểm chuẩn của trường trong những năm gần đây có xu hướng tăng cao. Năm 2003 mức điểm chuẩn của ĐH Kinh tế quốc dân là 20,5 điểm cho tất cả các ngành. Thậm chí trong năm 2003 trường không tuyển đủ chỉ tiêu theo NV1 mà phải gọi thêm NV2. Đến năm 2004 chỉ có một ngành có điểm chuẩn ở mức 25,5 điểm, còn lại vẫn phổ biến ở mức 21,5 điểm đến 22,5 điểm. Nhưng đến năm 2005 ngành có mức điểm thấp nhất là 24,5 điểm và có những ngành đã có mức điểm chuẩn cao kỷ lục 27,5 điểm (các ngành về Tài chính, Kiểm toán, Ngân hàng).

ĐH Nông Nghiệp I cũng được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển một lớp đào tạo ngành Bảo vệ thực vật theo chương trình tiên tiến. Nhà trường sẽ tuyển một lớp (từ 45-50 sinh viên) từ những thí sinh có điểm cao đăng ký vào ngành học này để đào tạo theo chương trình tiên tiến. Ngành này tuyển sinh cả khối A và B. Năm 2006, trường sẽ tuyển 225 chỉ tiêu. Theo xu hướng chung, điểm chuẩn của trường ĐH Nông nghiệp I trong những năm gần đây cũng có xu hướng tăng, nhưng mỗi năm chỉ tăng khoảng 1 - 1,5 điểm. Điểm chuẩn năm 2005 vào ngành này là 18 điểm (khối A) và 19 điểm (khối B).

Nếu ngại mức điểm của những trường đại học trên thí sinh có thể dự thi vào trường ĐH Huế . Năm 2006, ĐH Huế được Bộ GD-ĐT giao đào tạo thí điểm một lớp (30 sinh viên) theo chương trình tiên tiến ngành Vật lý.

Ông Nguyễn Hoàng - Trưởng ban Đào tạo (Đại học Huế) cho biết: Năm 2006, ĐH Huế được Bộ GD-ĐT giao đào tạo chương trình tiên tiến ngành Vật lý. Năm 2006 sẽ tuyển khoảng 30 chỉ tiêu cho hệ đào tạo này. Hiện nhà trường đang xem xét chương trình của một số trường đại học của Mỹ để điều chỉnh cho phù hợp và đưa vào giảng dạy. Vì Bộ GD-ĐT chưa có quyết định chính thức về vấn đề học phí đối với hệ đào tạo này.

Theo ông Nguyễn Hoàng, nếu thu học phí để trang trải chi phí đào tạo thì mức học phí sẽ rất cao. Trong khi đó nhà trường lại muốn tuyển được những thí, sinh giỏi vào hệ đào tạo này. Tuy nhiên, qua những mùa tuyển sinh trước đây cho thấy những thí sinh thi đỗ điểm cao vào ĐH Huế phần nhiều lại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Hơn nữa, nếu thực hiện phương châm "thu học phí để trang trải chi phí đào tạo" thì cũng không thể thu hút được thí sinh vì như vậy mức học phí sẽ rất cao. Do vậy nhà trường sẽ tìm kiếm các nguồn hỗ trợ.

Đến nay nhà trường chưa tính toán được các khoản chi phí, do vậy chưa đưa ra được một mức học phí cụ thể. Tuy nhiên, mức học phí của những sinh viên theo học hệ này có thể sẽ cao hơn sinh viên đại trà nhưng ở mức vừa phải. Ngoài ra, trường cũng có thể có những chính sách hỗ trợ về học bổng cho những sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường sẽ tuyển những thí sinh thi khối A đậu vào bất kỳ ngành học nào của ĐH Huế theo tiêu chí: Có điểm thi cao, có nguyện vọng theo hệ đào tạo này.

Trường ĐH Huế có 7 trường ĐH thành viên và một Khoa trực thuộc. Tất cả có 20 ngành tuyển sinh bằng khối A. Mức điểm chuẩn những năm trước cũng ở mức trung bình. Cụ thể, Đại học Khoa học có sáu ngành thi khối A thì mức điểm chuẩn năm 2005 từ 15- 19 điểm. Đại học Kinh tế có 5 ngành thi khối A, mức điểm chuẩn từ 15,5 cho đến 23,5 điểm. ĐH Nông Lâm có ba ngành khối A, điểm chuẩn năm 2005 đều ở mức 15 điểm. Đại học Y chỉ có một ngành thi khối A (Dược sĩ) có mức điểm chuẩn, là 24,5 điểm. ĐH Sư phạm cũng có năm ngành thi khối A, điểm chuẩn 2005 từ 15 đến 14 điểm (trong đó ngành Sư phạm Vật lý là 18 điểm).

Ông Nguyễn Hoàng Việt - Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết: Năm 2006, ĐH Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT giao thí điểm chương trình tiên tiến ngành Điện tử - Viễn thông. Nhà trường sẽ chọn chương trình của một trường đại học có uy tín ở Mỹ để áp dụng đào tạo. Hiện nhà trường đã cử cán bộ đi Mỹ để nghiên cứu chương trình. Trường ĐH Đà Nẵng sẽ tuyển sinh viên hệ này bình thường như những ngành khác. Cụ thể, tất các những thí sinh thi đỗ vào ngành Điện tử - Viễn thông của ĐH Đà Nẵng năm nay đều được học theo chương trình tiên tiến. Mức học phí cũng tương tự như các sinh viên đại trà. ĐH Đà Nẵng có 5 trường ĐH thành viên, tuy nhiên ngành Điện tử - Viễn thông chỉ tuyển sinh và đào tạo tại trường ĐH Bách Khoa. Điểm chuẩn của ngành Điện tử - Viễn thông của trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thường đứng vào "tốp một" trong cả nước. Năm 2005 mức điểm chuẩn là 24,5.

Có thể bạn quan tâm