Những trào lưu du lịch mới

Từ chỗ buộc phải thay đổi cách thức du lịch do dịch Covid-19, nhiều người phát hiện ra điều thú vị mới, nổi trội trong đó là trào lưu du lịch glamping (cắm trại cao cấp).
0:00 / 0:00
0:00
Khu cắm trại Vườn Chill Glamping Land thu hút giới trẻ.
Khu cắm trại Vườn Chill Glamping Land thu hút giới trẻ.

Hình thức du lịch này mang lại trải nghiệm độc đáo, khác biệt, đưa khách hàng đến gần với thiên nhiên mà vẫn được tận hưởng những dịch vụ cao cấp. Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng chục điểm cắm trại cao cấp ở khu vực nội thành và ngoại thành.

Cắm trại, tận hưởng không gian xanh, gần gũi thiên nhiên không phải điều mới lạ. Tuy nhiên, cắm trại trong những không gian “ba sao”, “bốn sao” lại là điều chưa phải ai cũng được trải nghiệm. Nhưng đây là xu hướng du lịch mới trên địa bàn Hà Nội. Glamping là thuật ngữ được ghép từ hai từ tiếng Anh là glamorous (sang trọng) và camping (cắm trại).

Nếu như đi cắm trại thông thường, du khách sẽ phải tự chuẩn bị lều trại, củi lửa, đồ dùng, thực phẩm…, thì với glamping, khách chỉ cần chọn địa điểm, đặt chỗ, là có thể được phục vụ chu đáo mọi tiện nghi giường, tủ, đệm, với khu vệ sinh sạch sẽ, thiết bị đuổi côn trùng… Thậm chí, có những khu glamping trang bị cả hệ thống điều hòa, lò sưởi hay buồng tắm...

Điều khác biệt là nơi nghỉ ngơi là những lều trại cỡ lớn, giúp khách có không gian riêng biệt mà gần với thiên nhiên. Chị Hà Minh Anh (phố Núi Trúc, quận Ba Đình) là người “mê” du lịch glamping. Chị cho biết: “Đợt dịch bệnh năm ngoái, gia đình tôi muốn đi du lịch mà ít tương tác với người khác cho nên đã chọn cắm trại. Tôi rất bất ngờ vì các dịch vụ đi kèm rất tiện nghi. Sau đó tôi đã cùng gia đình có nhiều trải nghiệm ở những địa điểm khác nhau. Mọi người ai cũng thích khi có trải nghiệm mới lạ”.

“Bắt sóng” trào lưu này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Hà Nội đã nhanh chóng mở thêm dịch vụ mới, hoặc tổ chức những địa điểm mới. Ngay tại nội thành, khách cũng được phục vụ tại một số địa điểm như: Vietgangz Glamping Club (phố Ngọc Thụy, quận Long Biên), Sixdoong Cafe & Camping (quận Tây Hồ) hay Picnic Cafe & BBQ (quận Ba Đình)…

Trong đó, bất ngờ nhất là khu Picnic Cafe & BBQ. Khu cắm trại này nằm trên tầng 7 của tòa nhà Lotte Center. Tại đây, khách sẽ có một không gian yên bình ngay trong lòng đô thị, được ngắm thành phố từ trên cao. Ở khu vực ngoại thành, dịch vụ glamping phổ biến hơn rất nhiều. Một số khu nghỉ dưỡng nắm bắt xu thế này và cung cấp thêm loại hình cắm trại “sang chảnh”.

Điển hình như khu Là Nhà Glamping (huyện Đông Anh), Sao Đen Camping Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì), Vườn Chill Glamping Land (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ), Nista Bubble Villa (huyện Sóc Sơn)… Mỗi khu glamping này đều có nét riêng thu hút khách. Vườn Chill Glamping Land nằm bên bờ hồ Đồng Sương với không gian tràn ngập cây xanh và các loại hoa, vốn được mệnh danh là Đà Lạt thu nhỏ giữa lòng Hà Nội.

Còn Là Nhà Glamping là khu cắm trại Glamping đầu tiên tại Hà Nội, cung cấp dịch vụ trải nghiệm cắm trại với đầy đủ tiện ích. Lợi thế của Là Nhà Glamping chính là không gian tự nhiên và khá gần trung tâm thành phố. Khu vực các huyện Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây… có cảnh quan đẹp, cũng là những khu vực đang “nở rộ” các khu du lịch glamping.

Thông thường, tại những khu vực này, khách sẽ mất một khoản phí vào cổng, sau đó sẽ trả phí các loại dịch vụ mà mình sử dụng. Ẩm thực tại những khu glamping cũng khá phong phú, nhưng nhiều người lựa chọn nhất là tổ chức các bữa tiệc nướng ngoài trời. Du lịch glamping được giới trẻ đặc biệt ưa thích.

Mặc dù glamping được xem là một trào lưu du lịch “xanh”, thân thiện với môi trường, đem lại cho khách những trải nghiệm thú vị; nhưng thực tế hiện nay, trào lưu này cũng có không ít bất cập. Đó là việc chưa có “chuẩn” về điều kiện cơ sở vật chất đối với glamping.

Điều này khiến không ít khách hàng “mua nhầm” sản phẩm do đơn vị kinh doanh chào hàng một đằng, cung cấp dịch vụ một nẻo. Bên cạnh đó, do cắm trại tại những nơi gần gũi thiên nhiên, việc xả rác của một số khách hàng cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Giám đốc Công ty Du lịch Vietscense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết: “Để phát triển glamping một cách bền vững, chính quyền địa phương cần xác định tiềm năng, không gian và điều kiện cảnh quan để quy hoạch bài bản, tránh phát triển tràn lan, chạy theo xu hướng mà quên đi giá trị cốt lõi của địa phương.

Về phía cơ quan quản lý du lịch, cần có quy định, quy chuẩn và tiêu chí cụ thể đối với loại hình camping và glamping. Cơ quan bảo vệ môi trường cần có hướng dẫn chi tiết cùng các yêu cầu về điều kiện hạ tầng để nhà đầu tư cam kết không gây ảnh hưởng đến môi trường”.