Những tư liệu về Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 được trưng bày trong chủ đề "Hào khí phương Nam - Thành phố phát triển" trên Ðường hoa Nguyễn Huệ tại lễ hội Ðường sách Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Với hơn 50 hình ảnh, tư liệu về Xuân Mậu Thân 1968 và được chia làm ba nội dung: Công tác chuẩn bị, diễn biến và ý nghĩa của Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968, không gian trưng bày đặc biệt này đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Những hình ảnh, tư liệu gắn liền với nhân vật, sự kiện trong từng mảng hoạt động của lực lượng cách mạng Sài Gòn - Gia Ðịnh đã làm sống lại ký ức nửa thế kỷ về Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968 của dân tộc.
Dừng lại khá lâu trước gian trưng bày, bà Nguyễn Thị Lệ, ngụ quận 8, cầm quyển sách về Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 xem một cách chăm chú. Bà Lệ cho biết, hai năm nay, cứ đến Tết là bà đến Ðường hoa và Ðường sách Nguyễn Huệ để hòa cùng người dân thành phố đón Xuân. Năm nay, Ðường sách để lại cho bà nhiều cảm xúc khi ban tổ chức thực hiện gian trưng bày về tư liệu Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968. Từng quyển sách, từng hình ảnh được trưng bày đã gợi cho bà nhớ lại những ngày chiến đấu sôi nổi năm xưa. Ðã trải qua những thời khắc khốc liệt của chiến tranh trong mùa Xuân cách đây 50 năm cho nên bà Lệ hiểu được giá trị đặc biệt của những tư liệu này. "Mỗi trang sách đều nhắc tôi về năm tháng hào hùng nhưng cũng đầy đau thương của mùa Xuân 1968, hình ảnh những đồng đội đã hy sinh lại ùa về trong tôi", bà Lệ ngậm ngùi.
Trong không gian trưng bày tại Lễ hội Ðường sách Tết Mậu Tuất 2018, người đọc có thể tìm thấy những cuốn sách hay về Tết Mậu Thân 1968 đã xuất bản trước đây, nay được tái bản lại và bổ sung thêm nhiều tư liệu mới như: Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân 1968 của Nhà xuất bản (NXB Trẻ); Tết (tác giả Don Oberdorfer, NXB Tổng hợp); Anh hùng biệt động (tác giả Thanh Giang, NXB Văn hóa - Văn nghệ)… Những tác phẩm trên chứa đựng những thông tin bổ ích và giá trị cho thế hệ hôm nay.
Tác phẩm Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân 1968 cho người đọc cái nhìn khá toàn diện về tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Ðịnh trong những ngày TTC-ND. Ðó là những người trẻ hòa nhịp với phong trào chung của nhân dân, đã thể hiện xuất sắc vai trò vừa là ngòi nổ, vừa là lực lượng xung kích trong phong trào đấu tranh đô thị. Những câu chuyện được các nhân chứng lịch sử kể lại đã mở ra cho thế hệ trẻ hôm nay cái nhìn về không khí sôi sục của tuổi trẻ Sài Gòn- Gia Ðịnh trong phong trào học sinh, sinh viên chuẩn bị cho Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968; về những bài ca bất khuất được viết từ máu của những người trẻ Sài Gòn như Hồ Hảo Hớn, Lê Thị Bạch Cát, Võ Thị Bua,…
Riêng tác phẩm Tết của Don Oberdorfer, từng là phóng viên tờ Washington Post đến miền nam Việt Nam từ năm 1965, là cái nhìn của chính người Mỹ về Tết Mậu Thân 1968. Theo Don Oberdorfer, đối với người Mỹ, mỗi khi nhắc từ "Tết" người ta sẽ liên tưởng ngay tới Cuộc Tổng tiến công vào dịp Tết Nguyên đán năm 1968 ở miền nam Việt Nam. Chính vì thế, ông đã lấy "Tết" làm tựa cho cuốn sách của mình. Tác giả đã chấp bút viết nên bản thảo "Tết" ngay khi trở về Mỹ năm 1970 khi cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 kết thúc chưa lâu, những nhân chứng chưa biến mất và ký ức về cuộc tiến công chưa kịp phai nhạt cho nên những gì Don Oberdorfer miêu tả trong sách đều rất sinh động và chi tiết. Ðến nay, cuốn sách này vẫn được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất của người Mỹ viết về Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968.
Trong những cuốn lần đầu phát hành viết về Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 năm nay, tập truyện ký Chuyện năm 1968 (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Nhà văn Trầm Hương gây ấn tượng mạnh với những câu chuyện chân thật, cảm động về những người phụ nữ Sài Gòn - Gia Ðịnh, người phụ nữ Nam Bộ trong ngày tháng lịch sử ấy. Từ các chuyến đi chỉ với một "trái tim đa cảm, dũng cảm gõ từng cánh cửa" nhiều năm trời, Nhà văn Trầm Hương đã phác họa những "bà chúa kho" dũng cảm canh giữ vũ khí ngay trong nội ô Sài Gòn chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công, những nữ giao liên, những chị du kích đã sẵn sàng hy sinh thân mình để làm nên Bản hùng ca Xuân 1968…
Đọc từng tấm gương phụ nữ dũng cảm trong Chuyện năm 1968, bà Phùng Thị Ngọc Lệ như thấy hình ảnh của mình cách đây 50 năm. Trong Tết Mậu Thân 1968, bà Lệ cũng tham gia vận chuyển lương thực chuẩn bị cho trận đánh vào Nhơn Trạch, Ðồng Nai. "Những phụ nữ chúng tôi khi ấy không sợ cái chết, chỉ cố gắng hết sức để làm tốt nhiệm vụ của mình với mong muốn Cuộc Tổng tiến công sẽ đạt nhiều thắng lợi", bà Phùng Thị Ngọc Lệ chia sẻ.
Không chỉ riêng với bà Phùng Thị Ngọc Lệ, những tác phẩm về mùa Xuân 1968 lịch sử có giá trị mãi mãi, là những bài học quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau. Ðó cũng là suy nghĩ của nhiều độc giả khi đọc từng dòng chữ trong những cuốn sách về Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 trong dịp Tết này…