Những trận đánh tại Tuyên Quang khiến quân Pháp khiếp sợ trong Chiến dịch Thu-Đông năm 1947

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, Tuyên Quang trở thành nỗi kinh hoàng của giặc Pháp với những trận đánh đã đi vào lịch sử. Những trận đánh liên tiếp trên trên các tuyến đường bộ đã giáng cho thực dân Pháp những đòn chí tử, góp phần quan trọng đập tan cuộc tấn công đầy tham vọng của đội quân viễn chinh Pháp, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu chiến binh và nhân dân xã Trung Môn, huyện Yên Sơn đến thăm di tích Bia chiến thắng Km7.
Cựu chiến binh và nhân dân xã Trung Môn, huyện Yên Sơn đến thăm di tích Bia chiến thắng Km7.

Chiến thắng Bình Ca đánh dấu chuyển biến quan trọng về tình hình chiến cuộc, là chiến thắng mở đầu cho những chiến công vang dội trên mặt trận sông Lô. Sau thất bại ở Bình Ca, ngày 13/10/1947, quân Pháp tiến công đánh chiếm thị xã Tuyên Quang. Để thực hiện hội quân theo kế hoạch, Pháp chia quân thành 2 mũi: một theo đường số 2 tiến sâu vào Việt Bắc; một theo đường sông Lô, sông Gâm tiến lên Đài Thị.

 Những trận đánh tại Tuyên Quang khiến quân Pháp khiếp sợ trong Chiến dịch Thu-Đông năm 1947 ảnh 1

Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm chiến thắng chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông tại Km7, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu)

Sáng 15/10/1947, Pháp cho một đại đội vượt ghềnh Quýt tiến lên Yên Lĩnh, nhưng vừa ra khỏi thị xã Tuyên Quang, Pháp đã lọt vào trận địa phục kích, bộ đội Trung đoàn 112 đã tiêu diệt và làm bị thương gần 30 tên. Pháp buộc phải rút về đền Thượng. Mặc dù vậy, từ ngày 15/10 đến ngày 18/10/1947, theo đường bộ và đường thủy (sông Lô, sông Gâm), một bộ phận quân Pháp vẫn tới được Chiêm Hóa, định lên Đài Thị để hội quân với cánh quân phía đông từ Bắc Kạn kéo xuống.

Trước tình hình đó, sau khi để lại một bộ phận tiếp tục đánh địch xung quanh thị xã Tuyên Quang, một bộ phận lớn lực lượng của ta được điều gấp lên Chiêm Hóa phối hợp cùng Tiểu đoàn 718 thuộc Trung đoàn 112, từ Hà Giang về đánh chặn địch. Ngày 18/10/1947, quân và dân Tuyên Quang đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực phục kích chặn đánh mũi tiến quân của quân Pháp từ huyện lỵ Chiêm Hóa để tiến lên Đài Thị tại Bản Heng. Trận phục kích tại Bản Heng diễn ra nhanh gọn và giành thắng lợi giòn giã, góp phần bẻ gẫy cuộc hành quân phía Tây của thực dân Pháp. Quân ta tiêu diệt 38 tên Pháp, trong đó có một đại úy và làm bị thương 42 tên khác, thu được một số vũ khí và trang bị quân sự của địch.

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch hội quân ở Đài Thị, theo đường bộ quân Pháp điều quân từ thị xã Tuyên Quang lên ứng cứu cho quân ở Chiêm Hóa. Nắm được kế hoạch hành quân của địch, đội tự vệ Thành Tuyên đã bố trí một trận địa phục kích bằng địa lôi tại Km số 7 trên quốc lộ 2 đường Tuyên Quang - Hà Giang. Đây là tuyến đường độc đạo, quanh co, có nhiều dốc và cầu cống; hai bên đường là rừng cây rậm rạp gồm tre, nứa, giang và nhiều cây cổ thụ. Theo kế hoạch phục kích, đội tự vệ Thành Tuyên đã vận chuyển 4 quả bom loại 100 kg tới làm địa lôi ở đoạn Km 7, mỗi quả địa lôi được chôn cách nhau 100m, bán kính sát thương của mỗi quả là 50m. Tham gia trận đánh có 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Chi trực tiếp chỉ huy, mỗi đồng chí được trang bị 1 khẩu súng trường.

 Những trận đánh tại Tuyên Quang khiến quân Pháp khiếp sợ trong Chiến dịch Thu-Đông năm 1947 ảnh 2

Bia di tích chiến thắng cầu Cả, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Sáng 22/10/1947, 500 quân Pháp do tên quan tư Lơgiốt chỉ huy có khoảng 50 con lừa, ngựa chở theo vũ khí đạn dược và lương thực, thực phẩm từ thị xã Tuyên Quang hành quân lên Chiêm Hóa. Đến Km 6, vì cầu bị đánh sập, chúng phải lội qua suối. Khoảng 9 giờ 30 phút, lúc này sương sớm đã tan, quân địch đi đến cây cầu đã bị đánh sập, từng tên một phải dò dẫm đi qua cầu. Chớp thời cơ, đội tự vệ Tuyên Quang đã phục kích địch, tiêu diệt 72 lính Pháp, làm chết hơn hai chục lừa ngựa, thu 1 đại liên, 1 súng cối và nhiều quân trang, quân dụng khác. Trên đường tháo chạy về thị xã Tuyên Quang, quân Pháp lại bị bộ đội thuộc Tiểu đoàn 508 phục kích tiêu diệt gần 30 tên. Chiến thắng ở Km 7 đã gây cho Pháp nỗi kinh hoàng. Quân Pháp hết sức kinh sợ và gọi trận phục kích này bằng cái tên “Tiếng nổ của hoả ngục”. Đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá đây là một trong 10 trận thắng lớn của Chiến dịch Việt Bắc.

Từ ngày 03/11/1947, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Chiêm Hóa bằng đường thủy và đường bộ. Ta chủ trương tiếp tục truy kích tiêu diệt địch, bố trí các trận địa phục kích trên đường địch rút quân. Chiều ngày 05/11/1947, dân quân du kích xã Yên Nguyên, Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa đã phối hợp với Tiểu đoàn 718 thuộc Trung đoàn 112 tổ chức phục kích quân Pháp, địa điểm cách cầu Cả khoảng 500m. Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt, trận đánh kết thúc. Khoảng 100 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, một số khác bị thương. Quân ta thu được nhiều tiểu liên, súng trường, cối 81, đạn dược và đồ dùng quân sự. Chiến thắng Cầu Cả đã góp phần bẻ gẫy gọng kìm phía Tây của địch, đẩy quân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động.

 Những trận đánh tại Tuyên Quang khiến quân Pháp khiếp sợ trong Chiến dịch Thu-Đông năm 1947 ảnh 3
Địa điểm Cầu Cả, ảnh chụp từ trên cao, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt giữa quân ta và quân Pháp cách đây 76 năm.

Nhà văn Phù Ninh, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử để viết những cuốn tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết lịch sử. Ông cho biết: quân và dân Tuyên Quang đã có những đóng góp quan trọng trong chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947. Làm cho quân Pháp không đạt được bất kể mục tiêu nào, đánh dấu sự thất bại trong chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, khẳng định niềm tin và đặt tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua những trận thắng trên các mặt trận, đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân, dân cả nước. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc vai trò là Thủ đô kháng chiến, bảo vệ được Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ sở kháng chiến.