Những trái ngọt đầu mùa của Giải thưởng Văn học thiếu nhi Kim Đồng

NDO - Tính đến nay, Nhà xuất bản Kim Đồng đã có 2 đợt ra mắt các ấn phẩm được lựa chọn từ tác phẩm dự thi Giải thưởng Văn học thiếu nhi Kim Đồng lần thứ nhất. Đây chính là những trái ngọt đầu tiên của một mùa giải báo hiệu nhiều thành công lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Sách là bạn tốt nhất của trẻ em.
Sách là bạn tốt nhất của trẻ em.

Một “cú hích” đúng lúc và kịp thời

Giải thưởng văn học Kim Đồng và Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025 được phát động vào ngày 30/5/2023. Giải thưởng nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của đông đảo các tác giả, đặc biệt là những cây bút kỳ cựu viết cho thiếu nhi, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Trần Đức Tiến, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng phát biểu rằng, cuộc sống của các nhà văn không xoay quanh các giải thưởng, không có các giải thưởng thì họ vẫn viết, vì niềm đam mê sáng tạo, lòng yêu nghề. Tuy nhiên, giải thưởng cũng tạo ra niềm vui, sự khích lệ với các nhà văn vì họ được công nhận nỗ lực làm nghề, nhất là những người viết cho thiếu nhi. Cho nên, ông cho rằng, các giải thưởng văn học thiếu nhi càng nhiều càng tốt.

Những trái ngọt đầu mùa của Giải thưởng Văn học thiếu nhi Kim Đồng ảnh 1

Cuộc vận động sáng tác đã thu hút nhiều tác giả trẻ, tên tuổi.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trẻ em bị thu hút bởi ngày càng nhiều loại hình giải trí hấp dẫn, và việc đọc sách ở các em cũng dần ít đi. “Những giải thưởng như thế này xuất hiện một cách kịp thời, đúng lúc, khơi dậy hứng thú, cảm xúc cho nhiều người viết. Các cuộc thi văn chương có ý nghĩa thúc đẩy phát triển mảng sách thiếu nhi, giúp khơi dậy hứng thú của nhiều cây bút, thôi thúc họ nghiêm túc ngồi vào bàn viết lách" – ông nhấn mạnh.

Còn đối với nhà văn Phạm Ngọc Tiến, ban đầu ông không nghĩ đến việc viết cho độc giả nhỏ tuổi: “Tôi đã nghĩ là mình già rồi, làm sao viết được cho thiếu nhi”. Nhưng sau đó, ông đã tham gia một cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi cũng của Nhà xuất bản Kim Đồng và giành giải A, cách đây gần 40 năm.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, sự kết nối xuất bản giữa biên tập viên và tác giả rất quan trọng. Sự chăm sóc, gợi mở, kết nối của biên tập viên trong các cuộc vận động sáng tác là một trong những bí quyết thành công, bên cạnh đam mê riêng, bút lực riêng, định hướng sáng tác riêng.

Còn đối với nhà văn Trần Đức Tiến, người vừa nhận danh hiệu Hiệp sĩ Dế Mèn của giải thưởng Dế Mèn năm 2023, sáng tác cho các em vẫn còn tiềm năng rất lớn. Các giải thưởng viết văn cho thiếu nhi cũng chính là khai thác nguồn tiềm năng đó.

Nhà văn Trần Đức Tiến cho rằng, những cuộc vận động sáng tác như thế này, đặc biệt là của Nhà xuất bản Kim Đồng chắc chắn sẽ khích lệ các tác giả rất nhiều, sẽ kêu gọi, gợi mở được họ hưởng ứng, viết cho thiếu nhi.

Những “trái ngọt” đầu tiên

Qua tròn 1 năm tổ chức, Giải thưởng văn học thiếu nhi Kim Đồng đã có những “trái ngọt” đầu tiên. Hai đợt xuất bản với khoảng 14 đầu sách, gồm cả truyện ngắn, truyện dài, thơ của các tác giả cả chuyên nghiệp và không chuyên, trong đó có nhiều nhà văn tên tuổi, đã cho thấy những kết quả tích cực ban đầu.

Cuối tháng 3, 5 tác phẩm đầu tiên dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất (2023-2025) đã được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản giới thiệu với bạn đọc. Đó là Quà Tết của rừng xanh (Hồng Chiến), Cánh diều hình nốt nhạc (Niê Thanh Mai), Mùa động rừng (Sương Nguyệt Minh), Nhẩy lên và hét (Phong Điệp) và Đại náo nhà ông ngoại (Nguyễn Xuân Thủy).

Những trái ngọt đầu mùa của Giải thưởng Văn học thiếu nhi Kim Đồng ảnh 2

Các tác phẩm dự giải được xuất bản.

Ở đợt thứ hai vào dịp Tết Thiếu nhi 1/6, Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm dự giải gồm: “Hải Âu đi tìm cha” (Nguyễn Thu Hằng), “Nết Na và Cù Nhây” (Yên Khương), “Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh” (Lê Đức Dương), “Những đám mây ngoan” (Vũ Thị Huyền Trang), “Lạc khỏi ngân hà” (Yên Yên), “Cậu bé Bi Đất” (Bôn Đông Huân), “Bạn có thích làm mèo” (Đ.T. Hoài Thư) và 2 tập thơ: “Hạt bắp vỗ tay” (Nguyễn Thánh Ngã), “Chú dế đêm trăng” (Mai Quyên).

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, khép lại 1 năm kể từ khi phát động cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi giải thưởng Kim Đồng, tính đến nay đã có khoảng 300 tác phẩm được gửi dự thi.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì đến nay trong số gần 300 tác phẩm này có khoảng 1/3 là thơ, 1/3 là truyện dài, còn lại là truyện ngắn. Số lượng truyện dài đang nhỉnh hơn truyện ngắn. Cũng trong 1 năm vừa rồi, bên cạnh việc tuyên truyền, giới thiệu về giải thưởng, chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều cuộc gặp mặt các tác giả ở các vùng miền khác nhau. Nhà xuất bản đã đến thăm và có các cuộc gặp gỡ với các hội văn nghệ ở Quy Nhơn, Hải Dương, Gia Lai, An Giang. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các hội văn nghệ ở Đà Nẵng và Quảng Nam”.

Những trái ngọt đầu mùa của Giải thưởng Văn học thiếu nhi Kim Đồng ảnh 3

Tác phẩm dự giải được xuất bản với hình thức và minh họa rất đẹp.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên cũng cho biết, ngoài việc nhận được các tác phẩm, Ban tổ chức đã có chọn lọc sơ bộ và đã chọn được khoảng 20 tác phẩm đưa vào kế hoạch xuất bản. Đến nay, đã có khoảng 15 tác phẩm đã ra mắt bạn đọc, được xếp vào một loại riêng là Các tác phẩm tham dự giải thưởng văn học Kim Đồng. Các tác phẩm này đều được minh họa và trình bày rất đẹp.

Theo Tổng Biên tập Vũ Thị Quỳnh Liên, cuộc vận động lần này thu hút được khá đông đảo các nhà văn tên tuổi sáng tác. Về nội dung tác phẩm dự thi, cho đến nay, chủ yếu các tác giả vẫn đang phát huy thế mạnh của mình ở mảng truyện sinh hoạt, đời sống thường ngày. Nhưng bên cạnh đó, có nhiều tác giả, đặc biệt là các tác giả trẻ đang có xu hướng sáng tác các tác phẩm có tính giả tưởng, phiêu lưu. Trong kế hoạch xuất bản, Nhà xuất bản cũng đã lựa chọn các tác phẩm này. “Chúng tôi hy vọng các độc giả sẽ tìm đọc các tác phẩm này để cùng chúng tôi lựa chọn các tác phẩm hay nhất” – bà Vũ Thị Quỳnh Liên nói.