Những tổng thống và ứng viên tổng thống Mỹ từng bị ám sát

NDO - Vụ nổ súng trong cuộc vận động tranh cử của ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa là vụ ám sát đầu tiên tại Mỹ nhằm vào một tổng thống hoặc ứng cử viên tổng thống kể từ khi Tổng thống Ronald Reagan bị ám sát vào năm 1981.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường hỗn loạn trong vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan, năm 1981. (Ảnh: Reuters)
Hiện trường hỗn loạn trong vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan, năm 1981. (Ảnh: Reuters)

Ông Donald Trump (năm 2024)

Ngày 13/7/2024, cựu Tổng thống Trump đã bị thương sau khi tiếng súng xuất hiện trong cuộc vận động tranh cử của ông tại bang Pennsylvania. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định vụ việc này là âm mưu ám sát và công bố Thomas Matthew Crooks (20 tuổi, đến từ Pennsylvania) là "đối tượng liên quan".

Ưu tiên của lực lượng điều tra lúc này là xác định động cơ của vụ nổ súng và tìm ra những người dính líu đến vụ việc (nếu có).

Ông Ronald Reagan (năm 1981)

Sau khi rời một sự kiện được tổ chức tại khách sạn Hilton, Washington, Tổng thống Reagan đã bị thương nặng do trúng đạn. Đối tượng thực hiện vụ tấn công này là John Hinckley Jr. Người này đã được trả tự do vô điều kiện vào năm 2022.

Tổng thống Reagan đã phải điều trị trong bệnh viện 12 ngày. Ông trở nên nổi tiếng hơn nhờ tính hài hước và sự bền bỉ trong quá trình phục hồi.

Ông Gerald Ford (năm 1975)

Tháng 9/1975, chỉ trong vòng 17 ngày, Tổng thống Ford đã may mắn thoát khỏi hai vụ ám sát khác nhau. Những người thực hiện hai vụ việc này là nữ giới.

Ông George Wallace (1972)

Trong chiến dịch vận động để được nhận đề cử ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, ông Wallace đã bị bắn bốn phát trong một trung tâm mua sắm tại Laurel, bang Maryland. Sau đó, ông đã bị liệt suốt phần đời còn lại.

Robert F. Kennedy (năm 1968)

Ông Robert, em trai của Tổng thống John F. Kennedy, đã bị bắn và tử vong tại khách sạn Ambassador Hotel ở thành phố Los Angeles, bang California.

Vào thời điểm bị ám sát, ông Robert đang chạy đua để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.

John F. Kennedy (năm 1963)

Ông Kennedy bị Lee Harvey Oswald, một cựu lính thủy đánh bộ bắn khi ông đang ngồi trên ô-tô cùng Đệ nhất phu nhân Jackie tại thành phố Dallas, bang Texas.

Theo kết luận điều tra được công bố vào năm 1964, hung thủ Lee Harvey Oswald đã hành động một mình.

Franklin D. Roosevelt (năm 1933)

Ông Franklin D. Roosevelt là mục tiêu của một âm mưu ám sát tại thành phố Miami, bang Florida, năm 1933. Ông không bị thương sau vụ việc này, nhưng Thị trưởng thành phố Chicago Anton Cermak đã thiệt mạng.

Theodore Roosevelt (năm 1912)

Tương tự ông Trump, ông Teddy Roosevelt đã bị bắn tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, khi đang trong chiến dịch vận động để quay trở lại Nhà trắng.

Tập giấy in bài phát biểu dài 50 trang được gấp lại và hộp đựng kính mắt bằng thép để trong túi áo đã làm giảm tác động của viên đạn. Dù trúng đạn nhưng ông Roosevelt vẫn quyết định sẽ có bài phát biểu theo đúng kế hoạch. Viên đạn đó đã nằm trong ngực ông suốt quãng đời còn lại.

William McKinley (năm 1901)

Tổng thống McKinley bị Leon Czolgosz bắn chết tại thành phố Buffalo, bang New York.

Abraham Lincoln (năm 1865)

Ông Lincoln bị ám sát khi đang xem vở kịch "Our American Cousin" tại nhà hát Ford's Theatre ở Washington. Hung thủ giết hại ông là diễn viên nổi tiếng John Wilkes Booth.