Ngày 7/3, một quan chức của Phong trào Hồi giáo Hamas nhấn mạnh, phong trào này cho rằng việc Israel hướng đến mục tiêu con tin được thả tự do nhưng không đồng ý với các điều kiện do Hamas đặt ra là điều “không thể."
Quan chức giấu tên trên cho biết trong quá trình đàm phán ngừng bắn, phía Israel ưu tiên vấn đề những người bị bắt giữ song từ chối các điều kiện mà các đại diện bên phía Palestine đặt ra để tiến hành đàm phán ngừng bắn.
Phái đoàn của Hamas cùng ngày đã rời thủ đô Cairo (Ai Cập) để tham vấn lãnh đạo của phong trào này về các cuộc đàm phán.
Hãng tin Al-Qahera News của Ai Cập dẫn lời một nguồn tin cấp cao của Ai Cập cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào tuần tới tại Cairo, đồng thời lưu ý rằng các cuộc tham vấn vẫn đang diễn ra giữa tất cả các bên để đạt được lệnh ngừng bắn trước tháng lễ Ramadan.
Ai Cập đã tổ chức một vòng đàm phán mới kể từ ngày 10/3, với sự tham gia của các phái đoàn từ Qatar, Hoa Kỳ và Phong trào Hamas để thúc đẩy việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Cũng trong ngày 7/3, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lương thực Michael Fakhri cho biết gần 75% ngành đánh bắt cá ở Gaza bị hủy hoại do các cuộc ném bom của Israel.
Lực lượng Israel đã tàn phá Cảng Gaza, phá hủy mọi tàu đánh cá và lán trại. Ở Rafah, chỉ còn lại 2 trong số 40 chiếc thuyền. Ở Khan Younis, khoảng 75 tàu cá quy mô nhỏ đã bị phá hủy. Hành động hủy hoại sinh kế đánh bắt cá ở vùng đất này đã làm suy yếu quyền có lương thực của người dân ở Gaza và đẩy họ vào cảnh đói khát.
Quan chức Liên hợp quốc lên án động thái trên đồng thời kêu gọi chấm dứt "chiến dịch bỏ đói" ở vùng lãnh thổ này.
Phát biểu về hoạt động cứu trợ này, Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib nhấn mạnh đến nỗi đau mà người dân ở Gaza đang phải gánh chịu. Nạn đói đe dọa hàng trăm nghìn trẻ em.
Bà cho biết, Bỉ đang gửi các loại thuốc và trang thiết bị y tế đến bệnh viện dã chiến Jordan tại Gaza, đồng thời nhấn mạnh việc cung cấp viện trợ nhân đạo không hạn chế tới vùng lãnh thổ này phải được bảo đảm ngay lập tức. Ngoại trưởng Bỉ cũng cho rằng cần có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Nhiều quốc gia khác như Jordan, Mỹ, Pháp, Ai Cập và Hà Lan đã thực hiện hoặc sắp triển khai kế hoạch thả hàng tương tự. Ủy ban châu Âu cũng đang xem xét các cơ hội để cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân Gaza thông qua các cuộc thả hàng bằng máy bay.
Cùng ngày, tàu chở 2.737 tấn hàng viện trợ nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển tới Dải Gaza trong khuôn khổ nỗ lực chung do tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ nước này dẫn đầu.
Chủ tịch Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Meric Yilmaz cho biết hàng viện trợ sẽ đến cảng Al-Arish của Ai Cập và sau đó được chuyển lên xe tải tới Gaza.
Viện trợ bao gồm các gói thực phẩm, quần áo và vật dụng vệ sinh, cũng như vật liệu tạm trú và thiết bị y tế, cùng nhiều thứ khác.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi hàng cứu trợ nhân đạo bằng 12 máy bay và 6 tàu sau khi xảy ra xung đột giữa Israel và Hamas vào tháng 10 năm ngoái.