Những thầy giáo “quá niên hạn”

NDO -

Không ngoa ngôn khi gọi họ là những “chiến sĩ cầm bút, cầm phấn”, bởi nếu không yêu nghề, yêu trò thì khó trụ vững nơi khó khăn đã khiến bao người phải sờn lòng… Khi các thế hệ học trò cả nước đang hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi tiếp tục được cảm nhận sự gian khổ, vất vả cùng những câu chuyện về các thầy, cô giáo nơi vùng cao Bắc Yên (Sơn La).

Nhờ nỗ lực của các thầy, cô giáo, nên tỷ lệ học sinh vùng cao đến lớp đạt trên 98%.
Nhờ nỗ lực của các thầy, cô giáo, nên tỷ lệ học sinh vùng cao đến lớp đạt trên 98%.

Tại nhiều trường học vùng cao Sơn La, có những cán bộ, giáo viên dù đã hết thời gian công tác tại các xã vùng cao nhưng họ vẫn vững vàng bám trụ, miệt mài “gieo chữ”. Trong 1 năm, số lần họ được về thăm gia đình còn ít hơn số lần họ phải đi bộ để “gieo chữ”...

Tình cờ trong chuyến công tác vừa rồi, tôi đã “phát hiện” và cảm nhận được sự vất vả, nhiệt huyết của những người “gieo chữ quá niên hạn vùng cao” - những người mặc dù có thời gian công tác từ 15 - 20 năm ở vùng cao, vùng khó khăn nhưng họ vẫn bám trụ và miệt mài với nghề gõ đầu trẻ.

Ở trường nhiều hơn ở nhà

Thầy giáo Dương Duy Tấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hang Chú sinh ra và lớn lên ở quê hương 5 tấn Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp đại học được phân công về công tác tại xã Hang Chú từ năm 2003, một xã vùng cao khó khăn của huyện Bắc Yên, có thời điểm để lên được xã phải đi bộ 3 ngày đường.

Sau 6 năm ở Hang Chú, thầy Tấn tiếp tục được điều chuyển lên xã vùng cao Hua Nhàn. 3 năm sau điều chuyển về xã vùng cao Háng Đồng và 9 năm sau trở lại xã Hang Chú, nơi công tác đầu tiên.

Quãng thời gian 18 năm bám trụ với nghề, người thầy giáo này luôn có mặt ở những xã được xếp hạng đặc biệt về độ gian nan, khó khăn. Điều đáng nói ở đây là người thầy giáo này đã cùng với tập thể cán bộ, giáo viên trong trường phối hợp cấp ủy, chính quyền những nơi công tác “vực” tinh thần cũng như chất lượng dạy và học tại nơi mà trước đó tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng hay chất lượng học sinh yếu kém khá nhiều.

Thầy Dương Duy Tấn tâm sự: Ngày mới nhận công tác nghĩ sẽ phấn đấu ở 5 năm vùng cao rồi xin về cho gần gia đình. Nhưng khi lên với học trò nơi đây, cùng tập thể nhà trường miệt mài “gieo chữ”, vèo một cái đã hết 5 năm. Sau khi hết thời hạn 5 năm công tác ở vùng khó khăn cũng muốn về lắm, vì sống cảnh xa gia đình thiếu thốn đủ thứ... Tuy nhiên, cũng còn đó nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nên cứ thế lừng khừng chưa xin về vùng thuận tiện và cứ vậy rồi thời gian trôi đi cho đến giờ đã bước sang năm thứ 19 bám trụ ở các xã vùng cao khó khăn.

Chia sẻ là vậy, nhưng qua đồng nghiệp của thầy Tấn được biết, cũng do liên tục xa nhà, vợ cũng là cán bộ của một xã vùng thấp thường xuyên vắng mặt nên hai vợ chồng thầy Tấn cũng chỉ có sinh được một con trai. Giờ muốn đẻ thêm cho con có em lại không thực hiện được. Thời điểm con trai 2 tuổi, hai vợ chồng thầy Tấn đã phải nén lòng gửi về tận Thái Bình nhờ cậy ông bà nội trông nom ăn học.  

Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao (kỳ 2) -0

Thầy giáo Đỗ Văn Toại (trái) đã có hơn 22 năm công tác ở vùng cao, vùng khó khăn. 

Cũng giống như thầy Dương Duy Tấn, thầy giáo Đỗ Văn Toại, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hang Chú cũng có thâm niên công tác tại vùng cao hơn 22 năm và đã hết “niên hạn công tác vùng cao” nếu theo quy định.

Cũng bởi hai vợ chồng thầy Toại đều là giáo viên (vợ hiện tại dạy ở thị trấn) nên 90% thời gian chăm sóc hai con đều “nhường” hết cho vợ và người thân. Trước khi được điều chuyển lên công tác tại xã Hang Chú, thầy giáo Toại đã có hơn 20 năm công tác cũng đều tại xã vùng cao và khó khăn.

Chia sẻ về gia đình, thầy Toại bảo: Gia đình có 7 người đều là giáo viên và đều trải qua các vùng khó khăn nhiều năm liên tục. Thực lòng cũng muốn xin về vùng thuận tiện để công tác cho gần gia đình và hỗ trợ được vợ chăm sóc các con, nhưng nếu làm thế thì còn ai bám trụ ở vùng cao nữa. Nhiều lúc vợ hay nói đùa “Chuyển khẩu anh lên vùng cao nhé”. Những lúc như thế tôi cũng tâm tư và thương vợ lắm. Vì biết trong câu nói đùa cũng có phần lo lắng của gia đình, nhưng để động viên vợ cũng chỉ biết cười và đùa lại “Hộ khẩu anh vẫn cầm”.

Ông Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú thông tin: Cũng bởi yêu nghề, yêu trò, gần gũi với nhân dân và giải quyết được nhiều việc khó nên các thầy, cô giáo công tác lâu năm ở đây luôn được đồng bào tin tưởng. Nhiều khi tại các bản có việc vướng mắc chỉ cần nhờ tới các thầy phối hợp cùng tuyên truyền và giải quyết là được...

Theo bố mẹ “gieo chữ”

Cũng bởi điều kiện và hoàn cảnh nên nhiều gia đình giáo viên từ khi cưới nhau cho đến thời điểm hiện tại thường xuyên phải xa nhau. Một năm 12 tháng thì thời gian của nhiều thầy, cô giáo được ở bên gia đình cộng lại chừng 1 tháng. Do vậy, nhiều trường hợp vợ chồng cùng là giáo viên phải mang con theo cùng đến những nơi mình công tác. Hay những nữ giáo viên sau khi hết thời gian nghỉ thai sản cũng phải đưa con lên tận vùng cao khó khăn để tiện bề chăm sóc.

Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao (kỳ 2) -0

Con trai đầu của cô giáo Sộng Thị Lủ, giáo viên Trường mầm non Bình Minh xã Háng Chú theo bố mẹ lên vùng cao ở.

Như trường hợp của thầy giáo Đỗ Văn Toại, Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hang Chú có quãng thời gian hai vợ chồng đều là giáo viên cắm bản, nên lúc thì chồng, lúc thì vợ phải mang theo con trai đầu đi hết vùng này đến vùng khác thuộc các xã vùng cao, vùng dọc sông Đà. Cũng bởi theo bố mẹ ăn ở và học tập ở vùng cao nhiều năm liên tục nên con trai của thầy Toại còn biết nói cả tiếng dân tộc H’Mông.

Qua tìm hiểu được biết, tại các xã vùng cao của Sơn La nói chung, xã Hang Chú nói riêng, có rất nhiều trẻ em thuộc các độ tuổi khác nhau cũng vì hoàn cảnh đã phải theo chân bố mẹ là giáo viên lên ăn ở và học tập tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Bởi có nhiều gia đình không biết gửi con cho ai khi cả hai vợ chồng đều phải dạy học xa nhà.

Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao (kỳ 2) -0

Cô giáo Hoàng Thị Thùy Nhâm được đánh giá là một giáo viên luôn tận tâm với nghề và
học trò.

Như trường hợp của cô giáo Hoàng Thị Thùy Nhâm, 7 năm qua từ khi tốt nghiệp ra trường đã là giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Hang Chú. Cô giáo Nhâm quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ, là một trong số nhiều người đã phải đưa ra quyết định cho con gái lên ở và học lớp 1 tại Hang Chú để tiện bề chăm sóc.

Cũng do hoàn cảnh gia đình, nhất là việc đi lại bằng xe máy rất bất tiện khi cuối tuần hoặc cuối tháng lại lóc cóc gần 200 km về thăm gia đình và con nên cô giáo Hoàng Thị Thùy Nhâm đã quyết định đưa con gái lên ở với mình tại xã Hang Chú, nơi mà vào mùa đông thời tiết âm độ và có băng tuyết.

Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao (kỳ 2) -0

Các giáo viên phải có lòng yêu nghề, yêu trò mới có thể bám trụ được ở vùng cao.

Khi tôi hỏi có ý định xin về Phú Thọ cho gần gia đình không, cô giáo Nhâm trầm ngâm: Thực ra em cũng có không ít cơ hội chuyển về gần nhà. Mọi người trong gia đình cũng nói nhiều lắm. Nhưng mỗi lần có sự lựa chọn như thế là những lần phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Khi đó lại nghĩ thương học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn nên đã quyết tâm ở lại vì thực tế tại các trường học ở trong xã cũng đang thiếu giáo viên…

Những thầy cô giáo “quá niên hạn vùng cao” hay trường hợp các cháu nhỏ phải theo chân bố mẹ là các thầy cô giáo lên ăn ở, học tập tại các xã vùng cao, vùng khó khăn ở Sơn La vẫn còn rất nhiều. Những thầy, cô giáo ấy,  mỗi người một hoàn cảnh, một lý do khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất của họ là rất yêu nghề và yêu trẻ, khó khăn và gian khổ không làm họ sờn lòng.
(còn nữa)

https://nhandan.vn/giaoduc/gian-nan-gieo-chu-o-vung-cao-673957/