Những thầy, cô giáo tận tâm vì trẻ nhiễm HIV

NDO - Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV, tạo điều kiện học tập hòa nhập trong cộng đồng, được phát triển bình thường như bao trẻ khác, thêm tự tin, vươn lên trong cuộc sống là việc làm vô cùng ý nghĩa. Cũng xuất phát từ tình thương với trẻ mà các thầy, cô giáo đã dốc sức, tận tâm bù đắp để các em vơi bớt phần nào thiệt thòi.
Cô giáo Ðinh Thị Thủy đang dạy các em học sinh nhiễm HIV tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 2 Hà Nội.
Cô giáo Ðinh Thị Thủy đang dạy các em học sinh nhiễm HIV tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 2 Hà Nội.

Ở Trường tiểu học Sài Ðồng (quận Long Biên), ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của hai anh em sinh đôi họ Chử bị nhiễm HIV. Bố các em nghiện hút, mắc căn bệnh thế kỷ đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại ba mẹ con côi cút. Sự tra tấn của bệnh tật không bằng sự ghẻ lạnh của người đời, khiến hai em nhỏ càng sống thu mình hơn. Ðến năm vào lớp 1, hai anh em cũng như bao bạn cùng trang lứa được đến trường học chữ. Năm đầu tiên các em đến trường cũng là ngày tháng cuối cùng của mẹ các em trên cõi đời, để hai bé sống với bà nội hơn 70 tuổi. Ảnh hưởng của căn bệnh AIDS, sức khỏe yếu, tiếp thu bài chậm, hai bé ngại ngùng khi giao tiếp với các bạn. Thấu hiểu hoàn cảnh éo le của các em, nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt, để hai em nhanh chóng hòa nhập. Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Hải Yến bố trí hai em ngồi ngay bàn đầu để tiện quan sát, theo dõi việc học tập. Tình yêu thương, sẻ chia của thầy cô, bạn bè khiến các em mạnh dạn hơn, hòa mình cùng tập thể lớp. Phụ huynh lớp 1D sau khi được nhà trường trao đổi, giải thích rõ cũng hết sức đồng cảm, chia sẻ và an tâm cho con em mình học chung.

Các thầy, cô chủ nhiệm hai em suốt năm năm học tiểu học cũng luôn dành sự chăm sóc đặc biệt, không chỉ dạy nét chữ, rèn nết người, mà còn bù đắp cả khoảng thiếu vắng do sớm mất cha, mất mẹ trong tâm hồn các em. Hằng năm, nhà trường và các tổ chức xã hội tặng đồng phục, sách, vở, đồ dùng, đồ chơi cho các em, đồng thời miễn tất cả các khoản kinh phí đóng góp. Thầy giáo hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Hữu Tùng thường xuyên theo dõi sát sao, động viên, khích lệ hai em cố gắng. Có thời điểm, khi sức khỏe hai em bất ngờ tụt dốc, nhà trường bố trí giáo viên kèm cặp, chăm sóc các em. Thầy Tùng tâm sự: Thấy hai em càng học càng tiến bộ, vô tư vui chơi cùng chúng bạn, chúng tôi rất mừng. Vòng tay yêu thương rộng mở của thầy cô và bạn bè đã xua tan đi bóng đêm u ám bệnh tật đeo đuổi, hành hạ các em.

Còn ở mảnh đất Yên Bài (huyện Ba Vì) xa xôi của Thủ đô, 38 bé nhiễm HIV của Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 2 Hà Nội là những học sinh đặc biệt của Trường tiểu học Yên Bài B. Hơn sáu năm qua, hai cô giáo Ðinh Thị Thủy và Phùng Thị Hà miệt mài biến ước mơ học chữ của con trẻ thành hiện thực. Mặc dù mới lập gia đình, có con nhỏ, hai cô vẫn tình nguyện vào trung tâm dạy học, dẫu biết rất gian truân. Tinh thần vượt khó và tấm lòng yêu trường, mến trẻ đã trở thành động lực khích lệ, xua tan mọi nỗi trăn trở. Vì thiếu biên chế, hai cô phải dạy lớp ghép, xoay như chong chóng, chẳng có thời gian nghỉ. Nào là dạy cầm bút, nhận mặt chữ cái, tập viết đến ghép chữ, luyện đọc. Trẻ mắc AIDS thường mắc chứng tăng động, lại nhanh quên, ít được giao tiếp, cho nên hai cô phải rất vất vả, soạn bài kỹ lưỡng, giảng giải cặn kẽ, rồi linh hoạt trong diễn đạt để các em dễ tiếp thu, hiểu nhanh nhất. Nhờ sự kèm cặp, chăm sóc của các cô giáo, chỉ sau một thời gian, nhiều em tiến bộ rõ rệt; có em sáng dạ còn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp trường.

Dạy trẻ nhiễm HIV, các cô giáo không chỉ dạy chữ, truyền đạt kiến thức, mà kiêm luôn những công việc của điều dưỡng viên. Hôm nào trở trời, bệnh nhiễm trùng có cơ hội bùng phát, cô Thủy, cô Hà lại tất bật lo lắng, chăm sóc cho các em. Chuyện đi sớm, về muộn, ở lại kèm thêm những học sinh chậm hiểu... là chuyện thường ngày đối với các cô. Em Nguyễn Xuân Thanh hồi mới vào lớp không biết đọc, biết viết. Cô giáo Hà tận tình kèm cặp, giúp em bổ sung những lỗ hổng kiến thức. Nay Thanh đã đọc thông viết thạo, học càng khá hơn. Em Nguyễn Hoàng Nam ngày vào trung tâm không biết chữ cái nào, chỉ sau vài tháng đã đọc thông, viết thạo. Hay em Bàn Thị Thanh Trúc giờ xinh xắn, khác hẳn vẻ ốm yếu, người đầy mụn lở khi xưa, sức học nay đã đuổi kịp các bạn cùng lớp.

Không thể kể hết được tấm lòng bọn trẻ dành cho các cô giáo. Vốn thiếu thốn tình cảm từ lúc lọt lòng, cho nên khi được các cô thương yêu, vỗ về, chúng rất nâng niu, quý trọng. Ðược cô giáo khen ngợi, động viên, cho điểm cao, bé nào cũng thích thú. Gặp chuyện buồn hay vui, chúng lại tâm sự, sẻ chia để cô vỗ về, an ủi cho nhẹ lòng. Giờ ra chơi, bọn trẻ ríu rít vây quanh cô giáo. Bé Phương  ôm chầm lấy cô Hà làm bộ nhấc nhấc và reo lên "Con khỏe phải không, đã nhấc được cô rồi". Thấy cô mệt, các bé xúm lại, đứa đấm lưng, đứa thì tíu tít hỏi thăm. Niềm hạnh phúc vô bờ đó không dễ gì người giáo viên nào cũng có được.

Có tiếng là trường dạy trẻ đặc thù, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, vậy mà hai cô giáo và nhà trường chưa được hưởng một chút chế độ ưu đãi nào. Các em học sinh vẫn luôn mong muốn được hòa nhập với cộng đồng bên ngoài. Thấu hiểu nỗi lòng con trẻ, trung tâm và trường luôn nỗ lực tham mưu các cấp lãnh đạo, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, phòng chống cũng như giảm kỳ thị phân biệt, đối xử với mong muốn giúp trẻ nhiễm HIV sớm được đến trường. Rất nhiều cuộc họp bàn, tuyên truyền và hội thảo được tổ chức, để con đường đến trường của trẻ có H không còn xa. Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhờ đó, nhận thức của học sinh và phụ huynh ngày càng nâng lên, sự kỳ thị, xa lánh những hoàn cảnh đáng thương cũng dần giảm bớt. Rất nhiều các thầy, cô giáo vẫn ngày ngày sát cánh bên những đứa trẻ kém may mắn, chắp cánh cho ước mơ chinh phục bầu trời tri thức của các em bay xa.