Tháng 5/2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng với tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Bài viết là sự tiếp nối những thành công của Đại hội XIII vừa được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức đầu năm 2021. Với tư cách là tổ chức chính trị lãnh đạo đất nước liên tục từ năm 1945 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu lớn cho dân tộc: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. (Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.112)
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu để đề cập tới việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước đang phát triển như Việt Nam, với những câu hỏi như: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?... Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”.
Bài viết là sự tổng kết sâu sắc những vấn đề lý luận và thực tiễn, phê phán việc tuyệt đối hóa sở hữu nhà nước, mô hình kế hoạch hóa tập trung, độc quyền nhà nước về ngoại thương, phân phối bình quân, không theo đánh giá của thị trường.
Từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Chính phủ Việt Nam sau thống nhất đã triển khai nhiều biện pháp cải cách nhất quán (Đổi mới), giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển liên tục với tốc độ khá cao trong suốt 35 năm qua, bình quân 7%/năm, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở ASEAN. An ninh lương thực được bảo đảm và Việt Nam hiện trở thành quốc gia xuất khẩu gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 85% GDP. Năm 2020, dự trữ ngoại hối đạt 100 tỷ USD.
Bài viết cho biết vấn nạn mù chữ đã được xóa bỏ hoàn toàn và từ năm 2000 Việt Nam đã tiến hành phổ cập giáo dục tiểu học. Số sinh viên đại học tăng lên gấp 17 lần trong 35 năm qua. Lĩnh vực y tế dự phòng và kiểm soát dịch bệnh được tăng cường; tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62,0 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Hiện nay, 70% người dân Việt Nam được sử dụng internet và Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức chỉ số 0,704, đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có HDI cao nhất thế giới.
Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.25)
Những nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết rất sâu sắc, cho thấy tầm quan trọng của các vấn đề lý luận và thực tiễn.
Thực tiễn cho thấy, các tổ chức chính trị tiến bộ như hai đảng chúng ta cần đổi mới, sẵn sàng bước vào một giai đoạn đấu tranh mới vì chủ nghĩa xã hội. Trong thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội đã trải qua “thời niên thiếu” của mình, có nhiều đóng góp quan trọng cho văn minh nhân loại. Tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, trong suốt hơn 70 năm, quan điểm về xây dựng chủ nghĩa xã hội rất xơ cứng, rập khuôn. Việc Liên Xô tan rã và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam trước đây là những minh chứng rõ nhất cho bài học đau xót này.
Lý luận chủ nghĩa xã hội cần được nhìn nhận như một hình thái lịch sử cụ thể. Con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội không dựa trên những lý luận trừu tượng, giáo điều hay niềm tin, mà phải dựa trên các phương pháp tiếp cận hợp lý, những lý luận khoa học, không ngừng được bổ sung, phát triển, phù hợp với sự phát triển của thời đại. Thực tiễn đấu tranh của C. Mác, V.I. Lê-nin và nhiều nhà cách mạng cộng sản khác đã chứng minh luận cứ này, phải phát triển lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách sáng tạo.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phải dựa trên việc xây dựng các chiến lược đấu tranh cụ thể, chín muồi, phù hợp với tình hình đất nước, trên cơ sở tương quan lực lượng trên trường quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mức độ đấu tranh giai cấp, đặc thù của thể chế chính trị, văn hóa và những đặc điểm riêng của mỗi nước. Điều này đạt được thông qua giai đoạn quá độ tuần tự các trật tự chính trị, kinh tế, xã hội của mô hình tư bản chủ nghĩa sang mô hình xã hội chủ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia.
Chủ nghĩa xã hội cần thắp sáng hy vọng cho mọi quốc gia, mọi dân tộc. Hy vọng đó đến từ việc đưa ra được một mô hình xã hội thay thế cho chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân mới, chấm dứt chiến tranh, áp bức và tụt hậu. Trong mô hình đó, sự phát triển của lực lượng sản xuất phải giải phóng sức lao động, chứ không phải tạo ra hàng triệu người vô sản, những người thậm chí không thể “bị bóc lột” vì thất nghiệp.
Từ thực tiễn của Việt Nam, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mà chính quyền phục vụ nhân dân, lấy nhân dân làm gốc. Kết quả xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam là minh chứng có giá trị hơn mọi lời nói. Điều này càng được thể hiện rõ ràng trong đại dịch Covid-19, cho thấy rõ tính ưu việt trong phòng, chống dịch bệnh của chính quyền các nước xã hội chủ nghĩa.
Có được điều này bởi lẽ chủ nghĩa xã hội là nhân văn, là động lực để nhân loại hướng tới một xã hội thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ độc lập, tự chủ và môi trường thiên nhiên. Nó đòi hỏi phải có một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý mọi mặt đời sống xã hội, trong đó Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Những mục tiêu này sẽ đạt được nếu lực lượng sản xuất phát triển tới một trình độ mới cao hơn, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, qua đó cải thiện hiệu quả quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế và quản trị dân chủ tham dự. Nếu không làm được điều này, chủ nghĩa xã hội sẽ mãi chỉ là một mô hình thử nghiệm sơ khai.
Quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội sẽ làm nảy sinh những hình thái kinh tế - xã hội mới, cùng tồn tại với những hình thái trước đó, nhưng đều chịu định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó hình thức sở hữu công sẽ kiểm soát những tư liệu sản xuất cơ bản.
Bằng cách này, Nhà nước có thể tăng mức đầu tư công để thúc đẩy phát triển, giảm thiểu ảnh hưởng của khu vực tư nhân trong đầu tư, qua đó gia tăng kiểm soát các hình thức sở hữu khác nhau. Điều này cũng giúp duy trì mức đầu tư công cần thiết cho các lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cho các dịch vụ xã hội như y tế, nhà ở, văn hóa, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, không bị ràng buộc bởi các hạn chế về trần nợ công, vốn đóng khung Nhà nước trong việc sử dụng ngân sách cho các mục tiêu xã hội.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta đang sáng tạo ra một “mô hình xã hội chủ nghĩa” mới. Nói như thế là phi lịch sử. Cần vạch rõ con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo hoàn cảnh mỗi nước, quán triệt quan điểm quá trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa phải xuất phát từ thực tiễn mỗi nước và phụ thuộc vào chế độ chính trị hiện tại.
Trên cơ sở đó, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang thúc đẩy quá trình quá độ giữa hình thức sở hữu công và sở hữu tư nhân, giữa Nhà nước và thị trường, giữa giải phóng chính trị và dân chủ bình dân, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Những phân tích trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chúng ta thấy rõ sự trưởng thành trong chiến lược đúng đắn đó của Việt Nam. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một nội dung to lớn, khó khăn và phức tạp, phải tạo được sự chuyển biến sâu sắc về chất trong mọi mặt đời sống, không chối bỏ những thành tựu, văn minh nhân loại mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được trong quá trình phát triển, mà cần tiếp thu có chọn lọc trên quan điểm khoa học và phát triển.
Và để lãnh đạo sự nghiệp vĩ đại này không ai xứng đáng hơn Đảng Cộng sản Việt Nam - lực lượng cách mạng có nhận thức giai cấp sâu sắc và đầy đủ nhất.
Những tổng kết bài bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp sáng niềm tin, làm phong phú thêm kho tàng lý luận và thực tiễn của những người cộng sản và tiến bộ trên toàn thế giới. Bài viết đã đề cập tới những khía cạnh cơ bản của chủ nghĩa Mác và đưa chúng lên tầm cao mới trên cơ sở thực tiễn phong phú, có tính đến yếu tố thời đại, trình độ phát triển của đất nước, với tư duy cởi mở và niềm tin tuyệt đối vào những lý luận cốt lõi.
Phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một nội dung đòi hỏi sự dũng cảm, can đảm trong lý luận bởi đấu tranh tư tưởng cũng đầy chông gai và thái độ tự hài lòng sẽ triệt tiêu mọi ý tưởng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy “trí tuệ tập thể” nhằm tìm ra giải pháp mới cho mọi vấn đề.
*
* *
Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi tới Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam lời chào trân trọng, chân thành cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Là một người Brazil đã lựa chọn gia nhập hàng ngũ những người cộng sản, lựa chọn Đảng Cộng sản Brazil (PCdoB) từ khi mới 18 tuổi (năm 1972), tôi đánh giá cao cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân ở Việt Nam; luôn ngưỡng mộ, khâm phục lòng dũng cảm, sự cần cù của nhân dân Việt Nam. Tấm gương sáng chói của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi khắc sâu trong tâm trí các thế hệ nhân dân Brazil. Chúng tôi đã nhiều lần ăn mừng những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trước thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, khi thống nhất đất nước và lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chúng tôi rất phấn khởi chứng kiến những thành tựu vĩ đại của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Xin chúc Đồng chí tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công mới.
Nhân dịp này, chúng tôi xin khẳng định mong muốn thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai đảng, hai nước nhằm hỗ trợ, làm phong phú hơn kho tàng kinh nghiệm của nhau trong giải quyết những thách thức chung của cả hai dân tộc.