Những tấm gương tận tụy, tâm huyết với nghề

Mỗi thầy giáo, cô giáo dạy học ở một trường học, một vùng miền khác nhau nhưng tựu trung đều thật sự tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Đó chính là những thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên cả nước năm học 2022-2023, được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà giáo tại buổi gặp mặt, tri ân cán bộ ngành giáo dục nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Các nhà giáo tại buổi gặp mặt, tri ân cán bộ ngành giáo dục nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chúng tôi gặp cô giáo Đặng Thị Nụ, giáo viên giảng dạy môn Vật lý, tròn 10 năm gắn bó với vùng cao dạy học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Với nụ cười hiền hòa, cô giáo Nụ chia sẻ, những ngày đầu lên với vùng cao nguyên đá gặp không ít khó khăn về điều kiện sống, cơ sở vật chất trường, lớp học…

Trong khi đó, Sủng Trái, là một xã xa trung tâm huyện nhất, các thôn bản nằm cách xa nhau, địa hình hiểm trở, giao thông chưa phát triển, rất khó khăn trong việc đi lại. Thời tiết vùng cao khắc nghiệt về mùa đông, mưa lạnh kéo dài làm ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số học sinh hằng ngày. Thời gian đầu, cô giáo Nụ gặp không ít khó khăn bởi sự khác biệt về ngôn ngữ; cha mẹ học sinh ít quan tâm tới tình hình học tập của con em mình…

Khắc phục khó khăn, cô giáo Nụ và các đồng nghiệp luôn cố gắng trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện tốt công tác vận động học sinh đến trường, nắm bắt và hỗ trợ kịp thời những khó khăn của học sinh. Các thầy, cô cũng thường xuyên kết hợp với cán bộ phụ trách thôn, bản trong công tác giáo dục học sinh.

Đáng chú ý, với đặc thù là trường phổ thông dân tộc bán trú của vùng cao cho nên ngoài công việc bảo đảm chất lượng giảng dạy, các thầy giáo, cô giáo còn thực hiện nhiệm vụ tổ chức cho khoảng hơn 80% số học sinh ăn, ở tại trường. “Mỗi giáo viên như một người cha, người mẹ thứ hai hướng dẫn, chăm sóc cho các em học sinh cách ăn, cách ở, lao động, vệ sinh, đồng thời không ngừng giáo dục các em tinh thần đoàn kết, quan tâm chăm sóc bạn bè khi ốm đau”, cô giáo Nụ chia sẻ.

Mỗi giáo viên như một người cha, người mẹ thứ hai hướng dẫn, chăm sóc cho các em học sinh cách ăn, cách ở, lao động, vệ sinh, đồng thời không ngừng giáo dục các em tinh thần đoàn kết, quan tâm chăm sóc bạn bè khi ốm đau.

Cô giáo Đặng Thị Nụ, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Cũng gắn bó với trường, với lớp, cô giáo H’ Phen Êya, giáo viên Trường mầm non Ea T’ling huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực rất nhiều trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non. Cô giáo H’ Phen Êya chia sẻ, sinh sống và làm việc tại nơi mà cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn rất cao đã khiến các thầy giáo, cô giáo không khỏi băn khoăn, trăn trở. Những khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự tập trung chú ý của trẻ trong các hoạt động giáo dục và số lượng trẻ đến lớp chuyên cần mỗi ngày khó duy trì. Tuy nhiên, với nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc, giáo dục trẻ, cô giáo

H’ Phen Êya luôn tận tình, chu đáo chăm chút các em từng bữa ăn, giấc ngủ, thường xuyên cho trẻ tập luyện để nâng cao thể lực và giảm thiểu tỷ lệ trẻ duy dinh dưỡng, phòng chống các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó cô giáo H’ Phen Êya cùng các thầy, cô trong trường không ngừng đổi mới, sáng tạo trong phương pháp và hình thức dạy học có hiệu quả, nhất là tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi. Trong từng hoạt động, để có sự đa dạng nhằm lôi cuốn trẻ, cô giáo H’ Phen Êya đã xây dựng góc truyền thống của địa phương với căn nhà rông, ché rượu cần, cồng chiêng, trang phục truyền thống, gắn với các lễ hội mừng lúa mới, cúng bến nước… giúp trẻ ghi nhớ và lưu giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong chương trình giảng dạy của nhà trường, cô giáo H’ Phen Êya đã linh hoạt, kết hợp dạy song ngữ tiếng Việt-tiếng dân tộc thiểu số thông qua những trò chơi, các hoạt động lễ hội, kết hợp với vật dụng trang trí có sẵn từ đó giúp trẻ phát triển tốt khả năng giao tiếp, khả năng nghe và tự kể lại chuyện, nói được lời thoại của nhân vật nhằm giúp trẻ ngoan hơn, giỏi hơn trong các hoạt động, biết vâng lời bố mẹ, cô giáo và người lớn.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, cô giáo H’ Phen Êya đã trở thành Giáo viên xuất sắc tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non tỉnh Đắk Nông lần thứ V, năm học 2022-2023; trong ba năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh Đắk Nông tặng bằng khen.

Không phải vượt qua khó khăn về trường lớp hay địa phương vùng cao như cô giáo Đặng Thị Nụ và cô giáo H’ Phen Êya nhưng thầy giáo Vương Trường Sơn, giáo viên giảng dạy môn Hóa học của Trường THPT chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang chính là tấm gương điển hình trong đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy để phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo những nhân tài.

Thầy giáo Sơn chia sẻ, ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng đã luôn tự nhủ phải đem hết tâm huyết trau dồi chuyên môn để giảng dạy cho học trò. Với 13 năm gắn bó với nghề, thầy giáo Sơn luôn tâm niệm việc học của các em chỉ thật sự lôi cuốn và có ý nghĩa khi bản thân các em là người chủ động phát hiện, khám phá.

Vì thế, bên cạnh việc truyền đạt tri thức truyền lửa cho các em, thầy giáo Vương Trường Sơn luôn tạo mọi điều kiện, khuyến khích các em phát huy năng lực tìm tòi và tự học, từ đó có thể chinh phục những đỉnh cao tri thức, vươn tới những ước mơ của mình. Khi được giao trọng trách dạy đội tuyển quốc gia và chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh, thầy giáo Sơn luôn chủ động tìm tòi từ sách vở, internet; học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp; thậm chí là học hỏi từ chính học trò của mình; biến áp lực thành động lực để từ đó thắp lên niềm vui, sự hạnh phúc trong trái tim, tâm hồn của các em.

Đến nay, sau 13 năm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Bắc Giang, thầy giáo Vương Trường Sơn liên tục đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia bộ môn Hóa học do thầy tham gia bồi dưỡng trong thời gian qua đã đoạt: Ba giải nhất, 26 giải nhì, 28 giải ba, 29 khuyến khích. Trong năm học 2022-2023, đội tuyển Hóa học của tỉnh Bắc Giang đoạt chín giải quốc gia, với: Hai giải Nhất, bốn giải Nhì, hai giải Ba, một giải Khuyến khích và một Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế AR-Beruniy tổ chức tại Uzbekistan.

Cùng với cô giáo Đặng Thị Nụ, cô giáo H’ Phen Êya hay thầy giáo Vương Trường Sơn, ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều những tấm gương tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, những tấm gương các nhà giáo nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những tấm gương cống hiến, những việc làm tốt của các thầy, các cô khắp cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, cống hiến của tất cả nhà giáo, những người đã được xã hội biết tới, được ngợi ca và cả những người luôn hy sinh thầm lặng chưa được nhiều người biết tới.