Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Giang, Viện trưởng Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng cho rằng, việc thực hiện các nghiên cứu toàn diện là rất quan trọng để đánh giá đầy đủ những tác động tiêu cực, từ đó xây dựng chương trình nâng cao nhận thức; hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh, người dùng các giải pháp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh, thiếu niên trong kỷ nguyên số.
Các nghiên cứu chia sẻ tại hội thảo đều cho thấy mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội, nhất là với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nhưng các nền tảng mạng xã hội được thiết kế để có thể gây nghiện cho người dùng, dẫn đến các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, mất ngủ, lo âu, sao lãng trong học tập cũng như hàng loạt vấn đề khác đối với sức khỏe tâm thần. Các hoạt động trên màn hình đã được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trầm cảm, thậm chí là tự tử ở thanh, thiếu niên.
Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet, thống kê đến đầu năm 2024 cả nước có 78,44 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% số dân; có 96,6% số người dùng internet truy cập qua điện thoại; thời gian sử dụng internet trung bình một ngày là 6 giờ 18 phút, trong đó, thời gian sử dụng internet trên điện thoại di động là 3 giờ 30 phút.
Các trang web và ứng dụng được truy cập nhiều nhất gồm: trò chuyện và tin nhắn (chiếm 96,8%), mạng xã hội (96,6%), công cụ tìm kiếm hoặc cổng web (85,4%). Mục đích chính khi sử dụng internet ở nhóm tuổi từ 16 đến 64 là để: giữ liên lạc với bạn bè và gia đình; tìm kiếm thông tin; cập nhật tin tức, sự kiện; xem video chương trình truyền hình hoặc phim ảnh; truy cập và nghe nhạc trực tuyến.
Việt Nam hiện có 72,7 triệu số tài khoản định danh mạng xã hội; số người dùng mạng xã hội là 73,3% số dân, riêng người trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội là 99,2% với thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình một ngày là 2 giờ 25 phút. Ba nền tảng mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook (89,7%), Zalo (88,5%), TikTok (77,8%).
Theo Thạc sĩ Cao Hoàng Nam, đại diện Sáng kiến Z&Alpha, mô hình kinh doanh của mạng xã hội là dựa trên việc tối đa hóa thời gian mà người dùng nền tảng của mình, dùng càng lâu, tương tác càng nhiều thì doanh thu càng lớn. Mạng xã hội được thiết kế dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hoạt động của não bộ để duy trì và lôi cuốn người sử dụng; mạng xã hội thiết kế các thuật toán nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng bằng nhiều cách khác nhau nhưng không công bố các tính năng này. Đáng chú ý, mạng xã hội theo dõi, ghi lại hành vi của người dùng và sử dụng chính dữ liệu đó để tinh chỉnh và tăng cường các tính năng. Ngoài ra, mạng xã hội thiết kế các tính năng "like - thích", "thông báo" để liên tục thúc đẩy sự tham gia của người dùng; tính năng "cuộn vô hạn" và tự động phát video làm cho người dùng khó có thể thoát ra vì không có điểm kết thúc…
Mạng xã hội nhận thức được bộ não đang phát triển của người dùng trẻ dễ bị tổn thương, nhưng đang che giấu các báo cáo hại tới người sử dụng; cho phép trẻ em vị thành niên tham gia; thu thập dữ liệu của trẻ em (dưới 13 tuổi) mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Đã có một số đánh giá được đưa ra là các nền tảng truyền thông xã hội đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, gây hại cho sức khỏe và sự an toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng chia sẻ, lợi ích mang lại từ mạng xã hội là sự tăng cường kết nối xã hội, cơ hội thể hiện bản thân và tiếp cận thông tin cho thanh, thiếu niên trong học tập và cuộc sống. Khoảng 81% số học sinh báo cáo rằng mạng xã hội giúp họ cảm thấy được kết nối hơn với bạn bè và thế giới chung quanh. Tuy nhiên, khi lạm dụng mạng xã hội, thanh, thiếu niên có thể gặp các tác động tiêu cực, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện internet…; tỷ lệ tội phạm trên mạng gia tăng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại và một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân, muốn tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, cơ chế gây nghiện của mạng xã hội từ chính việc like, comment, nhắn tin … Có thể phát hiện chứng nghiện mạng xã hội qua các dấu hiệu: Không quan tâm đến các hoạt động khác ngoài màn hình, thường xuyên bị hút vào màn hình, ngay cả khi không sử dụng; mạo hiểm/mất các mối quan hệ hoặc cơ hội lớn do sử dụng màn hình. Thanh, thiếu niên có dấu hiệu nghiện internet có khả năng gặp phải các bệnh về thể chất lẫn tinh thần cao hơn những người không bị nghiện. Những người trẻ dùng mạng xã hội ngại giao tiếp; tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu, tăng ý định tự tử, gây ra khó ngủ, đau đầu, chán ăn, hay lạm dụng chất kích thích.
Chính vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội không chỉ để tiếp cận thông tin mà còn phải đi kèm với khả năng tự nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn. Mỗi người dùng, nhất là thanh, thiếu niên cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng mạng xã hội, đây chính là chìa khóa giúp tận dụng triệt để những lợi ích mà không để ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
Mặt khác, cần tăng cường hoạt động giám sát và giáo dục trẻ em trong việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và lành mạnh. Nhiều nước trên thế giới đã có các mô hình can thiệp, trị liệu nghiện mạng xã hội ở thanh, thiếu niên, có thể giúp Việt Nam trao đổi, học hỏi.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp về chính sách hay kỹ thuật trong việc giúp người trẻ hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, nhất là về sức khỏe tâm thần… Đã đến lúc cần những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe của người trẻ khi tỷ lệ sử dụng internet và mạng xã hội tại nước ta là khá cao.