Những suất cơm nghĩa tình

Nhà ăn Không đồng Bạch Mai ở ngõ 15 Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội) đã duy trì hoạt động suốt hai năm qua, chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện, bằng những suất cơm 0 đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân nhận suất ăn không đồng tại Nhà ăn.
Người dân nhận suất ăn không đồng tại Nhà ăn.

Từ khi Nhà ăn Không đồng Bạch Mai mở ra, ngõ 15 Phương Mai ngày nào cũng nườm nượp người xếp hàng vào giờ phát cơm. Đây là mô hình bếp chay miễn phí, mỗi ngày phát 450 suất cơm, hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu. Dù thời gian mở cửa phát cơm lúc 16 giờ (vào mùa hè) và 15 giờ vào mùa đông, nhưng có ngày nhiều người đã có mặt xếp hàng từ 13-14 giờ để chờ đến lượt.

Chia sẻ về cơ duyên lập nên Nhà ăn Không đồng Bạch Mai, anh Bùi Văn Tú, một trong ba thành viên cốt cán thường trực của Nhà ăn cho biết, trước kia anh Tú làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, từng tham gia chống dịch Covid-19. Khi dịch bùng phát tại Hà Nội, đội của anh đã quay lại Thủ đô để tri ân, giúp đỡ những đội, nhóm đã từng giúp Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Anh cùng thành viên Nhà ăn nấu xôi, nấu cháo phát cho những người vô gia cư.

Anh Tú và những người bạn chứng kiến những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa xuống chữa bệnh không có tiền... Thấu hiểu được những vất vả đó, anh cùng các bạn lập nên Nhà ăn Không đồng Bạch Mai tại ngõ 15 Phương Mai nhằm hỗ trợ bữa ăn cho những người vô gia cư, những mảnh đời khó khăn và nhất là những người bệnh đang điều trị trong các bệnh viện: Bạch Mai, Lão khoa, Việt-Pháp. “Tôi và các bạn mong muốn có thể giúp bà con một bữa ăn, bớt đi một chút áp lực về kinh tế” - anh Tú bày tỏ.

Nhà ăn hỗ trợ miễn phí người bệnh nên ngày càng có nhiều người biết đến. Dù quán đã tăng lượng thực phẩm lên nhưng cũng không đủ cho số người đến quán mỗi ngày một đông. Gần đến giờ phát cơm, hàng người nối đuôi nhau xếp hàng kéo dài đến tận đầu ngõ. Để nấu những bữa cơm với hơn 450 suất, nhóm anh Tú thường tốn khoảng vài triệu đồng mua lương thực, thực phẩm. Các thành viên của bếp phải xin rau, củ từ các tiểu thương ở chợ đầu mối, hoặc được các tiểu thương cho mua giá gốc. Thi thoảng, có một vài nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm. Những đóng góp như vậy đã phần nào giảm áp lực về chi phí duy trì hoạt động hằng ngày.

Trước đây, anh Tú đã từng là lái xe cứu thương hỗ trợ bệnh nhân về nhà, anh hiểu rất rõ hoàn cảnh khó khăn của mọi người. Vì vậy, khi có điều kiện giúp đỡ được ai, anh đều cố gắng. Niềm vui lớn nhất của những người ở Nhà ăn Không đồng Bạch Mai là được hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn. Chỉ cần mọi người đều xếp hàng nhận cơm với niềm hoan hỉ là các anh đã thấy vui.

Quá trình chữa trị bệnh tại bệnh viện, chi phí y tế tốn kém gây không ít áp lực kinh tế cho bệnh nhân và gia đình nên khi nhận được suất cơm 0 đồng, mọi người đều thấy vui. Chị Nguyễn Thị Thoan, ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) đi chăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa chia sẻ: “Chi phí cho người nhà ốm ở viện đã hơn 1 triệu đồng mỗi ngày, rất tốn kém, nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”.

Từ khi mở Nhà ăn Không đồng Bạch Mai đến nay đã được hai năm, có thực đơn ăn gì thực khách cũng đã nắm rõ. Bên cạnh đó, nhóm thiện nguyện cũng mở Nhà ăn Không đồng khác ở phố Chùa Quỳnh, phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) đến nay cũng gần một năm.

Cùng với niềm vui được giúp đỡ những mảnh đời còn gặp nhiều khó khăn, Nhà ăn cũng có những lúc thiếu kinh phí do số lượng người đến ăn càng ngày càng đông, buộc các thành viên bếp ăn phải đi mua chịu, khi nào có quỹ thì trả sau. Hơn nữa với 6 người làm việc, nhiều khi cũng không thể kham hết được các công việc. Vì vậy, Nhà ăn Không đồng Bạch Mai cũng mong muốn được các bạn tình nguyện viên và các mạnh thường quân cùng chung tay, giúp bếp luôn đỏ lửa ■