Những suất ăn nghĩa tình gửi vào vùng dịch

NDO -

Những ngày này, nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Một tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Mới đây, các đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội cũng đã có những việc làm thiết thực để tiếp sức các y, bác sĩ tại tâm dịch, thông qua chương trình “Suất ăn yêu thương”.

Những suất ăn nghĩa tình gửi vào vùng dịch

Sự vào cuộc thần tốc

Mới 6 giờ sáng, khu bếp của Trung tâm dạy nấu ăn Sao Mai (số 5 phố Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã chộn rộn người ra vào. Hôm nay các đầu bếp và tình nguyện viên tiếp tục chuẩn bị 300 suất ăn để gửi tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, nơi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Suất ăn yêu thương” do Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội (HPC) phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng và Hội truyền thông thành phố Hà Nội xây thực hiện. Mục tiêu của chương trình là cung cấp được 10.000 suất (có thể nhiều hơn, giá trị mỗi suất ăn là 50.000 đồng), gửi tặng miễn phí tới các y, bác sĩ tại tâm dịch.

Ngày 2-6, 300 suất ăn đầu tiên đã được gửi đi. Hôm đó là một ngày nắng nóng cao điểm. Ai nấy mồ hôi đầm đìa. Nhưng niềm vui, sự phấn chấn khiến họ quên đi mệt mỏi. Không ai nghĩ chương trình vừa mới được phát động tuần trước nay đã được thực hiện một cách thần tốc như vậy.

Cuối tháng 5, chứng kiến tình hình dịch bệnh tại các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang ngày càng căng thẳng, các thành viên của HPC không khỏi lo lắng, mong muốn làm được việc gì đó có ý nghĩa, vừa động viên, vừa hỗ trợ sức khỏe cho các nhân viên y tế tại tâm dịch. Với chuyên môn của mình, không gì tốt hơn là họ tự tay chuẩn bị các bữa ăn ngon miệng, bảo đảm đủ dinh dưỡng gửi đến các y, bác sĩ.

Ý tưởng được thông qua nhanh chóng, lực lượng đầu bếp và tình nguyện viên được huy động, đồng thời tìm nhà cung cấp thực phẩm tin cậy, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không thể thiếu là kinh phí. Cùng với việc kêu gọi nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, chính các thành viên của HPC đã nhiệt tình tham gia đóng góp kinh phí để chương trình có thể vận hành trong thời gian đầu. Sau hai ngày kêu gọi, chương trình nhận về 200 triệu đồng. Vậy là đã có nguồn lực để thực hiện những suất ăn đầu tiên.

Sau ba ngày chạy chương trình, nhóm nhận được “đơn đặt hàng” với 600 suất mỗi ngày, từ 6-6. Đây là áp lực không nhỏ với những người thực hiện chương trình. Nhưng họ vững tin, với sự chung sức của cộng đồng, sẽ có thêm nhiều suất ăn được chuyển tới tận tay các y, bác sĩ trong tâm dịch đều đặn mỗi ngày, gửi gắm lòng biết ơn và lời cầu chúc bình an của những người ở tuyến sau.

Mong dịch bệnh sớm bị đẩy lùi

Bếp trưởng Trương Công Lệ, thành viên HPC, xung phong hỗ trợ địa điểm là cơ sở Trung tâm dạy nấu ăn Sao Mai do anh làm Giám đốc, tại số 5 Nghĩa Đô. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Trung tâm tạm dừng việc đào tạo từ nhiều tuần trước, các hoạt động kinh doanh cũng chỉ giữ ở mức độ. Để giúp cung cấp nhân lực thực hiện “Suất ăn yêu thương”, anh lập tức gọi điện huy động một số học viên cũ về Trung tâm hỗ trợ.

Những suất ăn nghĩa tình gửi vào vùng dịch -0
 

Tham gia đứng bếp ngoài bếp trưởng Trương Công Lệ, còn có sự tham gia của những đầu bếp giỏi tay nghề. Ngay trong buổi sáng ngày 4-6, có thể bắt gặp sự hội ngộ của rất nhiều tên tuổi trong giới đầu bếp chuyên nghiệp như Hà Hải Đoàn - Chủ thương hiệu Bánh mì Phố, Chủ tịch HPC; Nguyễn Công Chung - bếp trưởng của khách sạn Sheraton; Nguyễn Văn Côi đến từ Golden Gate Restaurant Group,…

Nguyễn Minh Thành, vốn là bếp trưởng của một khách sạn có tiếng ở trung tâm Hà Nội (nay làm cho Mega Market), ngay khi biết đến chương trình đã lập tức thu xếp công việc để thường trực có mặt vào các buổi sáng tại bếp để trực tiếp nấu ăn.

Cùng với sự tham gia của các đầu bếp chuyên nghiệp, chương trình “Suất ăn yêu thương” còn có sự tham gia của nhiều tình nguyện viên thuộc nhiều lứa tuổi, làm các ngành nghề khác nhau. Không ít người tình cờ biết đến chương trình ý nghĩa này nên tranh thủ thời gian đầu buổi sáng đến hỗ trợ như chị Linh, em Hồng,....

Hồng bảo, em cũng là người Bắc Giang. Quê nhà Hồng ở Song Khê, Nội Hoàng, cách thành phố Bắc Giang vài cây số. Hồng nói quê em đã phát hiện các ca mắc Covid-19 rồi, vì vậy mọi người hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết. Hồng thổ lộ việc tham gia chương trình cũng là cách để tiếp sức cho quê nhà. Các buổi sáng, Hồng có mặt ở bếp từ sớm, để rồi gần 8 giờ lại tất bật chạy đến cơ quan cho kịp giờ làm việc.

Xung quanh căn bếp nhỏ của “Suất ăn yêu thương”, câu chuyện về tâm dịch Bắc Giang luôn được mọi người quan tâm, bàn luận với không ít âu lo, thấp thỏm.

Tôi thực sự ám ảnh với câu chuyện của Hương, một tình nguyện viên, quê Yên Dũng, Bắc Giang.

Sinh năm 1995, Hương vốn là một sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn quốc gia, khoa Công tác xã hội. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, Hương quyết định “rẽ ngang”, thử sức với nghề nấu ăn. Thực ra đam mê nấu ăn của Hương có từ trước đó.

Thời còn là sinh viên, Hương đã xin học và làm việc ở nhà hàng thuộc chuỗi nhà hàng của tập đoàn Golden Gate. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, cô được nhận vào làm tại đây.

Một thời gian sau Hương lập gia đình với một đồng nghiệp cùng chỗ làm. Hai vợ chồng thuê nhà ở Xuân Đỉnh. Năm 2020, Hương sinh con nhỏ giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công việc gặp nhiều khó khăn. Bước sang năm 2021, dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Hương quyết định gửi con về quê cho bà ngoại ở quê, tiếp tục bám trụ Hà Nội, xoay sở kiếm sống trong lúc chồng cô chuyển sang chạy Grab.

Ai dè chỉ trong thời gian ngắn, Bắc Giang trở thành điểm nóng của dịch bệnh. Hương không thể về quê. Cô kể, đã ba tháng nay cô không gặp con gái. Mẹ con ngày ngày chỉ nhìn nhau qua điện thoại. Cô khóc, bảo em nhớ con lắm, cháu mới 14 tháng tuổi. Khi biết đến chương trình “Suất ăn yêu thương”, Hương đã nhiệt tình tham gia. Cô muốn mình có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé, với mong muốn các bác sĩ mạnh khỏe, sớm đẩy lùi dịch bệnh, để mẹ con có thể gặp nhau.

Dịch bệnh sớm được đẩy lùi, cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường cũng là mong mỏi của cả cộng đồng trong lúc này. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự chung sức, đồng lòng, sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân,… bằng nhiều cách thức khác nhau sẽ giúp điều đó sớm trở thành hiện thực.

Ủng hộ phòng chống dịch Covid-19