Những nhân viên y tế trong đại dịch

NDO -

Kiên cường chống chọi với cơn bão Covid-19, những người ở tuyến đầu đã trải qua những đau thương, mất mát chưa từng có trong cuộc đời. Nhưng rồi họ đã vực dậy, bằng sự hồi sinh của hàng trăm nghìn ca bệnh nặng, bằng niềm tin về một ngày mai đại dịch sẽ sớm chấm dứt.

Điều dưỡng Lê Hoàng Phong chăm sóc F0 tại trung tâm. (Ảnh: H.P)
Điều dưỡng Lê Hoàng Phong chăm sóc F0 tại trung tâm. (Ảnh: H.P)

Đủ mạnh mẽ để vượt qua mất mát, tuyệt vọng

Trong chuyến xe cấp cứu ngoại viện đưa bệnh nhân chuyển tuyến, điều dưỡng Đinh Văn Nhiệm tranh thủ 15 phút về nhà, lặng lẽ nhìn vợ và hai con qua cánh cổng sắt, đặt túi trứng gà vẻn vẹn 10 quả trước cửa. Ba người thân yêu nhất đời anh đã trở thành F0. Còn anh vẫn đang ngày đêm chiến đấu ở tuyến đầu. Anh thật sự rối trí.  

Đó là một ngày đầu tháng 9, thành phố Hồ Chí Minh đang ở trong “mắt bão” và là ngày thứ 30 anh nhận nhiệm vụ ở mặt trận phía tây thành phố tại Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên sau khi vào tuyến đầu, Nhiệm lén về nhà vì sự lo lắng, bất ổn cứ trở đi, trở lại trong tâm trí.

Chứng kiến quá nhiều mất mát, đau thương với nhiều ca bệnh tử vong chỉ trong gang tấc, anh biết, cơ hội để nhìn thấy người thân khỏe mạnh trong thành phố đang gặp bệnh trọng này rất mong manh. Nhất là lúc này, vợ và con anh đều đã nhiễm Covid-19, chưa được tiêm mũi vaccine nào, không thể nương tựa được vào ai.

Suốt buổi chiều trở về nhà, thành phố vắng lặng, tâm trạng ngổn ngang. Anh muốn mua gì về cho vợ con lúc này, nhưng chỉ tìm được duy nhất một gánh hàng rong bán trứng. Với Nhiệm cũng như bất kỳ nhân viên y tế nào, mệt mỏi, bất ổn, tâm trí dao động khi xách va ly vào tuyến đầu không chỉ bởi vì chứng kiến quá nhiều người tử vong nhanh chóng, hay vì những đêm dài thức để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, mà lo lắng lớn nhất là khi người thân nhiễm bệnh.

“Tôi về nhà, vợ chốt chặt cổng, bắt ngồi ngoài đường nói chuyện. Hai đứa con nhỏ ngây thơ chưa hiểu gì. Vợ chỉ nói em ổn, anh cứ tập trung cho trung tâm, ba mẹ con ở nhà tự lo được. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình bất lực”, Nhiệm kể lại những ngày ruột gan như lửa đốt.

Những nhân viên y tế trong đại dịch -0
 Nhân viên y tế như Nhiệm và Phong đã kiên cường chiến đấu ở tuyến đầu suốt nửa năm. (Ảnh: H.P)

Nhiệm tính toán mọi khả năng xảy ra, xin thầy Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nếu có bất ổn sẽ đưa ngay vợ con nhập viện. Ngày lo lắng nhất trong hơn 5 tháng chiến đấu ở tuyến đầu với Nhiệm là khi vợ thông báo bị mất hoàn toàn vị giác và hạnh phúc nhất là 10 ngày sau nhiễm bệnh, bà xã đã có thể ăn uống ngon miệng.

“Sau này về nhà, vợ mới nói thật có lúc cảm giác như không còn thở được nữa”, Nhiệm kể. Với Nhiệm, để vượt qua được thời khắc ấy, nếu không có sự hy sinh thầm lặng của hậu phương, anh không biết mình sẽ tiếp tục trụ vững tới đâu. Không có những sự hy sinh ấy, không biết trận chiến này còn ai đủ sự tỉnh táo và vững vàng để trụ lại cùng chiến đấu.

Sau hơn 5 tháng, Nhiệm rời trung tâm và mất một tuần để trở lại cuộc sống bình thường tại bệnh viện, nhưng tâm trí vẫn đang hướng về trung tâm. Nhiệm kể, anh cố gắng thu xếp công việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, sẵn sàng Tết này xách va ly vào tuyến đầu cùng đồng đội.

5 tháng đỉnh dịch tại TP Hồ Chí Minh, có những người đã rút, có những người vẫn ở lại. Trong tuyến đầu, các bác sĩ vẫn cần đội ngũ hậu cần, đội ngũ điều dưỡng để làm tất cả mọi việc, từ hỗ trợ điều trị cho tới chăm sóc vệ sinh cho bệnh nhân Covid-19. Nhiệm bảo, trải qua đại dịch, anh thấy trân trọng nghề hơn bao giờ hết, nhất là khi nhìn thấy sự cống hiến thầm lặng của các thầy cô, đồng đội và đặc biệt là những tình nguyện viên.

“Ai cũng hy sinh hết mình vì tính mạng người bệnh như đang trả ơn với đời. Chính những tình nguyện viên cùng lăn xả ở tuyến đầu cho tôi cảm giác sự cống hiến của mình chẳng là bao. Đa số nhân viên y tế vượt qua được thời gian khốc liệt đó là nhờ mọi anh em đứng sát cánh bên nhau, không ai rời bỏ vị trí”, Nhiệm kể.

Đồng hành với Nhiệm trong tổ “bay đêm” trực chiến 24/7 vận chuyển bệnh nhân nặng từ tuyến dưới là Lê Hoàng Phong, một điều dưỡng cứng nghề tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Phong đã đi hơn 6 tháng và chưa biết ngày về. Suốt thời gian qua, Phong hầu như không dám về nhà vì con thứ 2 của anh chưa đầy một tuổi. “Tôi sẽ đi với thầy (PGS, TS Lê Minh Khôi-PV) vượt qua hết những giai đoạn khó khăn này”.

Những nhân viên y tế trong đại dịch -0
 Tất cả vững vàng giữ vững vị trí xuyên Tết nguyên đán chăm sóc người bệnh Covid-19. (Ảnh: H.P)

Điều dưỡng Nguyễn Thị Quế (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) sau 110 ngày chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hề nguôi ngoai những nỗi đau trong lòng, vẫn tức tưởi khóc về đêm khi tâm trí ùa về bóng dáng những bệnh nhân không qua khỏi. Cô bảo: “Tôi vẫn nhớ Sài Gòn. Giờ Sài Gòn chắc không còn đau thương như trước nhưng nếu cần chi viện, tôi vẫn sẵn sàng lên đường”.

Đó là quyết tâm của người đã vượt qua những ngày bão giông. Nhưng ở thời điểm khủng hoảng nhất, Phong cũng như Nhiệm, như điều dưỡng Quế, họ đều bị xao động, mệt mỏi, stress... nhưng rồi lòng yêu và sự gắn bó với người bệnh vẫn lớn hơn tất cả. Họ cũng phải học cách điều chỉnh cảm xúc từng chút một, học cách vững vàng để làm điểm tựa cho những bạn mới chưa có nhiều kinh nghiệm làm công tác hồi sức người bệnh và làm động lực cho bệnh nhân vực dậy mỗi ngày.

Không ai gục ngã, không ai rời vị trí

Với những chiến sĩ áo trắng vào tuyến đầu, áo giáp của họ là những bộ bảo hộ, là khẩu trang mà họ hay nói vui là trang phục “nuôi ong”. Vũ khí duy nhất trong tay chính là vaccine và kinh nghiệm điều trị học hỏi dần dần. Trong tuyến đầu, họ không chỉ là bác sĩ, là điều đưỡng điều trị mà còn hơn một người nhà để vực dậy cho từng bệnh nhân cả về thể trạng và tinh thần.

Ngoài chăm sóc vệ sinh, nâng giấc, để bệnh nhân có được tinh thần chiến thắng bệnh tật, có không ít trường hợp, các bác sĩ phải dùng biện pháp tâm lý để bệnh nhân hợp tác điều trị như cho gia đình gọi video call mỗi ngày. Phép màu vì thế cứ lần lượt đến với nhiều ca bệnh nặng, có những người chỉ có thể nhìn người nhà qua màn hình ứa nước mắt, cho đến khi vẫy tay được và họ đã có thể chuyển sang thở oxy qua đường mũi và nói chuyện được.

Hành trình vượt qua cơn bạo bệnh sẽ chẳng giống ai vì mỗi người có một sức khỏe và thể trạng khác nhau nhưng điểm tựa duy nhất giúp vượt lên trên nỗi đau của bệnh tật đó là sự chia sẻ, là tình yêu thương của các thầy thuốc đối với người bệnh. Những bông hoa dù hiếm hoi vào ngày sinh nhật của người bệnh, cũng trở thành liều thuốc đặc biệt với những bệnh nhân Covid-19.

Đợt dịch thứ tư đã đi qua đầy khốc liệt. Trong số hàng chục nghìn áo trắng xông pha vào tuyến đầu, có nhân viên y tế đón ngày hạnh phúc bằng một đám cưới online trong hoàn cảnh đặc biệt khi nhà gái mặc quần áo bệnh viện, mắt nhòe ướt vì xúc động.

Những nhân viên y tế trong đại dịch -0
 Dù vất vả, gian khó nhưng các nhân viên y tế vẫn bám trụ ở tuyến đầu.

Có những nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, gặp di chứng, có người không thể gặp người thân yêu nhất khi bị nhiễm Covid và qua đời. Có những người dù trở về sau nhiều tháng chống dịch vẫn mang theo một nỗi đau thầm lặng khi nghĩ về những ngày tháng khốc liệt nhất trong cuộc đời gắn bó với ngành y. Có những nhân viên y tế đã phải đi điều trị tâm lý thời gian dài. Có người sống trở nên lặng lẽ, thậm chí rời khỏi ngành.

Những ai vác ba lô vào tuyến đầu năm 2021, đều bước qua những trải nghiệm đặc biệt từ đau thương, mất mát đến những thành công mang tên kỳ tích. Và khi đã trải qua và tận mắt chứng kiến những điều đó, họ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn bao giờ hết và  cảm thấy sức sống mãnh liệt ở mỗi con người.

Trong hành trình đã qua và tới đây, hàng chục nghìn nhân viên y tế vẫn ở lại, vẫn lặng lẽ âm thầm cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe người dân. Chính sự hồi phục của những bệnh nhân là liều thuốc tinh thần lớn nhất khích lệ các y, bác sĩ tiếp tục nỗ lực từng giây, từng phút để chiến đấu vì sự hồi sinh của người bệnh.

BS Đồng Phú Khiêm, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói, 2 năm nay, anh không biết tới tết ở nhà, và Tết Nhâm Dần cũng vậy. Hà Nội đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh, tỷ lệ nặng dù không tạo ra sự khủng hoảng như TP Hồ Chí Minh nhưng ở tuyến đầu, áp lực luôn cao.

Các bác sĩ ở tuyến hồi sức tích cực đầu ngành phía bắc đang phải phân loại bệnh nhân thông qua đánh giá tiên lượng để ưu tiên điều trị, cố gắng cứu được nhiều người nhất, và ca bệnh được cứu phải có ý nghĩa nhất với từng gia đình.

“Chúng tôi nhiều lần phải đứng giữa lựa chọn sẽ cứu một người bệnh cao tuổi có nhiều bệnh nền đi kèm hay một sản phụ đang nhiễm Covid-19. Lúc đó, chúng tôi buộc phải lựa chọn bệnh nhân nào còn nhiều cơ hội. Với các bác sĩ, nhiều khi phải đóng vai trò như thần chết là điều vô cùng áp lực và khủng hoảng”, bác sĩ Khiêm bày tỏ.

Với hàng chục nghìn người xách va ly vào tuyến đầu, một từ để mô tả nhiều nhất về cuộc chiến khốc liệt suốt nhiều tháng qua là “đau thương”. Có những bác sĩ đau đớn khi bệnh nhân hỏi: “Bao giờ em chết?”. Sang chấn tâm lý, hoảng loạn tinh thần, sợ hãi về sự sống bất định hằn sâu trong tâm trí họ.

Những nhân viên y tế trong đại dịch -0
Những gì diễn ra trong đại dịch để lại nhiều chấn động tâm lý với nhân viên y tế.

Nghiên cứu mới nhất trong khối ngành y tế cho thấy, hiện có 60% nhân viên y tế muốn có sự thay đổi trong công việc. Không phải vì họ không yêu nghề, ngại vất vả mà vì áp lực tâm lý đối diện với sự mất mát quá lớn, quá sức chịu đựng. Khi chọn nghề y, ngoài làm việc chuyên nghiệp, ai cũng phải giữ một đầu lạnh nhưng với phần lớn mọi người, những gì diễn ra thật sự bên trong rất sâu sắc và sẽ khó vượt qua.

Họ không muốn làm người hùng để phải sống gồng mình lên, trong khi họ cũng là con người, không thể trụ vững mãi như thành đồng sắt thép. Họ cần một cơ chế đãi ngộ xứng đáng khi họ đã dành toàn bộ thời gian, sức khỏe, sẵn sàng lăn xả, thậm chí xác định tinh thần có thể nhiễm và tử vong khi làm nhiệm vụ ở tuyến đầu.

Bước sang năm thứ 3, thế giới vẫn đang loay hoay học cách sống chung với Covid-19, vẫn đang giải quyết bài toán vaccine và thuốc điều trị, vẫn đang nói những câu chuyện hy vọng ngày trở lại bình thường. Hơn 8 tháng qua, Việt Nam phải chống chọi với một tình thế khó khăn chưa từng có với trung bình mỗi tháng có hơn 200 nghìn người nhiễm mới và hơn 4 nghìn người tử vong.

Số người nhiễm cao gấp gần 1.200 lần và số người tử vong gấp gần 1.800 lần so với năm 2020. Một nữ bác sĩ tâm sự, rồi ai cũng muốn quên đi những điều không vui, nhưng quên bài học thất bại lại là điều nguy hiểm. Người ta vẫn nói "những ai không học lịch sử sẽ lặp lại nó". Chúng ta cần nhớ lại những bài học thất bại trong năm 2021 để có thêm động lực, đủ mạnh mẽ vượt qua mất mát, tuyệt vọng.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan