Những người lính đặc công bên bờ sóng

Năm 2023, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 (Lữ đoàn 126) được Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị tặng Cờ thi đua Bộ Quốc phòng, bởi các khoa mục huấn luyện của đơn vị đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời với nhiều nhiệm vụ đột xuất cấp trên giao, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt, xứng đáng là lực lượng đặc biệt, tinh nhuệ, thiện chiến của Quân chủng Hải Quân.
0:00 / 0:00
0:00
Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 (Bộ Tư lệnh Hải quân) huấn luyện bộ đội bơi đường dài. (Ảnh Đức Tuấn)
Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 (Bộ Tư lệnh Hải quân) huấn luyện bộ đội bơi đường dài. (Ảnh Đức Tuấn)

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Tại Lữ đoàn 126 vào những ngày giữa tháng 12, không khí thi đua sôi nổi. Dù ở doanh trại hay trên thao trường, bãi tập, những người lính đặc công vẫn say sưa luyện rèn. Đại tá Trần Văn Nghĩa, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Với bề dày truyền thống, lữ đoàn ba lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó Đội 1, nay là Đại đội 1 vinh dự ba lần được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), nên mỗi dịp lễ lớn của đất nước, quân đội cũng như trong quá trình huấn luyện, đơn vị đều ôn lại truyền thống vẻ vang đó.

Đoàn 126 - nay là Lữ đoàn 126, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là giai đoạn 1966-1973, đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt-Đông Hà, Quảng Trị rực lửa. Bằng phương thức tác chiến độc đáo, quả cảm, táo bạo, mưu trí, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ đặc công đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Đơn vị đã chiến đấu hơn 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng gần 400 tàu các loại của địch, phá hủy hàng chục vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, tiêu diệt hàng nghìn sinh lực địch...

Kế thừa truyền thống nêu trên và căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiện nay, để nâng cao chất lượng huấn luyện, lữ đoàn đã tập trung đột phá huấn luyện “Cơ bản, làm chủ chuyên sâu trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật và thực hiện nghiêm quy tắc an toàn”. Lữ đoàn thực hiện tiêu chí 4 giỏi “Bơi lặn giỏi, bắn súng giỏi, võ giỏi, rèn luyện thể lực giỏi”. Vì thế nhiều năm liền lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị huấn luyện giỏi. Mỗi quân nhân công tác ở đơn vị đều là niềm vinh dự của bản thân, gia đình và quê hương.

Những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, được Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đánh giá cao.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phan Cao Thắng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 8, Lữ đoàn 126 chia sẻ: “Tôi tham gia nhiều lần cứu nạn nhưng tôi nhớ nhất là sự kiện tháng 10/2020, khi Tàu Vietship 12, Vietship 01 đang nạo vét tại luồng Cửa Việt thì gặp cơn dông bão, trong thời gian ngắn hai tàu dần bị chìm, thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu, uy hiếp đến tính mạng. Nhận lệnh của cấp trên, Lữ đoàn 126 đã điều động 20 cán bộ, chiến sĩ cơ động vào chi viện cho lực lượng cứu nạn. Mặc dù sóng to, gió lớn, nguy cơ mất an toàn tính mạng, nhưng bằng bản lĩnh, kỹ năng điêu luyện, tổ đặc công nước đã hiệp đồng cùng các lực lượng vượt sóng dữ lao ra khu vực tàu chìm, đưa được một thuyền viên và một ngư dân vào bờ an toàn”.

Mặc dù sóng to, gió lớn, nguy cơ mất an toàn tính mạng, nhưng bằng bản lĩnh, kỹ năng điêu luyện, tổ đặc công nước đã hiệp đồng cùng các lực lượng vượt sóng dữ lao ra khu vực tàu chìm, đưa được một thuyền viên và một ngư dân vào bờ an toàn.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phan Cao Thắng

Huấn luyện sát thực tế

Để gắn sát điều kiện huấn luyện, rèn luyện sức khỏe bảo đảm sức chịu đựng tốt, bộ đội đặc công hải quân được trang bị khí tài đặc chủng. Đại tá Phan Văn Cảnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126 chia sẻ: “Các trang bị khí tài hiện đại khi được trang bị về đơn vị, cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng huấn luyện chuyển giao và làm chủ một cách vững chắc. Khi đưa vào huấn luyện, chúng tôi hướng dẫn bộ đội nắm chắc lý thuyết, nguyên lý, luyện tập từ đơn giản đến phức tạp, làm chủ chuyên sâu”.

Trung tâm Huấn luyện lặn sâu được trang bị nhiều thiết bị, khí tài hiện đại như hệ thống huấn luyện lặn sâu, buồng tăng giảm áp… Tất cả được thiết kế lắp đặt liên hoàn, khoa học. Trung tá Bùi Đạt Hưng, Chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết: Thiết bị này cho phép lặn sâu hàng trăm mét; lặn ở độ sâu đáy hàng chục ngày, tương đương với môi trường, nhiệt độ, áp suất ngoài biển.

Cán bộ, nhân viên của trung tâm đã chủ động nghiên cứu, học tập nắm được tính năng, nguyên lý hoạt động của các loại máy, thiết bị; nắm được quy trình và điều khiển các loại máy cấp nước, điều hòa nhiệt độ, thao tác cung cấp khí theo đúng quy trình và điều hành của người chỉ huy. Bác sĩ sinh lý lặn của trung tâm đã nắm chắc các bệnh giảm áp, nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp sử dụng bảng giảm áp; thao tác tốt việc thực hành kiểm tra y tế cho thợ lặn khi huấn luyện bằng các thiết bị y tế được trang bị trong buồng.

Vừa ra khỏi buồng tăng giảm áp, Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Phùng Đức Tuân, Trợ giáo lặn bộc bạch: Trong buồng tăng giảm áp, sức ép sẽ làm cho lồng ngực có cảm giác như sắp “vỡ tung”, gây khó thở, khó chịu vô cùng. Nhưng đã là người nhái thì nhất thiết phải trải qua công đoạn này mới có thể lặn sâu hàng chục, hàng trăm mét...

Trong buồng tăng giảm áp, sức ép sẽ làm cho lồng ngực có cảm giác như sắp “vỡ tung”, gây khó thở, khó chịu vô cùng. Nhưng đã là người nhái thì nhất thiết phải trải qua công đoạn này mới có thể lặn sâu hàng chục, hàng trăm mét...

Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Phùng Đức Tuân

Cùng với việc cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài, Lữ đoàn 126 còn mở các lớp tập huấn cho cán bộ, chiến đấu viên đơn vị trên cơ sở nội dung huấn luyện chuyển giao của chuyên gia nước ngoài, sử dụng thành thạo các trang thiết bị lặn, nhất là vận hành điều khiển buồng tăng giảm áp... Đến nay, 100% cán bộ, nhân viên trung tâm cơ bản làm chủ các trang thiết bị lặn. Có nhiều đồng chí chiến đấu viên lặn ở độ sâu hàng trăm mét trong thời gian dài.

Từ khâu tuyển chọn đầu vào đến môi trường rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, Lữ đoàn 126 thường xuyên tổ chức luyện tập võ chiến đấu. Tiêu chí bơi lặn giỏi, võ giỏi là một trong những tiêu chí mà mỗi quân nhân phải được tập luyện một cách bài bản.

Năm 2023, Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 Đặc công người nhái, Lữ đoàn 126 giành giải nhất toàn năng tại Hội thi liên đội trưởng, chính trị viên và các chức danh tương đương đặc công toàn quân, do Binh chủng Đặc công tổ chức. Thiếu tá Lộc chia sẻ: “Nhờ nắm chắc nội dung và luyện tập thường xuyên ở đơn vị cho nên tôi đã vận dụng tốt vào bài thi. Cho dù điều kiện và nội dung thi khó, nhưng tôi đã hoàn thành tất cả các yêu cầu đề ra”.

Huấn luyện dã ngoại là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn 126. Dù điều kiện ăn ở, sinh hoạt, huấn luyện dã ngoại còn thiếu thốn, nhưng cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn luôn chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra.

Đây là nội dung huấn luyện khó, cường độ huấn luyện cao, dài ngày, nhất là nội dung bơi đường dài, rèn luyện sinh tồn khi trôi dạt trên biển. Ở nội dung huấn luyện này, cơ thể của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chịu sự tác động của môi trường nước biển, thời tiết có lúc nắng gắt, có lúc dông gió nhiều giờ... Mỗi lần như vậy, bản lĩnh và ý chí của người chiến sĩ đặc công nước được nâng lên rõ rệt.

Hạ sĩ Nguyễn Phương Nam, chiến sĩ Tiểu đội 2, Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 126 cho biết: “Trong quá trình thực hành huấn luyện các nội dung trên biển, 100% cán bộ tiểu đội, trung đội và đại đội đều tham gia bơi, thả trôi cùng chúng tôi, tạo được niềm tin và quyết tâm cao cho anh em chiến sĩ hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra”.