Những người kể chuyện về Điện Biên Phủ

Nhiều thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các điểm di tích lịch sử ở thành phố Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên đang cần mẫn bắc nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại.
0:00 / 0:00
0:00
Thuyết minh viên Nguyễn Việt Hằng hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.
Thuyết minh viên Nguyễn Việt Hằng hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Một buổi chiều tháng 4, cái nắng chói chang, gió tây nam khô nóng và những đoạn dốc khá cao không ngăn trở được dòng người nối tiếp nhau đến tham quan di tích Ðồi A1 (phường Mường Thanh). Trên đỉnh đồi, gần hố bộc phá sâu hoắm tạo bởi 960 kg thuốc nổ, một đoàn du khách từ Hà Nội đứng lặng nghe thuyết minh viên Ngô Thị Lai (Ban Quản lý di tích tỉnh Ðiện Biên) kể lại trận đánh trên cứ điểm A1 đêm 6/5/1954. Chị mặc áo cóm truyền thống dân tộc Thái, trán đẫm mồ hôi, vóc dáng nhỏ bé nhưng giọng nói âm vang, rõ ràng, khi trầm khi bổng.

Giới thiệu “Ngôi mộ tập thể” của bốn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh khi tiêu diệt xe tăng địch, nữ thuyết minh viên rớm nước mắt nghẹn ngào: Ngôi mộ này cùng rất nhiều mộ liệt sĩ ở Ðiện Biên Phủ đều có điểm chung là chưa thể khắc tên tuổi, quê quán của các anh, nhưng “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/Anh có tên như bao khuôn mặt khác/Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc/Tên làng, tên đất theo Anh/Bình yên sau cuộc chiến tranh/Anh trở về không tên không tuổi/Trắng hàng bia/Những ngôi sao không nói/Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.../Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác/Tổ quốc không mất tên Anh/Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”. Khoảnh khắc chị Lai chầm chậm đọc một đoạn thơ nổi tiếng của nhà thơ, nhà báo Văn Hiền, dường như tất cả những người có mặt đều thấy sống mũi cay xè, trái tim như rung lên trong niềm tiếc thương và biết ơn vô hạn.

Chị Lai (quê Hà Nội) đã gắn bó với công việc thuyết minh 16 năm qua, đã tiếp đón nhiều đoàn khách, nhưng chị không hề thấy nhàm chán. Là một trong số gần 20 thuyết minh viên của Ban Quản lý Di tích tỉnh Ðiện Biên, những ngày này, chị Lai đang làm việc bằng tất cả tâm huyết. Rời Ðồi A1, chị sang di tích Hầm chỉ huy của tướng De Castries và tiếp tục hăng say đưa các đoàn khách ngược dòng thời gian trên chiến trường xưa. Có du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận ra chị ngay bởi chị xuất hiện trong khá nhiều video trên YouTube giới thiệu về Ðiện Biên Phủ.

Bên cạnh những thông tin về diễn biến, nhân vật lịch sử đã thuộc nằm lòng, nữ thuyết minh viên còn tìm tòi, sưu tầm những chi tiết đắt giá, những câu chuyện cảm động từ nhân chứng, sách báo chính thống để bài thuyết minh thêm sinh động, truyền cảm hứng. Ðặc biệt, chị Lai “ghi điểm” với nhiều khách tham quan nhờ thường xuyên trích dẫn phù hợp các áng thơ, đoạn văn kinh điển. Chị chia sẻ rằng, những tác phẩm văn chương ấy đã gắn liền với các chiến dịch, dễ tạo cảm xúc, sự gần gũi cho du khách.

Ðôi khi, nếu hỏi du khách, đặc biệt là các học sinh, về việc chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã diễn ra trong thời gian bao lâu, có lẽ không nhiều người nhớ chính xác. Nhưng nếu đọc những câu “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!” của nhà thơ Tố Hữu thì hầu như ai cũng biết.

Tuổi nghề thuyết minh viên ít hơn chị Lai, nhưng cô gái 9X Nguyễn Việt Hằng (Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ) cũng là một gương mặt thuyết minh viên được du khách yêu mến, đồng nghiệp tin tưởng. Từ tháng 3 đến nay, chị Hằng cùng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên thường xuyên làm việc từ sáng sớm đến chiều muộn, thậm chí tăng ca đến đêm do Bảo tàng đón khách vào một số buổi tối trong tuần kể từ ngày 1/4.

Mỗi ngày đón từ 8-10 đoàn khách, tiếp xúc hàng trăm người, trả lời cũng từng ấy câu hỏi, nhưng Hằng vượt qua những áp lực, mệt mỏi bằng niềm vui và lòng tự hào của một thanh niên sinh ra và lớn lên ở thành phố Ðiện Biên Phủ. “Thấy các đoàn có nhiều cụ ông, cụ bà cựu chiến binh tóc bạc trắng, mắt đã mờ... nhưng vẫn kiên nhẫn và hào hứng lắng nghe, em rất xúc động. Và những lúc ấy lại muốn chia sẻ nhiều hơn, chậm rãi hơn. Còn khi dẫn các đoàn sinh viên trẻ, cán bộ trẻ từ các địa phương khác, chúng em lại điều chỉnh tông giọng và cách diễn đạt sao cho khơi gợi được khí thế, niềm tự hào về những kỳ tích của cha ông” - Hằng bày tỏ.

Nhờ đam mê, sự chuyên nghiệp và nỗ lực, Hằng nhiều lần được đơn vị “chọn mặt gửi vàng”, trao cơ hội dẫn dắt và thuyết minh cho các đoàn lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, khách ngoại giao hoặc chuyên gia quốc tế đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Còn ở Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ (xã Mường Phăng), chị Lò Thị Thủy - người dân tộc Thái quê ở Mường Phăng đã thực hiện được ước mơ từ thuở nhỏ là trở thành một thuyết minh viên.

Ngày ngày, chị nỗ lực “thổi hồn” cho những hiện vật, từng gốc cây, lán trại... khi kể chuyện cho du khách tại địa danh đã làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng quê nhà Ðiện Biên của chị và các hướng dẫn viên, tình nguyện viên khác như Lò Thị Hà, Cà Thị Minh, Quàng Thị Hương Giang...

Trong Năm Du lịch quốc gia Ðiện Biên 2024, hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, nhằm bảo đảm nhân lực tiếp đón, phục vụ khách tham quan, tỉnh Ðiện Biên đã huy động thêm 30 tình nguyện viên là sinh viên, giáo viên trên địa bàn.

Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Phạm Thị Thảo cho biết, việc tuyển chọn và tập huấn thuyết minh viên, tình nguyện viên được thực hiện kỹ càng, đúng quy định, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn như: Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình trước đám đông, giải quyết tình huống linh hoạt, kiến thức chuyên sâu về văn hóa, lịch sử của địa phương và dân tộc... Các thuyết minh viên trong muôn sắc áo cóm Thái duyên dáng, nhiệt tình hướng dẫn du khách đã góp phần làm hình ảnh Ðiện Biên thêm đẹp và đáng nhớ.