Họ là những người "bắt mạch" các cây cầu, mang lại an toàn cho người dân, phương tiện lưu thông và kéo dài "tuổi thọ" của những nhịp cầu bắc qua sông Hàn, nối liền đôi bờ đông-tây thành phố Ðà Nẵng.
Ðể bảo đảm vận hành an toàn những cây cầu, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên thuộc Xí nghiệp Cầu Ðà Nẵng đã và đang "bắt mạch" đều tay. Công việc của họ vừa để mưu sinh và vì một tình yêu vô điều kiện với thành phố.
Những ngày này, thời tiết ở Ðà Nẵng nắng nóng đỉnh điểm. Nhiệt độ ngoài trời lên tới 38oC. Chiếc xe kỹ thuật dừng trên cầu Khuê Ðông, các kỹ sư bắt đầu công việc "khám cầu" ở những vị trí phía dưới của cầu, khó có thể tiếp cận nếu không có phương tiện chuyên dụng hỗ trợ. Ðây là cây cầu nằm trên đường Võ Chí Công, bắc qua sông Ðò Toàn (sông Cái), nằm giữa quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn. Cầu có chiều dài 416,6 m, rộng 26,3 m, với nhịp chính vượt sông có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng theo sơ đồ 50 m+75 m+50 m, nhịp dẫn gồm sáu nhịp dầm super T, dài 39,2 m/nhịp.
Công việc kiểm tra cầu bắt đầu với các kỹ sư khi xe chuyên dụng hạ cần đưa ca-bin và hai nhân viên xuống bên dưới lòng cầu để kiểm tra trực tiếp. Sau khi cẩn thận dùng tay, đèn pin rà soát những vết nứt nhẹ dưới dầm cầu Khuê Ðông, anh Nguyễn Hữu Hợp, nhân viên tuần tra Xí nghiệp Cầu Ðà Nẵng cầm viên phấn đánh chéo tại vị trí hư hỏng, ghi những lưu ý vào sổ ghi chép rồi dùng điện thoại chụp lại các vị trí này.
Anh Hợp mở tấm bản đồ kỹ thuật với kết quả kiểm tra định kỳ sáu tháng trước, đặc biệt quan sát kỹ tại các phiến dầm super T, dầm chữ I. Tại điểm giữa các thanh dầm có một hốc dọc dầm tương đối lớn - đây là vị trí rất sâu, khó có thể quan sát và vị trí các cạnh dầm, phần tiếp xúc giữa dầm, mặt cầu là các vị trí thường xảy ra tình trạng xuất hiện vết nứt.
"Theo kế hoạch, chúng tôi phối hợp với đội ngũ kỹ thuật kiểm tra cầu Khuê Ðông trong hai ngày, qua quan sát bằng mắt thường và sử dụng các thiết bị chuyên dụng soi lỗi kỹ thuật phát sinh. Mỗi năm cầu này được kiểm tra bằng xe chuyên dụng hai lần, nhằm sớm phát hiện và xử lý những bộ phận hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện lưu thông qua cầu", anh Nguyễn Hữu Hợp chia sẻ. Mỗi kíp "khám cầu" bằng xe chuyên dụng gồm bốn người, trong đó gồm lái xe, hoa tiêu và hai kỹ thuật. Họ là những người làm việc ăn khớp, hiểu ý và hỗ trợ nhau để thực hiện đúng kế hoạch đối với từng cây cầu, bảo đảm tiến độ để xoay vòng làm việc trong đợt kiểm tra kỹ thuật quy mô lớn này.
Gắn bó với công việc này từ năm 2000 đến nay, trong đó có hơn 10 năm làm nhân viên tuần tra cầu, giờ đây, anh Lê Hùng Thạnh đã chuyển hẳn sang bộ phận vận hành cầu. Khi chuyển sang bộ phận vận hành, anh thường xuyên làm ca đêm để xử lý, phân luồng giao thông trước, trong thời điểm cầu Rồng phun lửa và cầu Sông Hàn quay trong đêm.
Mỗi đêm, khi thành phố lên đèn, cũng là lúc hệ thống ánh sáng trên những cây cầu trên toàn thành phố bật sáng. Công việc ấy, tưởng như chỉ đến giờ là bật hoặc tắt điện là xong. Nhưng để làm được điều này, toàn bộ hệ thống đều phải kiểm tra, bằng cả hệ thống kỹ thuật số hiện đại và bằng những người "gác chắn" lặng thầm như anh Thạnh và nhiều đồng nghiệp trong đội.
Sau khi đặt xong barie phân luồng giao thông phục vụ việc tuần tra, sửa chữa cầu Khuê Ðông, anh Thạnh đã kịp chia sẻ với chúng tôi hành trình yêu và gắn bó với nghề như cách anh đang bám trụ với công việc nặng nhọc này, dù mức lương đã "kịch trần" khung của kỹ thuật viên, nhưng không thấm vào đâu so với trách nhiệm trụ cột của cả gia đình. "Nếu như không có tình yêu với công việc và không nhẫn nhịn, thì có lẽ không ai có thể bám trụ với nghề này như anh em chúng tôi. Mỗi vị trí công việc trong tổ kiểm tra cầu hay khi xử lý các sự cố liên quan đến an toàn cầu, đều có khó khăn, cực nhọc riêng, nhưng điều cần nhất đó là sự cẩn thận trong công việc, tôn trọng và lắng nghe đồng nghiệp. Có như vậy công việc kiểm tra kỹ thuật cầu mới thông suốt được", anh Thạnh chia sẻ.
Trái ngược với đội kiểm tra cầu bằng xe chuyên dụng, đối với những cây cầu đặc biệt của Ðà Nẵng như cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Lê Ðình Lý, thì độ cao là một trong những khó khăn, thách thức của đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật cầu.
Bảo dưỡng hệ thống vận thăng đối với các cây cầu này đòi hỏi sự rắn rỏi, dẻo dai và dũng cảm của các kỹ sư. Trên độ cao chót vót 145 m của đỉnh tháp cầu Trần Thị Lý, anh Tán Thịnh, Ðội phó Ðội Vận hành cầu, sau khi kiểm tra một lượt các vị trí, bằng kinh nghiệm của một cán bộ kỹ thuật, anh áp tai vào gần hệ thống vận thăng, lắng nghe âm thanh ròng rọc quay để "bắt mạch" triệu chứng của hệ thống. Anh cho biết, chỉ cần nghe tiếng ròng rọc quay trong quá trình vận hành thang máy, sẽ ít nhiều đoán được một số triệu chứng.
Công việc bảo dưỡng hệ thống vận thăng dây cầu đòi hỏi các kỹ sư phải theo từng bậc thang lên đỉnh tháp rồi từng bước lần theo hộp kỹ thuật để đo, kiểm tra các mối nối, hệ thống điện, pa-lăng và bôi dầu mỡ vào hệ thống bánh răng, puly dẫn hướng... Anh Thịnh tâm sự, làm việc ở độ cao giữa thời tiết nắng nóng, anh em trong đội luôn nhắc nhau không được chủ quan, phải bảo vệ chính mình an toàn thì cả đội mới an toàn. Nếu như bảo dưỡng hệ vận thang cầu Trần Thị Lý đã rất khó khăn, thì khi lên đỉnh cầu Rồng, cầu Thuận Phước, sự cẩn trọng lại phải chú ý tuyệt đối bởi những rủi ro khó lường, di chuyển trong hộp kỹ thuật chật hẹp hoặc đu mình trên hệ thống dây võng cao, dài hàng trăm mét.
Sau 28 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Ðà Nẵng đã lột xác hoàn toàn với một đô thị mở, được mệnh danh là thành phố của những cây cầu - điểm nhấn cho sự phát triển bền vững, liền mạch - dấu ấn cho một thành phố du lịch, hiện đại. Ðến nay, thành phố có 53 cây cầu trong đó có sáu cầu có kết cấu đặc biệt gồm: Thuận Phước, Sông Hàn, Rồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Phò Nam và 47 cầu bê-tông dài từ 25 m trở lên. Ðể giữ mạch giao thông kết nối, bảo đảm an toàn cho những nhịp cầu, hiện Xí nghiệp Cầu Ðà Nẵng có 35 cán bộ, công nhân trực tiếp bảo dưỡng sửa chữa cầu. Nhân viên tuần tra thường xuyên tuần tra, kiểm tra và theo dõi hệ thống quan trắc cầu để có thể nhanh chóng phát hiện những phát sinh hư hỏng. Những cây cầu lớn có kết cấu đặc biệt để kiểm tra được những vị trí khó tiếp cận, đơn vị sử dụng xe chuyên dụng hoặc dùng thuyền để tiếp cận kiểm tra.
Gần đây nhất, đợt bão, lũ số 5 trong hai ngày 14-15/10/2022 đã gây thiệt hại nặng nề đến tài sản và cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng. Trong đó có ba chiếc cầu bị hư hỏng nặng là cầu kênh đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà), cầu kênh đường Nguyễn Xí (quận Thanh Khê) và cầu Tà Lang Giàn Bí (huyện Hòa Vang). Thời điểm vẫn còn mưa to gió lớn, Xí nghiệp quản lý Cầu đã nhanh chóng cử người ra rào chắn và triển khai công tác khắc phục, sửa chữa. Xí nghiệp đã huy động tất cả nhân viên ra hiện trường, ứng trực 24/24 giờ, công nhân thi công ngày ba ca. Trong vòng 22 ngày đêm các cầu đã được sửa chữa, hoàn thành bảo đảm giao thông thông suốt cho người dân.
Ông Lê Ngọc Biên, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý Cầu cho biết: Công việc của đội ngũ kỹ thuật vận hành cầu hiện nay có sự hỗ trợ của máy theo dõi quan trắc. Tuy nhiên, để cẩn thận hơn, anh em vẫn ra hiện trường kiểm tra bằng mắt thường và ghi lại lịch trình, thời gian vào sổ công tác. Các dữ liệu kỹ thuật đều được xí nghiệp lưu lại phục vụ hoạt động đánh giá tình trạng cầu sau thời gian sử dụng, đồng thời cập nhật các công nghệ, thiết bị kiểm tra bảo dưỡng công trình mới, hiện đại. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cắt cử một đội ngũ tiếp cận các công trình cầu từ khi bắt đầu xây dựng để phục vụ công việc chuyên môn sau khi tiếp quản. "Lịch trình được phân chia tùy công việc, nhưng hạng mục công việc bảo dưỡng thường xuyên được lập kế hoạch từ đầu quý, đối với những hư hỏng mới phát hiện gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ quan công trình sẽ được sửa chữa khắc phục trong thời gian không quá 48 giờ sau khi phát hiện. Hiện nay, toàn bộ lực lượng cán bộ, nhân viên xí nghiệp đang làm việc với tinh thần không chờ hư mới sửa nhằm góp phần kéo dài tuổi thọ cầu và tiết kiệm chi phí trùng tu, sửa chữa", ông Biên khẳng định.